Bền bỉ đánh thức mầm thiện

Thứ hai - 20/11/2023 02:05 227 0
Không bục giảng, không bảng đen, phấn trắng nhưng những cán bộ quản giáo của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ngãi được ví là những “người thầy đặc biệt”, miệt mài gạn đục khơi trong, với quyết tâm thắp sáng lên con đường về nẻo thiện cho những “người trò” từng lầm đường, lạc lối...

Hầu hết các phạm nhân khi mới vào Trại thường có tâm lý lo sợ, bi quan, chán nản. Để giúp họ ổn định tinh thần, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Trại tạm giam phải bố trí thời gian để gần gũi, động viên và tiến hành các biện pháp quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp họ yên tâm cải tạo. Không những phải tìm hiểu kỹ hồ sơ, lý lịch của từng người, mà còn phải quan sát họ từ những biểu hiện nhỏ nhất. Đó là cả một hành trình với những khó khăn, vất vả, bằng tình thương, lương tâm và trách nhiệm, các “thầy giáo đặc biệt” đã bền bỉ, miệt mài để đánh thức “mầm thiện” trong những con người lầm lỗi.

Nguyễn Thị Diệu M. (37 tuổi, ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) vì hám lợi, nghe theo lời rủ rê, đã bỏ bê công việc, lao vào lô đề cờ bạc để rồi nợ nần chồng chất… Khi vào trại, M luôn trong trạng thái lo sợ, hoảng loạn khi nghe tin các con nợ đã “siết” hết tài sản của gia đình mà vẫn chưa hết nợ. Và nhất là khi nghe tin chồng của mình lên trại yêu cầu xác nhận hồ sơ để làm thủ tục ly hôn thì M hoàn toàn suy sụp. Suốt ngày M chỉ biết khóc, không ăn, uống gì… Nắm được tình hình, Đại úy Nguyễn Thị Kim Nga, cán bộ quản giáo thuộc Phân trại quản lý phạm nhân đã dành thời gian thường xuyên gần gũi, an ủi, động viên. Nhờ đó, M đã dần hồi tỉnh, an tâm cải tạo, mong sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Bền bỉ đánh thức mầm thiện -0
Cán bộ quản giáo hướng dẫn phạm nhân lao động sản xuất.

Đại úy Nguyễn Thị Kim Nga tâm sự, tuy là phạm nhân song họ vẫn còn cái tốt và những điều hướng thiện. Lúc này họ rất cần đến bàn tay chia sẻ để họ nắm lấy. Vì vậy, cán bộ quản giáo phải nắm được hoàn cảnh, tâm sinh lý của từng đối tượng để có biện pháp tác động phù hợp, chỉ ra cho họ thấy hậu quả và tác hại của tội lỗi do mình gây ra; đồng thời tuyên truyền, giáo dục về chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước để họ nhận thức, ăn năn hối cải.

Không chỉ là người thực thi pháp luật, CBCS quản giáo còn phải đảm trách công việc của người thầy dạy về đạo đức, giá trị của cuộc sống, định hướng cho phạm nhân tìm lối hoàn lương. Gặp trường hợp phạm nhân có hoàn cảnh éo le, hoặc ốm đau, cán bộ quản giáo bỗng như những người thân, thường xuyên gần gũi, động viên, an ủi. Những hành động thật ấm áp, gần gũi, gây xúc động mà tôi từng được chứng kiến đó là khi Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ Đội quản giáo bón từng thìa cháo, từng ngụm nước cho phạm nhân Trần Văn M đang bị ốm, dù biết M đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, dễ lây lan. Hay như trường hợp Đại úy Trịnh Thị Ngọc Thương, cán bộ y tế của Trại ngồi cùng với phạm nhân ân cần hướng dẫn cách phòng, chống các căn bệnh nguy hiểm…

Thiếu tá Nguyễn Thị Trung, Phó Đội trưởng Đội quản giáo chia sẻ: Vất vả nhất là khi phạm nhân có biểu hiện tiêu cực, có dấu hiệu chống đối hoặc phát sinh những tư tưởng bất mãn. “Để thực hiện tốt nhiệm vụ, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về chế độ quản lý, giam giữ phạm nhân, chúng tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ tâm sinh lý, hoàn cảnh cụ thể của từng phạm nhân. Trực tiếp trao đổi, dùng tình người để giáo dục, cảm hóa, giúp can phạm nhân gần gũi hơn với cán bộ quản giáo, từ đó sẵn sàng phối hợp trong mọi tình huống. Bên cạnh việc giáo dục về tư tưởng và các quy định của pháp luật, chúng tôi còn hướng dẫn, tổ chức cho phạm nhân lao động, tăng gia sản xuất, tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí… Qua đó, giúp họ tìm lại giá trị đích thực của lao động, nhanh chóng ổn định tư tưởng, tự giác cải tạo, hướng thiện làm lại cuộc đời”, Thiếu tá Nguyễn Thị Trung kể thêm.

Không khỏi chạnh lòng khi nghe những “người thầy đặc biệt” trải lòng về sự hy sinh những riêng tư trong cuộc sống đời thường. Nhiều ngày lễ, ngày Tết mọi người được quây quần đoàn tụ bên gia đình thì những “người thầy đặc biệt” lại phải trực tại đơn vị. Thậm chí có khi gia đình có công việc cần sự có mặt, song các anh, các chị đành phải “cáo vắng” vì phải thực hiện nhiệm vụ đã được phân công... Nhiều cán bộ Trại kể, sự đền đáp cho công sức của những “người thầy đặc biệt” chính là những con người từng lầm đường, lạc lối được trở về với nẻo thiện.

Thượng tá Thới Văn Lực, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, làm công tác quản lý, cải tạo phạm nhân nếu chỉ có tinh thần vượt khó, chịu đựng gian khổ thì chưa đủ. “Nếu không có cái tâm, không có lòng nhiệt huyết và tình người thì có lẽ không làm nổi. Bởi quản lý, giáo dục phạm nhân là một nghề đặc thù, mang đầy tính nhân văn. Không chỉ thực thi pháp luật mà còn tìm cách khơi dậy mầm thiện và phải bằng tình thương, lòng nhân ái mới mong cảm hóa được những mảnh đời từng lầm lỗi. Và cuộc sống, sinh hoạt của các can, phạm nhân đã không lạnh lẽo sau song sắt, “Những người thầy đặc biệt” đã luôn cố gắng kiến tạo môi trường thật ấm áp tình người”, Thượng tá Thới Văn Lực bộc bạch thêm.

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây