Thủ tục | Giải quyết tố cáo không thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự của công dân đối với lực lượng Công an |
Trình tự thực hiện | Bước 1: Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo a) Thủ trưởng Công an các cấp và người được giao nhiệm vụ khi tiếp nhận thông tin tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình (được quy định tại Điều 5, Điều 10 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25/02/2019 của Chính phủ “Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân” và Khoản 1 Điều 32 Luật Tố cáo năm 2018) thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tố cáo, phải kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc. Nếu tố cáo không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo. b) Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. c) Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý. d) Trường hợp nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 Luật Tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định. Bước 2: Thụ lý tố cáo Khi có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 29 Luật Tố cáo, người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo phải thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết. Bước 3: Xác minh nội dung tố cáo Trong thời hạn giải quyết tố cáo (theo quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo), người giải quyết tố cáo tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác xác minh nội dung tố cáo (gọi chung là người xác minh nội dung tố cáo). Việc giao xác minh nội dung tố cáo phải thực hiện bằng văn bản. Người xác minh nội dung tố cáo được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản 1 và các điểm a, b, c Khoản 2 Điều 11 Luật Tố cáo theo phân công của người giải quyết tố cáo. Bước 4: Kết luận nội dung tố cáo Kết luận nội dung tố cáo được thực hiện theo Điều 35 Luật Tố cáo và Điều 17 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo”. Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo. Bước 5: Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 40 Luật Tố cáo và quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo”. |
Cách thức thực hiện | Cá nhân thực hiện quyền tố cáo bằng cách trực tiếp đến cơ quan Công an để trình bày hoặc gửi đơn tố cáo qua đường bưu chính đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân (được quy định tại Điều 5, Điều 10 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25/02/2019 của Chính phủ “Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân”) |
Thành phần, số lượng hồ sơ | 1. Thành phần hồ sơ: a) Đơn tố cáo hoặc văn bản ghi nội dung tố cáo; báo cáo hoặc biên bản kiểm tra, xác minh thông tin cá nhân của người tố cáo, biên bản làm việc trực tiếp với người tố cáo để xác minh nội dung tố cáo; b) Quyết định thụ lý tố cáo; văn bản giao xác minh nội dung tố cáo; c) Biên bản xác minh; kết quả giám định, thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình xác minh; d) Văn bản giải trình của người bị tố cáo; biên bản làm việc với người bị tố cáo về nội dung giải trình; đ) Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trong trường hợp người giải quyết tố cáo giao cho người khác tiến hành xác minh nội dung tố cáo; e) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo; quyết định tiếp tục giải quyết tố cáo; g) Kết luận nội dung tố cáo hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo; h) Quyết định xử lý của người giải quyết tố cáo, văn bản kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý; i) Các tài liệu khác có liên quan. * Đối với việc giải quyết lại vụ việc tố cáo, ngoài những tài liệu nêu trên, còn có các tài liệu sau đây: - Đơn tố cáo tiếp hoặc văn bản ghi nội dung tố cáo tiếp; văn bản yêu cầu hoặc kiến nghị về việc giải quyết lại vụ việc tố cáo; - Kết luận nội dung giải quyết lại vụ việc tố cáo; - Quyết định xử lý của người giải quyết lại vụ việc tố cáo; - Các tài liệu khác có liên quan trong quá trình giải quyết lại vụ việc tố cáo. 2. Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ. |
Thời hạn giải quyết | Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. |
Đối tượng thực hiện | Cá nhân, tổ chức |
Cơ quan thực hiện | a) Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo: Cán bộ, chiến sĩ Công an không giữ chức vụ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Trưởng Công an cấp huyện (được quy định tại Điều 5 và Điều 10 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25/02/2019 của Chính phủ “Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân”) b) Cơ quan trực tiếp thực hiện: Công an cấp huyện |
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính | Kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. |
Lệ phí | Không |
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai | Không |
Yêu cầu, điều kiện thực hiện | Theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Luật Tố cáo năm 2018: Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 Luật Tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý. |
Căn cứ pháp lý | + Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018; + Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25/02/2019 của Chính phủ “Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân”; + Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo”. |