Gần 400 cuộc tấn công mạng vào các trang, cổng thông tin điện tử
Trên thế giới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, Internet, các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng, công nghệ cao ngày càng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, các đối tượng triệt để ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Theo thống kê của Công ty An ninh mạng Cybersecurity Vetures, trong năm 2021, thiệt hại do các loại tội phạm mạng gây ra trên thế giới ước tính trung bình khoảng 102,3 triệu USD/tháng.
Tại Việt Nam, hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, hệ thống thông tin của các ngành tài chính, ngân hàng, điện lực, dầu khí... để chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, bí mật kinh doanh, dữ liệu khách hàng... có nhiều diễn biến phức tạp.
Một số hoạt động tấn công thông qua các lỗ hổng bảo mật của hệ thống, lây nhiễm mã độc, chèn thông tin giả mạo... đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra hậu quả. Bên cạnh đó, các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, như tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép trên không gian mạng... diễn biến nguy hiểm với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi.
Theo thông tin từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã phát hiện, phân tích hơn 8 triệu cảnh báo, dấu hiệu liên quan hoạt động tấn công mạng.
Trong đó, phát hiện, xác minh, xử lý gần 400 cuộc tấn công mạng vào các trang, cổng thông tin điện tử trong nước; phát hiện gần 1.000 địa chỉ IP trong nước bị khai thác lỗ hổng bảo mật, nhiễm mã độc, nằm trong các mạng máy tính "ma" của các đối tượng tin tặc. Đồng thời phát hiện, xử lý 840 chuyên án, vụ việc liên quan tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao (tăng 42% so với 6 tháng cuối năm 2021).
"Đặc biệt, Bộ Công an đã kịp thời phát hiện, phối hợp bắt giữ 2 đối tượng có hoạt động tấn công mạng vào hệ thống thông tin của ngân hàng nhằm đánh cắp tiền, không để xảy ra thiệt hại về kinh tế cho ngân hàng và người dân", lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thông tin.
Bộ Công an cũng thường xuyên có các cảnh báo về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao để người dân và các cơ quan, tổ chức nhận biết, chủ động phòng ngừa, phối hợp với Bộ Công an đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.
Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục phối hợp các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phòng, chống hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin quốc gia; đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên nâng cấp bảo mật hệ thống thông tin, rà quét, khắc phục các lỗ hổng bảo mật, người dân nâng cao ý thức cảnh giác, bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân; khi có dấu hiệu bị tấn công, lấy cắp thông tin, dữ liệu cần kịp thời thông báo cho cơ quan Công an để có biện pháp ngăn chặn, điều tra xử lý.
6 kịch bản, phương thức phạm tội của tội phạm mạng
Qua đấu tranh, xử lý các vụ việc, Bộ Công an phát hiện các đối tượng tùy theo xu hướng, thị hiếu, nhu cầu của người dân để xây dựng các kịch bản, phương thức phạm tội chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức, triệt để lợi dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động phạm tội. Một số phương thức, thủ đoạn phổ biến được các đối tượng lừa đảo thường sử dụng, như:
Thứ nhất, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm tăng cao của sau dịch COVID-19, các đối tượng thường xuyên nhắn tin, gọi điện hoặc thông qua các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu "việc làm tại nhà, không mất công di chuyển, bỏ tiền tạm ứng khoảng vài trăm nghìn để nhận nguyên liệu", "tuyển giúp việc theo giờ, cam kết mức tiền 50.000 đồng/giờ, nhưng phải chuyển khoản phí môi giới trước" (khoảng 500.000 - 600.000 đồng), "tuyển người giao hàng của Shoppe, Lazada..., nhưng phải ứng trước tiền hàng" để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền đặt cọc, mô giới ban đầu do người dân có nhu cầu chuyển cho các đối tượng.
Thứ hai, sử dụng dịch vụ VoIP mạo danh cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Điện lực...) để gọi điện cho người dân với nội dung bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu người dân chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp để phục vụ công tác điều tra. Việc người dân thiếu cảnh giác, cùng với tâm lý lo sợ liên quan cơ quan thực thi pháp luật nên đã có nhiều trường hợp chuyển tiền và bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt.
Thứ ba, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các mạng xã hội, như: Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, sau đó nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội, xây dựng tình cảm và hứa hẹn gửi quà có giá trị... Sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc thông quan, nhằm chiếm đoạt tiền; gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber... thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.
Thứ tư, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử, như: Tạo lập các trang quảng cáo, rao bán các mặt hàng trực tuyến sau đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc của khách hàng hoặc chuyển mặt hàng không đúng giá trị thực tế như quảng cáo; giả mạo người nước ngoài mua hàng để yêu cầu người bán thực hiện "giao dịch quốc tế giả" nhằm đánh cắp thông tin, tài khoản của người bán.
Thứ năm, lừa đảo thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn chứng khoán, vàng, ngoại tệ, bất động sản) tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch để chiếm đoạt tiền đầu tư. Thực tiễn đấu tranh, xử lý nhiều vụ việc trong thời gian qua, Bộ Công an phát hiện phần lớn các sàn giao dịch này được các đối tượng giới thiệu là các sản phẩm của nước ngoài, được cấp phép tại nước ngoài nhưng thực chất đây là sàn do các đối tượng người Việt Nam hoặc cấu kết với các đối tượng người nước ngoài thiết lập và điều hành, sử dụng giấy phép thành lập của một số quốc đảo, như: Belize, St. Vincent and Grenadines, British Virgin Islands, Marshall để gắn mác quốc tế cho sàn.
Thứ sáu, thực hiện hành vi tấn công mạng để chiếm đoạt, giả mạo thông tin, tài khoản, hộp thư thư điện tử của các công ty, doanh nghiệp, sau đó thay đổi nội dung các thư điện tử, nội dung các giao dịch, hợp đồng thương mại để chiếm đoạt tài sản; hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng để rút tiền.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện nghiệp vụ, tổ chức nắm chắc tình hình, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng có hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã đấu tranh, khởi tố 255 vụ án, với 185 bị can; tăng cường công tác phòng ngừa xã hội, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng, đăng tải các phóng sự cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm, tuyên truyền kết quả đấu tranh, triệt phá các vụ án nhằm răn đe, trấn áp tội phạm. Đồng thời, tham mưu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung và tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Cơ quan An ninh mạng nhận thấy, hầu hết các ngân hàng của chúng ta đã xây dựng hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn khá tốt, ngăn chặn được các cuộc tấn công của tội phạm mạng, trong đó Vietcombank là một trong những ngân hàng có hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn tốt nhất.
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân
Ý kiến bạn đọc