Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản trên đầm Cù Mông
Công an xã Xuân Thịnh
2025-05-07T16:27:51+07:00
2025-05-07T16:27:51+07:00
http://congan.phuyen.gov.vn/thong-tin-tuyen-truyen/can-y-thuc-bao-ve-moi-truong-trong-nuoi-trong-thuy-san-tren-dam-cu-mong-5192.html
http://congan.phuyen.gov.vn/uploads/news/2025_05/dam-cu-mong-2-1532.webp
Trang thông tin điện tử Công an Phú Yên
http://congan.phuyen.gov.vn/uploads/logocapy.png
Ảnh minh họa
Đầm Cù Mông là nơi phát triển mạnh mẽ nghề nuôi trồng thủy sản, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm, nơi đây được ví như “thủ phủ tôm hùm” của cả nước tạo nên thương hiệu và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Với diện tích gần 1021ha, Đầm Cù Mông có số lượng lồng bè lớn nhất ở thị xã Sông Cầu, với hơn 17.984 lồng bè, mang lại kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, không ít người nuôi tôm hùm ở Đầm Cù Mông từng thua lỗ nặng, nợ nần chồng chất do tôm hùm bị dịch bệnh, chết hàng loạt. Một trong nguyên nhân chính là do người nuôi chưa ý thức trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi, vô tư xả rác thải sinh hoạt, rác thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản, khiến môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm nặng.
Dọc bờ biển Đầm Cù Mông thuộc các xã Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Bình dễ dàng bắt gặp hình ảnh rác thải nhựa, túi nilon trôi nổi trên mặt biển, theo sóng, gió tấp vào ven bờ thành từng lớp. Không chỉ vậy, một số người còn xả thẳng ra môi trường biển vỏ chai, thùng nhựa đã qua sử dụng… Một số trường hợp khi gặp sự cố, xả toàn bộ cá, tôm chết ra biển, làm ô nhiễm vùng nuôi. Ngoài số rác tải nhựa từ nuôi trồng thuỷ sản trên các lồng bè còn có một số nguồn rác thải từ trong bờ cũng bị tấp xuống biển. Từ đó, tạo thành một lớp bùn hôi thối làm cho các sinh vật ở tầng dưới đáy biển mất oxy và chết, khi gặp thời tiết cực đoan, mưa dông sẽ tạo luồng nước độc gây bệnh cho tôm.
Vì vậy, ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải trong quá trình sản xuất của người nuôi trồng thuỷ sản, kể cả rác thải sinh hoạt của người dân sống xung quanh vùng nuôi thuỷ sản, đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản.
Để bảo vệ môi trường vùng nuôi, người nuôi cần chuyển sang sử dụng xô, can nhựa để đựng thức ăn cho tôm, cá hạn chế sử dụng bì nhựa. Người dân cần ý thức, nâng cao trách nhiệm trong lao động sản xuất từ những việc làm cụ thể hàng ngày như dọn dẹp, thu gọn các loại rác thải, thức ăn dư thừa vào các thùng xốp và túi lưới để xử lý, tránh trường hợp xả thẳng xuống biển, đảm bảo môi trường trong khu vực nuôi luôn được giữ sạch. Người nuôi nào phát hiện trường hợp vứt rác xuống biển thì quay video, thu thập bằng chứng gửi cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Đồng thời, cần nuôi đúng quy hoạch, tuân thủ các quy định về quy hoạch vùng nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.
Tác giả: Công an xã Xuân Thịnh