Tăng cường ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

Thứ hai - 17/03/2025 10:58 202 0
Trong thời đại ngày nay, khoa học công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu với cuộc sống, khoa học công nghệ phát triển đem lại cho con người nhiều lợi ích song cũng dễ trở thành công cụ để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động phạm tội. Trước tình hình tội phạm diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, việc tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là xu hướng tất yếu giúp lực lượng Công an chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm. Những năm gần đây, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm dần đem lại những kết quả khả quan, công tác phát hiện, ngăn chặn, điều tra, truy bắt tội phạm nhanh chóng, kịp thời; dữ liệu, chứng cứ được thu thập từ các biện pháp kỹ thuật có tính chính xác, khách quan cao, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động điều tra, khám phá án, rút ngắn thời gian điều tra, xử lý tội phạm.
Một số công nghệ tiên tiến có thể ứng dụng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có thể kể đến như:
  • Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI): Sử dụng AI trong nhận diện khuôn mặt, giọng nói, biển số xe nhằm xác định đối tượng nghi vấn; ứng dụng vào công tác khám nghiệm hiện trường, dựng hình ảnh, sơ đồ, hướng di chuyển, hướng tác động của các đối tượng và nạn nhân, tạo căn cứ vững chắc, khoa học phục vụ hoạt động điều tra.
  • Cơ sở dữ liệu lớn (Big Data): Hiện nay, Big Data được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh, y tế, tài chính, giao thông, an ninh trật tự, thông tin truyền thông,…Đối với công tác Công an, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai và ngày càng hoàn thiện. Tiếp sau đó sẽ kết nối với các dữ liệu giao thông, dữ liệu địa lý, hành chính, đặc điểm văn hóa vùng miền, tạo nguồn cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, kịp thời cung cấp thông tin cho hoạt động quản lý nhà nước, phòng, chống tội phạm; tạo cơ sở thống kê, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, điểm nóng cần tập trung nghiên cứu đề ra giải pháp đấu tranh, phòng ngừa từ sớm, từ xa các hành vi phạm tội.
  • Công nghệ sinh trắc học: Sinh trắc học là lĩnh vực khoa học nghiên cứu và ứng dụng các đặc điểm sinh học và hành vi độc nhất của con người để nhận dạng và xác thực danh tính. Những đặc điểm này bao gồm dấu vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói, dáng đi, thao tác tay và chữ viết, chữ ký. Công tác Công an ứng dụng công nghệ sinh trắc học bước đầu được triển khai trên các lĩnh vực như công tác quản lý hồ sơ, quản lý thông tin nghiệp vụ, quản lý dân cư. Từ đây, cơ sở dữ liệu sinh trắc học sẽ hình thành hỗ trợ cho công tác điều tra, truy vết, tăng cường kiểm soát an ninh, phòng chống tội phạm cả trên thực địa và không gian mạng.
  • Thiết bị bay không người lái (Drone) và Robot tuần tra: Từ thực tiễn công tác đấu tranh cho thấy, tội phạm hoạt động hết sức tinh vi, xảo quyệt, chúng thường xuyên tạo và thay đổi tạo vỏ bọc, thiết lập đường dây, đặt sào huyệt tại các địa điểm có địa hình phức tạp, khó tiếp cận. Việc sử dụng thiết bị hỗ trợ như Drone hoặc Robot tuần tra đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, mang lại hiệu quả cao, hứa hẹn sẽ là “cánh tay nối dài” phục vụ đắc lực cho công tác Công an.
Để áp dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay, công tác Công an cần nghiên cứu thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, đảm bảo nguồn nhân lực
Cần duy trì và tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, vững pháp luật, giỏi nghiệp vụ, am hiểu khoa học công nghệ, có ý thức yêu ngành, mến nghề, tinh thần cống hiến, sẵn sàng nhận và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của lực lượng Công an.
Hai là, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa lực lượng Công an với Nhân dân, duy trì nguồn lực thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm
Trong bối cảnh các nguồn vốn đầu tư công cần đảm bảo cho hầu khắp các hoạt động nhằm kiến thiết và xây dựng đất nước, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước để đầu tư cho công tác Công an sẽ không thể đem lại hiệu quả cao. Trước thực tiễn đó, từng người dân, doanh nghiệp cần nêu cao trách nhiệm công dân trong xã hội; bởi hiểu đơn giản rằng môi trường xã hội có trong sạch, an toàn thì cuộc sống mới phát triển, người dân mới an tâm sinh sống, doanh nghiệp mới an tâm sản xuất, hàng hóa được lưu thông và tạo ra giá trị thúc đẩy xã hội phát triển. Do đó, mỗi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chung tay phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, chủ động phối hợp và hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống tội phạm. Hiện nay, trên lĩnh vực kỹ thuật phòng, chống tội phạm, Phòng Kỹ thuật hình sự đã tư vấn các ngân hàng và cơ sở kinh doanh vàng, bạc, đá quý lắp đặt thiết bị báo động chống tội phạm trộm cắp, cướp tài sản kết nối đến cơ quan Công an nơi gần nhất. Ngoài ra, phối kết hợp với các đơn vị có liên quan nắm tình hình các địa bàn trọng điểm, tư vấn, thuyết phục Nhân dân cung cấp, chia sẻ dữ liệu camera phục vụ công tác điều tra, truy vết tội phạm.

Ba là, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Việc ứng dụng các thiết bị kỹ thuật không thể tránh khỏi thông qua môi trường mạng; trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, không gian mạng đem lại nhiều lợi ích vượt trội song cũng là mảnh đất màu mỡ để tội phạm lợi dụng, chúng thường thông qua một số thủ đoạn như tạo link ảo, tài khoản ảo, dụ dỗ chơi trò chơi trực tuyến, đưa ra cảnh báo giả thiết bị bị nhiễm virus,…để tấn công đánh cắp tài khoản người dùng, chiếm quyền điều khiển. Khi cơ sở dữ liệu lớn được đưa lên không gian mạng phục vụ truy cập, tra cứu, cơ quan chức năng, người dân, doanh nghiệp cần phải có biện pháp bảo mật đặc biệt chặt chẽ, không để phát sinh lỗ hổng. Các chủ tài khoản cần luôn luôn tỉnh táo trước những thủ đoạn của tội phạm, kịp thời báo với cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu bất thường trong tài khoản cá nhân.
Bốn là, cần tham mưu xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn, nguyên lý vận động và phát triển của xã hội, đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền tự do, dân chủ nhưng cũng phải hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước; cần có chế tài xử phạt hợp lý, đảm bảo tính răn đe song không kém phần nhân văn, tạo sự tin tưởng, đồng thuận nhất trí cao giữa Nhà nước và Nhân dân, hướng đến xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh, an toàn, hạnh phúc./.

Tác giả: Chế Phương Linh, Phòng Kỹ thuật hình sự

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây