Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những luận điểm cơ bản về xây dựng Đảng nói chung và xây dựng chi bộ nói riêng là một nội dung rất quan trọng, trong đó nổi bật là tư tưởng về xây dựng chi bộ tốt. Người chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”, cho nên, phải quyết tâm xây dựng chi bộ, phải làm cho chi bộ trở thành “Bốn tốt”. Lâu nay, chúng ta thường biết tới chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh nhưng chưa nghe về “Chi bộ bốn tốt” hay “Đảng bộ bốn tốt”. Đây là một trong những nội dung mới, yêu cầu mới trong việc tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng theo Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tố chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Song về cơ bản, “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt” là chi bộ, đảng bộ đạt được 4 yêu cầu sau: (1) Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; (2) Chất lượng sinh hoạt tốt; (3) Đoàn kết, kỷ luật tốt; (4) Cán bộ, đảng viên tốt.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện mô hình “Chi bộ bốn tốt”, Chi bộ Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ và Ngoại tuyến đã chủ động xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa nhiệm vụ và đề ra giải pháp xây dựng “Chi bộ bốn tốt”. Việc thực hiện mô hình “Chi bộ bốn tốt” là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực, cụ thể để góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, phẩm chất, uy tín, tăng cường và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Đồng thời, việc triển khai thực hiện mô hình cũng nhằm động viên, khích lệ đảng viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; nâng cao chất lượng sinh hoạt; tăng cường và phát huy tinh thần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương; nêu cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Ngoài ra, kết quả thực hiện mô hình là một trong những cơ sở quan trọng để xem xét đánh giá, xếp loại tổ chức đảng “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” hàng năm.
Việc triển khai mô hình “Chi bộ bốn tốt” đã giúp cho cấp uỷ chi bộ chỉ đạo, triển khai các mặt công tác của chi bộ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; lãnh đạo tốt công tác chính trị tư tưởng, không có cán bộ, đáng viên vi phạm kỷ luật Đảng và những điều đảng viên không được làm; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; chế độ sinh hoạt chi bộ được duy trì nề nếp, chất lượng sinh hoạt có sự chuyển biến tích cực, sinh hoạt chuyên đề được quan tâm, nội dung thiết thực; góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tinh thần, ý thức, trách nhiệm của đảng viên. Cán bộ, đảng viên luôn có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có ý thức giữ vững đoàn kết nội bộ, luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; đấu tranh chống những nhận thức sai trái, lệch lạc của cán bộ, đảng viên; nói và làm theo đúng Cương lĩnh chính trị, điều lệ, chỉ thị, nghị quyết và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế như: việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên có lúc, có nơi còn hạn chế; một số ít cán bộ, đảng viên chưa chủ động, nêu cao trách nhiệm trong công việc, làm việc còn cầm chừng, chưa nêu cao tinh thần tự học tập, nghiên cứu thông tin, tài liệu để nâng cao chất lượng công tác của bản thân; chưa nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm.
Để đạt được mô hình “Chi bộ bốn tốt”, chi bộ phải đạt toàn diện các mặt công tác, nhiệm vụ chính trị của đơn vị; đòi hỏi cấp uỷ phải kiên trì, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo trong quá trình lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện; ngay từ đầu năm, căn cứ vào điều kiện, đặc điểm tình hình của chi bộ để xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các tiêu chí thực hiện và thường xuyên rà soát, đánh giá để kịp thời đề ra giải pháp nhằm đảm bảo tiến bộ, chất lượng, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, có chất lượng cao, số lượng phù hợp: Đảng viên là thành viên của chi bộ, sự vững mạnh của đội ngũ đảng viên ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch, vững mạnh của chi bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt” và “muốn có Đảng bộ tốt, chi bộ tốt, phải có đảng viên tốt”. Do vậy, xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh là nội dung trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chi bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên ở chi bộ cần chú trọng cả số lượng và chất lượng, trong đó lấy chất lượng làm chính. Thực tế cho thấy chi bộ, tổ chức cơ sở đảng nào chất lượng đảng viên thấp thì chi bộ, tổ chức cơ sở đảng ở đó yếu kém, không phát huy được dân chủ trong Đảng và trong quần chúng, phong trào mọi mặt yếu kém. Muốn nâng cao chất lượng đảng viên, ngoài việc quản lý, giáo dục của tổ chức đảng, còn phải có sự tự phấn đấu, rèn luyện của đảng viên.
Hai là, phải triệt để thực hành dân chủ, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ”, phát huy tự phê bình và phê bình, bởi vì: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”. Dân chủ trong chuẩn bị nghị quyết, ra nghị quyết và thực hiện nghị quyết; giữ vững nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ dưới sự lãnh đạo, bảo đảm của tập trung. Kiên quyết đấu tranh khắc phục bệnh quan liêu, độc đoán, dân chủ hình thức cũng như mọi biểu hiện phân tán cục bộ, vô tổ chức, vô kỷ luật. Thực hành tốt tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ cần tuân thủ và thực hiện tốt các nguyên tắc: trên cơ sở Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của Đảng, tiến hành có tổ chức và trong tổ chức, chấp hành đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; tránh lợi dụng phê bình để đả kích cá nhân, hạ uy tín gây mất đoàn kết trong nội bộ.
Ba là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Sinh hoạt chi bộ có vị trí quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ.
Sinh hoạt chi bộ được duy trì đều đặn, thường xuyên có chất lượng sẽ làm cho đường lối, chính sách của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên được quán triệt, thực hiện nghiêm túc; trí tuệ và trách nhiệm của đảng viên được nâng cao, kỷ luật của Đảng được tăng cường, quan hệ giữa Đảng với quần chúng được củng cố, phát triển; nội bộ chi bộ đoàn kết, thống nhất cao. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ trong nội bộ. Nội dung thảo luận phải thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường sinh hoạt chuyên đề; kịp thời thông tin, phổ biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự trong và ngoài nước; lắng nghe và giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên và Nhân dân; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp đảng viên vi phạm.
Bốn là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng chi bộ, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức thực hiện, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiềm tra; muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Và muốn như vậy thì cấp uỷ phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Theo Người, kiểm tra, giám sát có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên, cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương cho Nhân dân. Do đó, góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức. Thông qua kiểm tra, giám sát, sẽ quản lý chặt chẽ từng cán bộ, đảng viên; đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng. Mọi đảng viên phải được đặt trong phạm vi kiểm tra, giám sát của chi bộ. Kiểm tra không phải là “vạch lá tìm sâu”, làm giảm thành tích. Kiểm tra phải có hệ thống, kịp thời, khách quan, công minh, chính xác, sâu sát. Chỉ có như vậy, công tác xây dựng chi bộ mới có hiệu quả, cấp uy, chi bộ mới bảo đảm được vai trò lãnh đạo của mình, hoàn thành sứ mệnh và trọng trách mà Nhân dân giao phó./.
Tác giả: Đỗ Ngọc Khánh, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ và Ngoại tuyến
Ý kiến bạn đọc