Ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại bầu cử

Thứ hai - 24/05/2021 23:23 369 0
Trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng thực hiện nhiều chiêu trò chống phá cuộc bầu cử. Trước thực tế nêu trên, Bộ Công an và Công an các địa phương trong cả nước đã chủ động đấu tranh, ngăn chặn, vạch trần, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo đảm ngày bầu cử diễn ra an toàn tuyệt đối.

Từ đầu năm đến nay, Tiểu ban An ninh, trật tự (ANTT) bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 do đồng chí Trung tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an làm Trưởng Tiểu ban đã tổ chức các phiên họp để rà soát, kiểm điểm, đánh giá toàn diện công tác của Tiểu ban nhằm bảo đảm ANTT cho ngày bầu cử; đã xây dựng triển khai nhiều kế hoạch, phương án, điện chỉ đạo. 

Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã thường xuyên rà soát, đánh giá, tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc và thảo luận thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, để bảo đảm môi trường thật sự an toàn để cử tri cả nước được tham gia bầu cử dân chủ theo đúng quy định của pháp luật, Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt, khẩn trương triển khai các mặt công tác Công an bảo đảm ANTT trên phạm vi cả nước, tạo tiền đề vững chắc để cuộc bầu cử đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Trong đó, trọng tâm là bám sát các chỉ thị, kế hoạch và điện chỉ đạo của Tiểu ban; chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, phương án bảo đảm ANTT, bám sát 16 mốc thời gian cuộc bầu cử để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ và sai sót dù nhỏ nhất. Cùng với đó, Công an các đơn vị, địa phương tập trung nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở mọi âm mưu, ý đồ xấu, nhằm phá hoại cuộc bầu cử, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử. Thực hiện hiệu quả đợt cao điểm về phòng, chống tội phạm, chủ động tiến công trấn áp các loại tội phạm, chú trọng ở các địa bàn trọng điểm.

 Lực lượng An ninh chính trị nội bộ nói chung, Cục An ninh chính trị nội bộ nói riêng đã quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ theo chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, trực tiếp là Tiểu ban An ninh trật tự cuộc bầu cử. Tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nắm chắc tiêu chuẩn ứng cử viên, kịp thời phát hiện những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết; bảo vệ tuyệt đối an toàn các hội nghị hiệp thương, các cuộc tiếp xúc cử tri. 

Chú trọng công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin và truyền thông, an ninh văn hóa - tư tưởng, phát huy vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công an đã điều phối, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 35 Công an các đơn vị, địa phương tổ chức đồng bộ các mặt công tác công an đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phát hiện, xử lý thông tin xấu, độc, tin giả mạo, sai sự thật phá hoại công tác tổ chức cuộc bầu cử. Kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa âm mưu lợi dụng cuộc bầu cử của các thế lực thù địch để hoạt động chống phá và chủ động đấu tranh, ngăn chặn, giữ vững an ninh chính trị. Phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phá hoại cuộc bầu cử.

Thực hiện công tác quản lý Nhà nước, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện nghiêm quy định pháp luật Việt Nam. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ mạng đã gỡ bỏ hàng trăm bài viết, tài khoản mạng xã hội; ngăn chặn truy cập từ trong nước tới hàng chục trang mạng mới thành lập đăng tải các thông tin chống Đảng, Nhà nước, tung tin bịa đặt, sai sự thật, kích động các hoạt động chống phá bầu cử. Cục An ninh mạng phối hợp với các đơn vị đã tổ chức giám sát chặt chẽ thông tin trên không gian mạng, nhất là rà soát, phát hiện các trang web, blog phản động và các tài khoản, fanpage facebook, trang youtube có nội dung tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, kịp thời phát hiện các bài viết có nội dung xấu, độc hại, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại bầu cử. Qua các thông tin thu thập được, tiến hành tập hợp, phân tích, đánh giá hoạt động chống phá để đề xuất lãnh đạo cấp trên phương án phòng ngừa, đấu tranh, xử lý kịp thời.

Công an các địa phương xác minh, đấu tranh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật hàng chục đối tượng hoạt động chống phá bầu cử. Điển hình là đối tượng  B.T.H. ở Bình Thuận, đã xử phạt vi phạm hành chính 12 triệu đồng về hành vi sử dụng tài khoản facebook “Vũ Tôn” tung tin bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ cuối tháng 2/2021, các tổ chức phản động, khủng bố (Việt Tân, Voice, Luật Khoa tạp chí…) ráo riết móc nối với số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị trong nước để hướng dẫn, hỗ trợ số chống đối trong nước nhằm gây nhiễu loạn, phá hoại cuộc bầu cử ở Việt Nam. 

Điển hình như đối tượng Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova, sinh năm 1970, thường trú tại Hà Đông, Hà Nội), Lê Trọng Hùng (SN 1979, quê Yên Bái, trú tại Hà Nội) là thành viên cái gọi là “Phong trào chấn hưng nước Việt”. Lê Trọng Hùng phát động phong trào “Một triệu công dân tự ứng cử để thay thế Quốc hội bù nhìn”, kêu gọi người dân cả nước tham gia ứng cử ĐBQH, thực hiện các hoạt động chống phá bầu cử. Đối tượng còn kêu gọi tài trợ để hỗ trợ tranh cử, phát tiền cho quần chúng nhân dân, tổ chức họp báo…

Một số đối tượng còn xuyên tạc rằng kết quả bầu cử đã có từ trước, tổ chức bầu cử chỉ tốn tiền thuế của dân. Cùng với đó, các thế lực thù địch xuyên tạc việc lực lượng chức năng bắt, xử lý các đối tượng hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam như Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh… Các trang thông tin phản động cổ suý số đối tượng trong và ngoài nước tuyên truyền, xuyên tạc rằng, “sau đợt trấn áp dân chủ nhân quyền, phục vụ Đại hội Đảng, Việt Nam tiếp tục các hoạt động vi phạm dân chủ, nhân quyền, thực hiện các cuộc đàn áp, bắt bớ, ngược đãi, tra tấn đối với tiếng nói dân chủ”. Đồng thời, xuyên tạc các đối tượng này bị bắt vì tự ứng cử tham gia đại biểu Quốc hội. 

Tổ chức Ân xá quốc tế (có trụ sở tại Anh) ra thông cáo xuyên tạc Việt Nam đang “tiến hành đợt trấn áp mới trước ngày bầu cử Quốc hội 23/5/2021 với việc bắt giữ các “ứng cử viên độc lập”. Emerlynne Gil, Phó Giám đốc phụ trách khu vực của tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi Việt Nam dừng “chiến dịch đàn áp” và “tôn trọng quyền con người”. Tổ chức Người bảo vệ nhân quyền ra “thông cáo báo chí” về việc đối tượng Lê Trọng Hùng bị bắt giữ, vu cáo Việt Nam tăng cường đàn áp các cá nhân bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền trước thềm bầu cử. Các thông tin thất thiệt, sai sự thật nhanh chóng lan toả trên không gian mạng, thu hút hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận tiêu cực.

Thủ đoạn đáng chú ý là tán phát thông tin chống phá qua hộp thư điện tử. Một đối tượng ở hải ngoại sử dụng email “baucu@quochoivn.org” tán phát vào trong nước tài liệu với tiêu đề “Hiến pháp mới dân chủ” có nội dung kêu gọi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng. Nội dung tài liệu còn kêu gọi người đọc tham khảo thêm tại website mạo danh trang web của Quốc hội (trang web có tên miền ẩn danh, máy chủ đặt tại nước ngoài) tự xưng là “Trung tâm thành lập Quốc hội Việt Nam dân chủ 2021”. Nhóm điều hành trung tâm này đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm lôi kéo người chống phá bầu cử…

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây