Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Thứ hai - 24/06/2024 09:57 114 0
Sáng 24/6/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận.
Nhiều quy định nhân đạo, ưu việt hơn so với Luật hiện hành
"Dự thảo luật đã bổ sung những nguyên tắc và chính sách quan trọng của Nhà nước về phòng, chống mua bán người như: chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, quy định về miễn trách nhiệm hình sự và hành chính trong trường hợp nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật... Việc bổ sung những nguyên tắc này là rất cần thiết, khẳng định sâu sắc hơn chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người" - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đánh giá.
ĐBQH Quàng Thị Nguyệt phát biểu tại phiên thảo luận.
Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng), việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đã góp phần thực hiện tốt hơn trách nhiệm thành viên của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế, theo đó Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ, thực hiện các điều ước quốc tế về vấn đề này một cách tận tâm, thiện chí. Bà cho rằng, dự thảo Luật đã xây dựng hệ thống các điều, khoản quy định về quyền của nạn nhân, về tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân, người thân thích của họ..., cho thấy tính ưu việt so với Luật hiện hành trong bảo vệ quyền con người.
ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) đề cập khoản 4, Điều 5 dự thảo Luật về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người: "Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" và khẳng định đây là chính sách mới, phù hợp thực tế, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người tại những địa bàn này.  
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.
Dẫn báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2018 đến 2022), cả nước đã phát hiện 394 vụ, 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, nếu như trong giai đoạn trước đây từ 2012- 2020 mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài, chiếm trên 80% số vụ, thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước; riêng năm 2022 số vụ mua bán trong nước chiếm đến 45% tổng số vụ. 
"Mua bán người được Liên Hợp quốc xác định là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Ngày nay công nghệ phát triển, các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng Zalo, Facebook để kết nối, dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán nạn nhân ngay trong nội địa. Chính vì vậy, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết", nữ đại biểu bổ sung. 
ĐBQH Trần Khánh Thu khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết.
Tình hình mua bán thai nhi diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi
Góp ý vấn đề cụ thể, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người là hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý. "Theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi", đại biểu nói. 
ĐBQH Huỳnh Thị Phúc đề nghị dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh là mua bán thai nhi trong bụng mẹ.
Xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng là hành vi phải quy định là hành vi mua bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi như giai đoạn hiện nay.
Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Khánh Thu cho rằng, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý. "Pháp luật hình sự Việt Nam chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi không phải là trẻ em được sinh ra. Tuy nhiên, trên thực tiễn tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương, là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh. Do đó, cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi", đại biểu góp ý.
ĐBQH Thạch Phước Bình thảo luận tại phiên họp.
Trao đổi thêm về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của đề xuất này, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, theo các công ước quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ; việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) băn khoăn với khái niệm mua bán người vì xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi như các đại biểu đã nêu. "Theo quy định pháp luật, khi thai nhi được sinh thành công thì hành vi mua bán được xem xét, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội "Mua bán người dưới 16 tuổi". Tuy nhiên, nếu trường hợp đứa trẻ không được sinh ra do rủi ro khi mang thai, hoặc hành vi bị phát hiện khi đứa trẻ chưa được sinh ra nhưng đã có hành vi thoả thuận, trao đổi, đặt hàng thai nhi trước đó thì sẽ được xử lý như thế nào?", đại biểu phân tích và đề nghị tiếp tục hoàn thiện khái niệm mua bán người trong dự thảo Luật để bao quát hết các hành vi trên thực tế, từ đó có biện pháp xử lý thích đáng. 
Bộ trưởng Lương Tam Quang tham dự phiên thảo luận.
Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại phiên thảo luận.
Tạo cơ sở pháp lý thuận lợi trong đấu tranh phòng, chống mua bán người
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được ban hành sẽ là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người; hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, đặc biệt kiềm chế gia tăng tội phạm mua bán người, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Lương Tam Quang trân trọng cảm ơn các ĐBQH đã quan tâm, đóng góp ý kiến sâu sắc khi thảo luận tại tổ ngày 08/6/2024 và thảo luận tại hội trường ngày hôm nay. "Các ý kiến của ĐBQH đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thiện dự thảo Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo với Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để chỉnh lý, hoàn thiện các quy định trong dự án Luật về các khái niệm: mua bán người, nạn nhân; về các chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; về phòng ngừa mua bán người, về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân...", Bộ trưởng Lương Tam Quang khẳng định.
Thời gian tới, Bộ Công an rất mong các ĐBQH, các cơ quan, tổ chức và nhân dân tiếp tục quan tâm, cho ý kiến đối với dự án Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo đúng Chương trình.

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây