Để tạo lòng tin, các đối tượng đưa ra những thông tin chính xác của nạn nhân như: Họ và tên, số CMND hoặc CCCD, sau đó yêu cầu nạn nhân cấp mã OTP. Có được mã OTP chúng sẽ vào tài khoản ngân hàng và lấy hết số tiền trong tài khoản của họ.
Cấp mã OTP – “giao trứng cho ác”
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ rầm rộ bài viết của người dùng mạng xã hội tên là Đỗ Ngọc. Chủ nhân trang này kể lại câu chuyện bị lừa của mình và cảnh báo mọi người về một hình thức lừa đảo tinh vi và rất mới: “Tối hôm kia, mình nhận được 1 cuộc gọi điện thoại từ số 02899991115, 1 bạn nữ tự xưng là nhân viên Mobifone gọi tới, bạn bảo giúp mình chuyển sim từ 3G lên 4G, bạn đọc số CMND và ngày tháng năm sinh của mình, và bảo sẽ giúp chuyển trên hệ thống giúp mình. Bạn bảo mình đọc mã OTP cho bạn, mình nói không đọc đâu vì sợ lừa đảo, bạn kêu chị nhận được tin nhắn từ My mobifone thì sao lừa được ạ (tài khoản trên Mobifone - pv), với lại OTP này không liên quan gì tới ngân hàng, chỉ là nâng cấp sim điện thoại…”.
Đỗ Ngọc chia sẻ, dù ông xã chị có ra dấu hiệu không đọc mã OTP, nhưng chị lại chủ quan khi nghĩ rằng người ta đọc vanh vách thông tin cá nhân, tin nhắn thì từ My mobifone, nên chắc không lừa. Mà nếu lừa thì cùng lắm là mất hết tiền trong card điện thoại, rủi ro thấp, nên chị vẫn đọc mã OTP cho bên kia.
Sau khi đọc xong mã OTP, điện thoại của chị không sử dụng được nữa. Tưởng hết tiền điện thoại nên chị lại nạp thêm 50.000 đồng để gọi cho nhà mạng. Tuy nhiên, tiền thì nạp rồi mà chị vẫn không gọi được. Lúc đó chị mới phát hiện bị lừa cướp số điện thoại, chuyển thành esim, và toàn quyền sử dụng điện thoại. “Lúc đó mình nghĩ bọn lừa đảo sẽ dùng điện thoại mình để mạo danh mình và lừa người thân bạn bè mình để mượn tiền. Vì vậy, mình lấy điện thoại ông xã mình gọi cho nhà mạng để khoá số điện thoại, khoá chiều đi và đến cả tin nhắn và cuộc gọi. Sau đó mình mới ra phòng giao dịch của nhà mạng để lấy lại số điện thoại của mình.
Trong vòng 10 phút từ khi bị cướp số điện thoại, chúng làm những việc sau: Thay đổi mật khẩu email cá nhân của mình, vì chúng bấm quên mật khẩu và được kích hoạt mật khẩu mới qua điện thoại. Vì có quyền kiểm soát cả email và điện thoại, chúng tiếp tục đăng nhập vào tài khoản ngân hàng điện tử của mình, bấm quên password và đổi pass mới thông qua email, điện thoại, và thông tin cá nhân mình gồm số CMND và ngày tháng năm sinh. Sau đó chúng chuyển hết tiền trong tài khoản mình cho 3 tài khoản ở các ngân hàng BIDV và MB”.
Sau khi đọc lời cảnh báo từ facebook Đỗ Ngọc, phóng viên đã gõ số điện thoại 02899991115 trong phần tìm kiếm trên trang mạng xã hội thì thực sự bất ngờ vì có quá nhiều người nói rằng mình chính là nạn nhân của số điện thoại đó. Liên lạc với tài khoản mạng xã hội Tommy Lee (tên thật là Lê Thị V.T, trú tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), chị V.T cho biết mình đã làm đơn trình báo gửi Công an phường Bến Nghé về việc mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đơn trình báo chị V.T trình bày: “Vào lúc 11 giờ ngày 18-12, số điện thoại 02899991115 gọi vào số thuê bao chính chủ của tôi. Người này nói mình là nhân viên của nhà mạng Mobifone hỗ trợ nâng cấp qua mạng sim 3G lên 4G miễn phí. Họ nói sẽ cung cấp mã OTP cho tôi và yêu cầu tôi đọc mã để họ thao tác trên phần mềm. Sau 2 lần cấp mã OTP tôi phát hiện mình đã bị mất quyền kiểm soát số điện thoại và rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng”.
Ngay sau khi bị mất quyền kiểm soát số điện thoại, chị V.T đã gọi lên cho nhà mạng yêu cầu họ kiểm tra thì được Mobifone thông báo phải gọi ngay cho ngân hàng để khóa tất cả thẻ ATM, thẻ Visa… và các dịch vụ Internetbanking vì họ cho rằng có khả năng chị V.T bị bọn tội phạm truy cập bất hợp pháp vào tài khoản ngân hàng bằng số điện thoại và rút hết tiền.
Sau khi liên lạc với Ngân hàng Vietcombank chi nhánh quận 1, nơi chị V.T mở tài khoản thì chị V.T được nhân viên thông báo vào lúc 11h20 phút tài khoản của chị đã đổi mật khẩu và rút hết số tiền trong tài khoản. Số tiền mà chị V.T bị kẻ xấu rút lên tới gần 100 triệu đồng. Chia sẻ với phóng viên, chị V.T nói rằng: “Mấy hôm sau khi xảy ra sự việc, tôi gần như không thể nào chợp mắt được. Cứ tự trách bản thân sao lại dễ tin người đến thế để đến mức mất một số tiền lớn. Nhưng tôi còn đỡ vì tôi có công ăn việc làm ổn định, có lương mỗi tháng chứ nhiều người họ nghèo lắm, tích mãi mới được một ít tiền để dành trong tài khoản, bị lừa như tôi là họ trắng tay. Vì không muốn ai bị như mình nên tôi đăng sự việc lên trang cá nhân để mọi người đọc được sẽ rút kinh nghiệm và cảnh giác hơn”.
Cũng giống như chị V.T, dù bị lừa gần 1 tháng nay nhưng chị Diệp Nga vẫn chưa hết đau lòng bởi số tiền bị mất với chị là rất lớn. Chị Nga chia sẻ: “Bình thường tôi là người rất cảnh giác, bởi trước đó tôi cũng đã đọc nhiều bài báo và những thông tin chia sẻ trên mạng xã hội về các hình thức lừa đảo. Nhưng thường thì là họ gửi cho mình đường link, bảo mình click vào chứ chưa bao giờ nghe đến hình thức lừa đảo như thế này. Ban đầu khi kẻ xấu gọi tôi cũng có chút do dự nhưng sau thấy chúng đọc cụ thể và chính xác nhiều thông tin về mình nên tôi tin đó là nhân viên nhà mạng thật. Sau khi cung cấp mã OTP cho chúng xong thì tôi như bừng tỉnh và tin chắc là mình đã bị lừa. Lúc đó tôi chạy ra cây ATM gần nhất để kiểm tra thì thấy mã pin của thẻ ngân hàng đã bị đổi”.
Số tiền mà chị Nga bị kẻ xấu chiếm đoạt là 60 triệu đồng. Với một người buôn bán quần áo online, năm nay ảnh hưởng dịch COVID-19 nên hàng bán rất chậm thì số tiền 60 triệu đồng bị kẻ xấu lừa là quá lớn đối với chị Nga.
Không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ
Cũng tương tự như chị Nga, chị L.T.T.H (phường Tô Hiệu, TP. Sơn La) nhận được số điện thoại 02899991115, tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của mạng viễn thông Mobifone nói số điện thoại của chị H. cần nâng cấp từ sim 3G lên sim 4G, yêu cầu cung cấp mã OTP để nâng cấp sim. Khi gọi đến, họ có đưa ra 1 số thông tin chính xác về tên, số CMND của chị H., nên chị đã tin đó là nhân viên chăm sóc khách hàng của Mobifone. Họ yêu cầu chị cung cấp mã OTP để tiến hành chuyển đổi sim.
“Sau khi tôi cung cấp mã OTP cho đối tượng, sau 2 phút bên tổng đài mạng viễn thông Mobifone gọi cho tôi và thông báo là đang thực hiện yêu cầu đổi sim. Không nghi ngờ, tôi tiếp tục đợi. Gần 10 phút sau, tôi bắt wifi để truy cập mạng Internet thì tin nhắn từ App của ngân hàng báo số tiền trong tài khoản bị trừ 18 triệu đồng”, chị H. kể lại. Cũng ở phường Tô Hiệu, chị H.T.T cũng bị lừa chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp 5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng (tài khoản ngân hàng liên kết với sim điện thoại).
Một nạn nhân bị lừa mất 65 triệu đồng tại thành phố Sơn La cũng bị các đối tượng lừa đảo với chiêu thức tương tự. Theo đó, chị Đ.T.H (tổ 8, phường Tô Hiệu, TP Sơn La) sau khi chuyển nhầm 2 triệu đồng cho khách hàng, khi đang băn khoăn để lấy lại tiền thì có số điện thoại +842439069111 tự nhận là nhân viên ngân hàng hỗ trợ khách hàng xử lý sự cố, giúp lấy lại số tiền đã chuyển nhầm trước đó. Trùng với việc chị H. cần nên chị cũng không hề cảnh giác và làm theo hướng dẫn của người này. Đối tượng gọi điện đã hướng dẫn chị H. truy cập vào đường link, nhập thông tin số tài khoản và mật khẩu.
“Sau khi đăng nhập, có mã OTP gửi về số điện thoại, họ yêu cầu tôi cung cấp, sau 3 lần đọc mã OTP (mã số bảo mật), tài khoản ngân hàng của tôi lập tức bị trừ 65 triệu đồng. Cuộc gọi chỉ diễn ra vài phút, nên tôi không cảnh giác. Mất số tiền lớn, tôi đến ngân hàng và cơ quan công an trình báo, nhưng khả năng lấy lại số tiền đó là không có”, Chị H. bức xúc kể lại.
Các trường hợp lừa đảo gọi điện thoại vẫn theo một “kịch bản” cũ. Các đối tượng này gọi điện thoại xưng là nhân viên điện lực thông báo nợ tiền điện, nhân viên chuyển phát thông báo có gói quà từ nước ngoài, nhân viên ngân hàng thông báo đang thiếu nợ, nhân viên nhà mạng hỗ trợ nâng cấp sim, cảnh sát thông báo lỗi vi phạm giao thông hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia...
Nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua điện thoại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng trong nước áp dụng biện pháp kỹ thuật chặn các cuộc gọi giả mạo mục đích lừa đảo (đã ngăn chặn hơn 74 triệu cuộc gọi giả mạo). Mới đây, Cục Viễn thông cũng đã yêu cầu các nhà mạng gửi tin nhắn FlashSMS/USSD để cảnh báo khách hàng đang nhận cuộc gọi từ quốc tế...
Trong khi đó đại diện của 3 nhà cung cấp dịch vụ: Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đều khẳng định, đã nhiều lần phát nội dung cảnh báo tới người dùng. Đại diện Ban Chăm sóc khách hàng Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, MobiFone cũng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã PIN, mã OTP; có thể liên hệ trực tiếp với số đường dây nóng 9090 để xác minh thông tin đối tượng đang liên lạc có thực sự là nhân viên của nhà mạng MobiFone hay không...
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân
Ý kiến bạn đọc