Khi tội phạm khủng bố được suy tôn thành “nhà hoạt động cải cách”

Chủ nhật - 08/03/2020 23:16 2.524 0
“Tôi hy vọng đất nước Việt Nam thay đổi và có khát vọng thúc đẩy đất nước phát triển…” – sự nguỵ biện của bị cáo Châu Văn Khảm trong lời nói sau cùng trước toà, được những “nhà dân chủ” bấu víu để phê phán, chỉ trích vụ án và cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tiếp nối con bài dùng vụ án Châu Văn Khảm làm cái cớ để kích động chống phá, những ngày đầu tháng 3-2020, một số tổ chức, cá nhân lại đẩy vấn đề và viết bài tung hứng trên mạng internet. Khi vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm (ngày 2-3), trang mạng Việt Tân rêu rao: “Mong cộng đồng cùng đồng hành hỗ trợ, lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền CSVN trả tự do ngay lập tức cho ông Châu Văn Khảm”.

Với kiểu “vẽ lại tranh”, từ chỗ bị cáo bị xét xử về hành vi khủng bố, họ lại lật ngược thành “ông Châu Văn Khảm quyết định thực hiện một chuyến đi về Việt Nam, nhằm đánh giá thực trạng nhân quyền tại quê nhà”.

Từ chỗ đánh tráo bản chất, tổ chức Việt Tân cổ súy: Đông đảo đồng hương người Việt và cả bạn bè người Úc đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu Chính phủ Úc can thiệp cũng như phản đối “bản án bất nhân“! Họ mặc sức tô vẽ, biến một đối tượng bị xét xét xử về hành vi khủng bố, xâm phạm tính mạng, sức khỏe công dân thành người đi “đòi công lý”, múa bút cho bị cáo thành người hùng, hoạt động vì tự do, dân chủ, nhân quyền. Với lối tư duy đó, họ chĩa mũi nhọn vào cơ quan bảo vệ pháp luật, miệt thị tòa án, cho rằng tòa “chỉ là con rối và công lý là trò hề trong tay Đảng Cộng sản”.

Nhìn lại suốt thời gian từ khi Châu Văn Khảm và các đối tượng trong vụ án bị cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, các tổ chức, cá nhân thù địch đã đeo bám, thường xuyên có các bài viết làm sai lệch bản chất vụ án.

Họ cố tình biến một tội phạm khủng bố, chống chính quyền nhân dân thành “nhà hoạt động cải cách”, đặt dưới các danh xưng nhân quyền, canh tân, dân chủ... Cũng với chiêu tung hứng, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW), phân ban Úc Châu, bà Elaine Pearson, cho rằng ba ông Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền là những “nạn nhân mới nhất trong vòng xoáy trấn áp ngày càng tăng của Việt Nam đối với những tiếng nói đối lập và quyền tự do ngôn luận. Cả ba nằm trong số hàng trăm tù chính trị đang bị giam giữ ở Việt Nam”!

Trong vụ án này, chúng ta cần thấy:

Thứ nhất, về hành vi phạm tội: Nội dung vụ án đã thể hiện trong cáo trạng và được làm rõ trong quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Châu Văn Khảm là thành viên tổ chức khủng bố Việt Tân, có bí danh Hoàng Liêm (SN 1949, quê gốc ở Thừa Thiên – Huế), lưu trú tại KingsLand Rd, Berala, NSW 02141, Úc. Châu Văn Khảm từng nhập ngũ và tham gia lính Việt Nam Cộng hòa, được đào tạo và được đưa về làm việc tại Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Sau năm 1975, Châu Văn Khảm vượt biên sang trại tỵ nạn tại Malaysia. Năm 1983, định cư tại Úc; đến năm 2010, đối tượng tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân với bí danh Hoàng Liêm. Đầu tháng 1-2019, theo chỉ đạo của tổ chức Việt Tân, Châu Văn Khảm nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhằm thực hiện mục đích: kiểm tra, đánh giá và tổ chức huấn luyện cho các đối tượng trong nội địa, tiến hành các hoạt động chống phá.

Ngày 10-1-2019, Châu Văn Khảm nhập cảnh về Campuchia rồi gửi lại toàn bộ giấy tờ tùy thân, điện thoại, thẻ tín dụng cho đối tượng trong tổ chức khủng bố Việt Tân tại Campuchia. Sau đó, Châu Văn Khảm được nhận một chứng minh nhân dân Việt Nam mang tên Chung Chính Phi để sử dụng xâm nhập qua cửa khẩu Hà Tiên, Kiên Giang về Việt Nam.

Hồi 23h ngày 12-1-2019, Châu Văn Khảm có mặt tại khách sạn Vàng Anh, ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, để huấn luyện cho đối tượng Nguyễn Văn Viễn (48 tuổi), một trong những thành viên của tổ chức khủng bố “Dân chủ Việt”, trước đó là thành viên “Hội anh em dân chủ” kiến thức về Việt Tân; đồng thời cấp cho đối tượng này 300 USD và kết nạp Viễn vào Việt Tân.

Như vậy, Châu Văn Khảm đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, vi phạm Điều 5 - Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể tại điểm 4: “Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam” và điểm 5: “Lợi dụng việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam để chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Châu Văn Khảm còn vi phạm điểm 1, Điều 109 - Bộ luật Hình sự 2015, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

 
Bị cáo Châu Văn Khảm. Ảnh: TTXVN.

Thứ hai, về tính nguy hiểm của hành vi phạm tội và phán quyết của toà: Bộ Công an Việt Nam năm 2016 đã xác định đảng Việt Tân (trụ sở tại Mỹ, văn phòng 2 tại Thái Lan, thành lập từ năm 1982) là tổ chức khủng bố. Tổ chức này đã nhiều lần đưa người và vũ khí xâm nhập Việt Nam với mục đích phá hoại, gây bạo động, kích động hận thù dân tộc và gây bất ổn xã hội.

Thời gian gần đây, Việt Tân tiếp tục các hoạt động nhằm lật đổ Nhà nước Việt Nam, đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động chống phá, kích động người dân gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam. Do đó, bất cứ người nào đủ năng lực hình sự, có các hành vi tham gia, giúp sức, hỗ trợ cho hoạt động của Việt Tân thì tuỳ tính chất, mức độ mà cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý.

Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân trực tiếp đe dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, an ninh đối nội, an ninh đối ngoại, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể; đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác nhằm chống chính quyền. Vì vậy, luật pháp quốc gia nào cũng đều coi đây là trọng tội và có các chế tài hình phạt nghiêm minh nhằm bảo vệ khách thể là sự ổn định, vững mạnh của chính quyền, an ninh đất nước.

Châu Văn Khảm hay bất cứ cá nhân nào có hành vi tham gia tổ chức khủng bố, hoạt động chống nhằm chống chính quyền nhân dân, gây bất ổn xã hội thì đều phải bị xử lý bởi chế tài hình sự tương ứng. 

Nước Mỹ, người Mỹ cũng là mục tiêu của tội phạm khủng bố và lâu nay, Mỹ đang trấn áp, xử lý mạnh tội trạng này. Thử đặt ngược vấn đề: Nếu Châu Văn Khảm có hành vi tham gia tổ chức khủng bố, xâm nhập, móc nối cơ sở, cài cắm,  phá hoại nhằm chống phá chính quyền, nhân dân Mỹ… thì ông ta còn có thể nói  gì trước toà án Mỹ và các nhà “dân chủ, nhân quyền” có còn lên mạng rao giảng, thỉnh cầu được không?

Thứ ba, việc điều tra, truy tố, xét xử: Quá trình này thực hiện theo quy trình tố tụng, dựa trên chứng cứ, tài liệu rõ ràng, hoàn toàn không có chuyện úp mở, đánh tráo hay che giấu như luận điệu các bài viết quy chụp. Sau phiên tòa sơ thẩm trước đây, trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho biết: Việc xét xử Châu Văn Khảm và đồng phạm thuộc thành viên tổ chức khủng bố Việt Tân đã diễn ra công khai, minh bạch, theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật Việt Nam, bảo đảm đầy đủ các quyền của các bị cáo. Đại diện Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP Hồ Chí Minh đã được giải thích rõ khi theo dõi phiên toà.

Thứ tư, về những “quan điểm khác”: Bản chất vụ án, nhân thân bị cáo đã được nêu rất cụ thể, vậy thì cái khác chỉ có thể về khía cạnh, mức độ nào đó chứ không thể lấy “quan điểm khác” để làm thay đổi bản chất, thay đổi nội dung, biến trắng thành đen.

Trong lời sau cùng, Châu Văn Khảm nói: “Tôi là người Việt Nam định cư ở Úc, có quốc tịch Úc nhưng không quên mình là người Việt Nam. Tôi yêu quê hương Việt Nam và đồng bào tôi, tôi muốn đất nước phát triển, người dân sống có tự do, dân chủ. Tôi hy vọng đất nước Việt Nam thay đổi và có khát vọng thúc đẩy đất nước Việt Nam phát triển…”.

Sự nguỵ biện đó không thể che đậy bản chất khủng bố, chống chính quyền nhân dân của Châu Văn Khảm.

Nguyễn Thành

Tác giả: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây