Cần nhìn nhận khách quan trong đánh giá của cơ quan ngoại giao nước ngoài

Thứ ba - 22/02/2022 20:38 499 0
Ngày 18/2, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng tự do báo chí cho đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam là Phạm Thị Đoan Trang, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin.

Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan, được triển khai thực hiện trong thực tế và được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua. Phạm Thị Đoan Trang bị bắt giữ và xét xử do có những hành động vi phạm pháp luật nhiều lần, nghiêm trọng, liên hệ với các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài, xuất bản các ấn phẩm trái phép có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, kích động các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. “Hành vi của Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi cho rằng, việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng cho một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ song phương với Việt Nam” - bà Phạm Thu Hằng nêu rõ.

Liên quan việc Phạm Thị Đoan Trang bị xét xử theo pháp luật Việt Nam, hôm 14/12/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cũng ra “tuyên bố báo chí”, lên án và kêu gọi trả tự do cho Phạm Thị Đoan Trang. Trong tuyên bố còn cho rằng, hành vi phạm pháp của Trang thể hiện “nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và quản trị tốt ở Việt Nam”.  Trong khi đó, một số tổ chức lấy mác “quốc tế” cũng đưa ra các “giải thưởng nhân quyền” và nhắm vào Phạm Thị Đoan Trang để tô vẽ hình tượng, trao giải.

Ngày 19/1/2022, tại Genève, Thụy Sĩ, giải thưởng nhân quyền có tên Martin Ennals cũng ra thông cáo “xướng tên nhà báo Phạm Thị Đoan Trang - nhà báo, nhà hoạt động xã hội người Việt Nam, vừa bị kết án 9 năm tù hồi tháng 12/2021”! Trong thông cáo báo chí, tổ chức này mô tả: “Đoan Trang được vinh danh vì các nỗ lực từ hơn 10 năm nay trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin của người dân. Ban tổ chức giải thưởng nhấn mạnh các sáng kiến của cô, bao gồm việc lập ra trang mạng thông tin nhân quyền và luật pháp Luật Khoa tạp chí, Nhà xuất bản Tự Do”.

Thực chất, dù tổ chức trao giải khác nhau nhưng đều có mẫu số chung khi cùng copy từ một khuôn mẫu như những gì mà Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) hay Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ) đưa ra. Trước đó, các tổ chức này đưa ra các thông cáo báo chí vu cáo Việt Nam là một trong những nước giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới. Thông cáo của CPJ cho rằng, Việt Nam vi phạm tự do báo chí nghiêm trọng và nêu yêu sách đòi Việt Nam phải “trả tự do cho các nhà báo”! Những cái tên được CPJ xướng lên làm “ví dụ điển hình” cho các nhà báo bị giam giữ như Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang, Trương Duy Nhất… Thực ra đây là luận điệu tái lặp của CPJ, RSF… khi có những quy kết không đúng về tình hình nhân quyền của Việt Nam nói chung cũng như tự do báo chí nói riêng. Như thông cáo trên, chỉ cần nhìn vào những cái tên trên đủ để thấy rằng CPJ xuyên tạc, bóp méo vấn đề quyền con người ở Việt Nam như thế nào. Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang… dù trước đây từng có giai đoạn hoạt động tại một số cơ quan báo chí, song do vi phạm pháp luật, họ đã bị kỷ luật, thay đổi công việc, ở thời điểm bắt giữ thì họ không còn là những nhà báo hay phóngviên như CPJ công bố. Trái lại, đó đều là những đối tượng vi phạm pháp luật, bị bắt giữ và xét xử theo các quy định của pháp luật Việt Nam. 

Trở lại việc Bộ Ngoại giao Canada và Vương quốc Anh ngày 10/2 đã trao “Giải thưởng Tự do Báo chí Canada - Vương quốc Anh năm 2022” cho Phạm Thị Đoan Trang, lý do mà cơ quan này đưa ra là “để ghi nhận những đóng góp của bà cho việc thúc đẩy tự do báo chí tại Việt Nam”. Trong thông cáo báo chí, nêu: “Giải thưởng Tự do Báo chí của Canada - Vương quốc Anh ghi nhận công việc của những người đã bảo vệ các nhà báo hoặc đi đầu trong tự do báo chí ở cấp địa phương, tôn vinh các tổ chức, chiến dịch và cá nhân ít được biết đến trong cuộc đấu tranh với việc không trừng phạt những hành vi chống lại nhà báo. Ra mắt năm 2020, giải thưởng ghi nhận những người thúc đẩy tự do báo chí, bất kể trực tiếp hay gián tiếp. Bà Trang được biết đến với những cuốn sách về dân chủ và những bài viết về xã hội dân sự và những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Là người thúc đẩy sự tiến bộ về quyền con người và tinh thần thượng tôn pháp luật, bà Trang viết về các vấn đề môi trường quan trọng. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã trao Giải Tự do báo chí cho bà Trang năm 2019 để ghi nhận công lao này…”.

Dẫn lại đoạn thông cáo trên thì thấy rằng, lời lẽ cũng giống như những gì mà RSF, CPJ hay HRW - những tổ chức thù địch chống phá Việt Nam đưa ra. Trong đó, chính thông cáo này còn dẫn lại ý của RSF về việc đã trao Giải Tự do báo chí cho Phạm Thị Đoan Trang năm 2019. “Ăn theo” vấn đề này, những cá nhân thuộc các tổ chức trên cũng đưa ra các lời lẽ, ý kiến nhằm cổ xuý việc trao giải thưởng nhân quyền cho Phạm Thị Đoan Trang, đối lập với việc tung hô “nữ ký giả” là sự chỉ trích, miệt thị Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trên trang mạng xã hội của Việt Tân cũng không quên đưa ra “lời chúc mừng nhà báo Phạm Thị Đoan Trang”!

Như vậy, chúng ta thấy dù giải thưởng và thông cáo báo chí được đưa ra với danh nghĩa của cơ quan Nhà nước là Bộ Ngoại giao nhưng nội dung trong nhìn nhận, đánh giá cũng sai lệch, tương tự với sự “tôn vinh giải thưởng” và thông cáo báo chí mà các tổ chức như RSF, CPJ hay HRW đưa ra. Dễ nhận thấy, sự đánh giá về hành vi của Phạm Thị Đoan Trang với danh nghĩa nhà báo với vấn đề nhân quyền, sự chỉ trích phiên toà hay “nền dân chủ” trong các thông cáo này dường như vẫn là các bản copy của nhau. Đây là điều không nên. Bởi lẽ, những tổ chức như RSF, CPJ hay HRW đã được nhận diện rõ về động cơ, mục đích thù địch, chống phá Việt Nam, thường xuyên lấy các vụ việc phạm pháp ở Việt Nam để chụp mũ dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, làm nguyên cớ để kích động chống phá. Dư luận không lạ gì những thủ đoạn đánh lận, nguỵ biện mà các tổ chức này đưa ra, ngay việc sử dụng các giải thưởng lấy tên nhân quyền cũng chỉ là cái cớ để thu hút và đánh lừa dư luận. Thế nhưng, với cơ quan Nhà nước, ngoại giao hay tổ chức quốc tế chính danh, khi đánh giá về một vấn đề, sự việc ở quốc gia khác mà dựa vào “phiên bản” như của RSF, CPJ hay HRW là điều không nên. Với sự trùng lặp nội dung và đánh giá như vậy, người ta có quyền nghi ngại những cá nhân của chính các tổ chức này can thiệp hay đứng sau các bản báo cáo, đánh giá của cơ quan ngoại giao nhà nước, làm ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của báo cáo. Trong quan hệ quốc tế, đây là điều mà các cơ quan ngoại giao luôn cẩn trọng, bởi những đánh giá của họ với một quốc gia khác cần phải thể hiện được tính khách quan, đúng đắn, thể hiện bằng việc nhìn nhận toàn diện chứ không nên “theo ý” bởi một cá nhân hay tổ chức nào khác, vì động cơ nào khác. Bởi lẽ đó, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng tự do báo chí cho đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam là Phạm Thị Đoan Trang, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Hành vi của Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi cho rằng, việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng cho một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ song phương với Việt Nam”. 

Ngày 14/12/2021, TAND Thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 9 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (sinh năm 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, khoản 1, điểm a, b, c - Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2017 đến ngày 5/12/2018, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước. Ngoài ra, bị cáo còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.

Viện Kiểm sát xác định, các tài liệu có nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. HĐXX xác định hành vi của Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ XHCN và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Bản thân bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, bị cáo hiểu và biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn quyết liệt thực hiện trong một thời gian dài, do vậy cần phải xử phạt nghiêm minh. Khi quyết định hình phạt, HĐXX đánh giá bị cáo khai báo không thành khẩn, phạm tội nhiều lần nên quyết định áp dụng hình phạt tù với thời hạn trên để giáo dục và phòng ngừa chung.

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây