Trang thông tin điện tử Công an Phú Yên

http://congan.phuyen.gov.vn


Thủ đoạn xuyên tạc công tác bầu cử trong Đảng

Trong thời gian qua, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, các phần tử, đối tượng cơ hội chính trị tăng cường hoạt động tuyên truyền chống phá, so sánh khập khễnh, xuyên tạc công tác bầu cử trong Đảng ở Việt Nam.

Nhận diện luận điệu xuyên tạc

Đại hội Đảng các cấp, Đại hội lần thứ XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, sâu sắc; qua đó tổ chức đảng từ cơ sở đến Trung ương đánh giá kết quả lãnh đạo trong nhiệm kỳ, đề ra chủ trương, đường lối, nghị quyết lãnh đạo mọi mặt cho nhiệm kỳ, thời gian tiếp theo...

Lợi dụng thời điểm này, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động tung ra các luận điệu xuyên tạc, sai trái hòng thực hiện mục tiêu “diễn biến hoà bình” đối với cách mạng Việt Nam.

Các đối tượng tập trung chống phá, hạ thấp vai trò, ý nghĩa của đại hội đảng các cấp, Đại hội XIII của Đảng; tấn công, xuyên tạc công tác cán bộ, công tác bầu cử trong Đảng. Một số trung tâm truyền thông lớn “hà hơi, tiếp sức” tổ chức các chương trình “Hội luận”, “Hội nghị bàn tròn”… tập hợp các phần tử phản động, “trí thức bất mãn”, các nhà “dân chủ cuội” bàn luận, tuyên truyền xuyên tạc công tác bầu cử trong Đảng ở Việt Nam. Các tổ chức phản động cũng thừa cơ tung lên, dẫn lại bài viết, tuyên truyền, tung tin giả, thất thiệt.

Đài BBC tổ chức cái gọi là “Hội nghị bàn tròn” tập hợp nhiều đối tượng vốn có tư tưởng bất mãn, thậm chí có đối tượng thể hiện quan điểm, hành động thù địch với thể chế chính trị ở Việt Nam để xuyên tạc công tác bầu cử trong Đảng.

Họ dẫn kết quả bầu cử một vài Bí thư Tỉnh uỷ có số phiếu bầu với mức tín nhiệm 100%, cho rằng: “Tổ chức bầu cử hình thức để làm gì cho tốn thời gian và tiền bạc”, rồi “Nhìn vào dàn nhân sự mà Bộ Chính trị đã duyệt vào các chức vụ Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh và các bộ, ban, ngành ở Trung ương, thì không trông chờ gì ở Đại hội XIII”.

Hay “Đảng Cộng sản Việt Nam sợ hãi tranh cử trong Đảng. Quản trị quốc gia mà không có tranh cử công khai thì không chọn được người tài. Không có tranh cử công khai là kìm hãm sự phát triển của đất nước”. Liên hệ cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vừa qua, các đối tượng này cũng xuyên tạc “Bầu cử tổng thống Mỹ giúp bổ túc kiến thức chính trị dân chủ cho Việt Nam” để xuyên tạc công tác bầu cử ở Việt Nam và bầu cử trong Đảng là không dân chủ, công tác nhân sự được áp đặt từ trên xuống dưới.

Trên trang mạng của nhiều tổ chức phản động lưu vong ra sức suy diễn, xuyên tạc công tác nhân sự, bầu cử trong Đảng theo kiểu là thủ tục để “hợp lý hoá” hình thức tranh giành quyền lực, phân chia quyền lực trong hệ thống chính trị, trong Đảng.

Tổ chức khủng bố Việt Tân xuyên tạc: “Đúng là một màn trình diễn tuyệt vời của vở kịch “mị dân” do Đảng Cộng sản Việt Nam dựng lên mà thôi. Bầu cử kiểu Việt Nam là kiểu bầu cử dân chủ cuội, bịp bợm, dối trá, gian lận. Ai ai cũng biết...”? Có thể thấy, đằng sau “dòng chảy” tuyên truyền này, thực chất là những luận điệu suy diễn, xuyên tạc với mục đích hạ thấp, tầm thường, phủ định công tác cán bộ, công tác lựa chọn cán bộ thông qua ứng cử, đề cử, bầu cử trong Đảng.

Công tác bầu cử, lựa chọn cán bộ trong Đảng là dân chủ, khách quan

Trái ngược với luận điệu suy diễn, xuyên tạc trên, Hội nghị cán bộ toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đánh giá: Trong bối cảnh tình hình chung trên thế giới, khu vực và của nước ta trong năm 2020 và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và bão, lũ ở miền Trung, nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp theo đúng tiến độ, kế hoạch, mục đích, yêu cầu đề ra; bảo đảm tuyệt đối an toàn, tiết kiệm và để lại nhiều dấu ấn, tình cảm sâu sắc, tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng quy định quy chế bầu cử trong Đảng, chỉ rõ: “Bầu cử trong Đảng thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; bình đẳng, trực tiếp, đa số quá bán. Kết quả bầu cử từ chi bộ đến đảng bộ trực thuộc Trung ương phải được chuẩn y của cấp uỷ có thẩm quyền theo quy định” (Điều 2). Hay Luật số 85/2015/QH13, ngày 25/6/2015 của Quốc hội quy định nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp quy định: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” (Điều 1).

Mặt khác, các đảng viên của Đảng đều có quyền ứng cử, đề cử vào các cơ quan lãnh đạo theo quy định của Đảng, hay công dân có quyền ứng cử, bầu cử vào cơ quan nhà nước theo luật định. Với quy định chặt chẽ dựa trên nguyên tắc cụ thể, rõ ràng như vậy thì bầu cử ở Việt Nam và bầu cử trong Đảng, đảm bảo thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của đa số để lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Bên cạnh đó, trong đại hội đảng các cấp, đại biểu dân chủ trong thảo luận, giới thiệu nhân sự tại đại hội được quy định rõ tại Điều 12, khoản 3, Điều lệ Đảng: “Đại biểu có quyền nhận xét, chất vấn về người ứng cử và người được đề cử”. Rồi bầu cử có số dư cũng là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện dân chủ trong bầu cử. Cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên để đại biểu nghiên cứu trước là việc làm thiết thực, để thực hiện bầu cử có hiệu quả chất lượng nhất… Với những quy định như vậy thì không thể suy diễn, xuyên tạc công tác bầu cử trong Đảng là không dân chủ, “xóa bỏ quyền của các đại biểu dự đại hội” như họ rêu rao, suy diễn, xuyên tạc.

Cũng cần nói thêm, không thể lấy bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ để liên hệ, làm tiêu chuẩn, từ đó suy diễn, hạ thấp quy trình bầu cử, lựa chọn cán bộ ở Việt Nam. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Mỗi nước có đặc điểm, hoàn cảnh lịch sử cụ thể khác nhau, có quy trình, quy định riêng. Không có mô hình chung là chìa khoá vạn năng để áp dụng cho mọi quốc gia, dân tộc trong điều kiện thể chế chính trị, mô hình nhà nước khác nhau.

Bên cạnh đó, ngay bản thân nhiều chính trị gia, học giả Hoa Kỳ cũng cho rằng mô hình bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ cũng còn tồn tại nhiều tranh cãi, chưa hẳn là hoàn hảo như người ta tưởng. Những tranh chấp pháp lý, cáo buộc gian lận kết quả bầu cử vừa qua, đến nay vẫn chưa có hồi kết là một minh chứng sinh động cho nhận định trên.

Thủ đoạn diễn biến, chống phá

Chống phá công tác cán bộ của Đảng nói chung và hoạt động bầu cử trong Đảng nói riêng, mưu đồ của các đối tượng là gây chia rẽ nội bộ, làm cho Đảng ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong. Họ ra sức tuyên truyền, bịa đặt về các phe phái trong Đảng, nhất là lợi dụng việc giới thiệu nhận sự, công tác bầu cử để xuyên tạc là “sắp xếp”, “thanh trừng”, “mất dân chủ”, “bè cánh”, là “chuẩn bị ghế nhân sự” cho Đại hội Đảng...

Không những thế, họ cũng thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên, qua đó gây hoang mang, dao động, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự...; hạ bệ niềm tin, uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, của cán bộ, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, chia rẽ Đảng với nhân dân, nhất là trước thềm Đại hội XIII của Đảng.

Công cụ được họ triệt để lợi dụng là truyền thông hải ngoại, mạng xã hội để lan truyền trên không gian mạng. Họ “giật tít - câu khách” kính thích, đánh vào sự tò mò của nhiều người, từ đó đưa ra phân tích nhận định, thông tin lệch lạc, hòng tạo nhận thức sai trái công tác cán bộ, nhân sự là có sự “an bài”, “sắp xếp”, “thỏa hiệp”; cuối cùng là rêu rao, xuyên tạc bầu cử trong Đảng, chế độ là mất dân chủ, độc đảng, độc đoán, chuyên quyền, toàn trị. Ngoài ra, họ còn xuyên tạc, nói xấu, vu cáo, rêu rao, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Họ thường phát tán các thông tin, hình ảnh, clip giả tạo, sai lệch, biến không thành có, thật giả lẫn lộn, gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận xã hội.

Thực tế cho thấy, công tác lựa chọn nhân sự, cán bộ, bầu cử của Đảng được thực hiện trên một quy trình chặt chẽ, công phu, tỉ mỉ, trách nhiệm, được thực hiện trên nguyên tắc vốn là sức mạnh, tiến bộ của chế độ, phát huy được nguyện vọng, ý chí tập thể là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Kết quả công tác nhân sự, bầu cử tại đại hội các cấp, tiến tới Đại hội XIII vừa qua của Đảng diễn ra tốt đẹp, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác nhân sự đại hội có nhiều đổi mới, đã phát huy dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp ủy các cấp và chuẩn bị cho nhân sự Trung ương”. Thực tế đó là minh chứng sinh động phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái nói trên.

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây