Nhận diện, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa-mô hình kinh tế sáng tạo riêng có của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ tư - 18/09/2024 03:27 262 0
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ trương lớn của Đảng, là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay; là nhiệm vụ và trách nhiệm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, đây là vấn đề không chỉ liên quan đến uy tín chính danh của Đảng, mà còn liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, ngày 20 tháng 10 năm 2018 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” với nhiều nội dung quan trọng. Đảng ta xác định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch là chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: Tư tưởng lý luận, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; chống phá sự nghiệp đổi mới đất nước ta; tung tin sai trái, bôi nhọ vị thế, hình ảnh đất nước và  không có cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản; lợi dụng những thành tựu  của cuộc Cách mạng công nghiệp hóa lần thứ tư, các thế lực thù địch, phản động thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên…Do đó, việc nhận diện, phê phán các quan điếm sai trái, thù địch có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Việc nhận diện, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mô hình kinh tế sáng tạo riêng có của Đảng cộng sản Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên cần trao đổi làm rõ một số ý sau đây:
1. Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quản lý, điều hành đất nước cũng lựa chọn và có quyền lựa chọn một mô hình quản lý, phát triển kinh tế phù hợp với đất nước, dân tộc mình. Đối với nước ta (Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam) từ khi thành lập đến nay, chúng ta áp dụng và thực hiện hai mô hình phát triển kinh tế cơ bản: Mô hình kế hoạch hóa tập trung; Mô hình kinh tế thị trường. Mô hình kế hoạch hóa tập trung (có ưu thế trong điều kiện đất nước có chiến tranh, vì có thể huy động tối đa các nguồn lực kinh tế, có tính thống nhất cao về hệ tư tưởng, ý chí để tập trung chiến đấu, sản suất). Tuy nhiên, những hạn chế về quan liêu, triệt tiêu sáng tạo, cạnh tranh, làm cho mô hình này không có sức sống trong thời bình. Nhận thức rõ hạn chế của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, với tinh thần đổi mới tư duy và đổi mới toàn diện công cuộc xây dựng đất nước. Đảng ta đã lựa chọn mô hình phát triển kinh tế thị trường trong việc xây dựng và phát triển đất nước, một mô hình vốn là kết quả của nền văn minh nhân loại đã đạt đến và là con đường tất yếu mà các dân tộc,dù dài hay ngắn, buộc phải đi theo để phát triển. Vấn đề đặt ra là Việt Nam phải xây dựng và thực thi mô hình kinh tế thị trường kiểu gì để phù hợp với đặc điểm phát triển đất nước, mà về thực chất, đã có sự lựa chọn để phù hợp và tương thích với hoàn cảnh và đặc điểm của Việt Nam, Đảng ta đã lựa chọn xây dựng mô hình “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hơn thế nữa trong quá trình điều hành hoàn thiện mô hình “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Đảng ta đã đưa ra cách tiếp cận tổng thể về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII “ Về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Việc này bác bỏ về luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng, không có cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
2. Trước hết, phải thấy rằng kinh tế thị trường không phải là một chế độ kinh tế- xã hội. Nó là một hình thức, phương pháp vận hành nền kinh tế. Ở đó, các quy luật của thị trường chi phối việc phân bổ tài nguyên, quy luật sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai. Đây là một kiểu mô hình kinh tế hình thành và phát triển do những đòi hỏi khách quan về sự phát triển của lực lượng sản xuất. Theo Các Mác: “Kinh tế thị trường là một giai đoạn phát triển tất yếu của lịch sử, mà bất cứ nền kinh tế nào cũng phải trải qua để đạt tới nấc thang cao hơn trên con đường phát triển và trong chủ nghĩa tư bản thì kinh tế thị trường phát triển đến trình độ phổ biến. Nấc thang cao hơn chính là nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Để chuyển lên nấc thang này, nền kinh tế thị trường phải phát triển hết mức, phải trở thành phổ biến trong đời sống kinh tế - xã hội”. Đây là một kết luận có ý nghĩa quan trọng về lý luận.Nó khái quát quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, trong đó, kinh tế thị trường được xác định là một nấc thang tất yếu, mang tinh tính phổ biến. Rõ ràng, bác bỏ luận luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng, “kinh tế thị trường là gắn liền với chủ nghĩa tư bản”, “là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản” là không có cơ sở khoa học.
3. Trên thực tế, nền kinh tế thị trường đòi hỏi sự tồn tại của các chủ thế kinh tế độc lập, dưới nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Các chủ thể này hoàn toàn độc lập, tự chủ động giải quyết các vấn đề. Mọi nền kinh tế thị trường đều có các yếu tố cấu thành cơ bản là các thị trường đầu vào (như thị trường đất đai, thị trường sức lao động…) và thị trường hàng tiêu dùng. Không có cạnh tranh tự do, không thể nói đến kinh tế thị trường. Về bản chất, cơ chế cạnh tranh thị trường là cơ chế tự điều chỉnh. Do vậy, nó còn được gọi là “bàn tay vô hình”. Cơ chế này giúp nền kinh tếtạo lập sự cân bằng mỗi khi bị trục trặc. Cạnh tranh là cơ chế chủ yếu phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế,… thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”. Như vậy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam tuân thủ nghiêm ngặt các quy luật của nền kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế tự do cạnh tranh. Nếu nói rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không có tự do là Bác bỏ luận  điểm xuyên tạc trắng trợn của các thế lực thù địch cho rằng, trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không có tự do cạnh tranh.
4. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế hỗn hợp, bao gồm nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại trong một thể thống nhất, trong đó, chế độ công hữu ngày càng trở thành nền tảng vững chắc. Không thể có nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu trong nó, chế độ công hữu không đóng vai trò nền tảng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao”.  Như vậy, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, kinh tế tư nhân  không hề bị bóp nghẹt, càng không bị loại bỏ; trái lại, kinh tế tư nhân còn là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung. Bác bỏ luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng, định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường là bóp nghẹt, là loại bỏ kinh tế tư nhân.
Thực tiễn phát triển và lý luận kinh điển của Các Mác đều khẳng định tính tất yếu và phổ biến của kinh tế thị trường trong quá phát triển của mọi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên,kinh tế thị trường không phát triển theo một phương án duy nhất ( phát triển thành kinh tế tư bản chủ nghĩa),cũng không thể theo một mô hình đơn nhất (thị trường tự do).Việc khẳng định tính đặc thù trong các mô hình kinh tế thị trường hàm ý rằng việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đúng với xu hướng chung của loài người; đồng thời,là mô hình thiết thực, hiệu quả phù hợp với hoàn cảnh lịch sử-xã hội của dân tộc. Do đó, việc xuyên tạc, bóp méo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chỉ là những luận điệu không mang tính khoa học và tính thực tiễn./.

Tác giả: Ngô Văn Đảm, Phó Giám thị Trại tạm giam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây