Công an Phú Yên triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, hạn chế vi phạm và tai nạn giao thông liên quan đến học sinh sinh viên

Thứ bảy - 23/11/2024 03:08 417 0
Những năm gần đây, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho thế hệ trẻ, tầng lớp học sinh sinh viên, thanh thiếu niên, là những chủ nhân tương lai của đất nước được Chính phủ, Bộ Công an đặc biệt quan tâm, chú trọng hơn bao giờ hết. Chỉ trong hai năm liên tiếp, đã có 02 văn bản lớn được ban hành để chỉ đạo riêng về vấn đề này, đó là: Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới và Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT ngày 19/10/2022 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025 (sau đây viết gọn là Chỉ thị số 31 và Chương trình số 11). Để triển khai nội dung này, Bộ Công an, Cục CSGT đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản triển khai, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh Phú Yên đã nghiêm túc, kịp thời xây dựng kế hoạch để triển khai nghiêm túc, đạt hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Đặc biệt, Công an tỉnh đã trực tiếp tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 02 văn bản để huy động sự vào cuộc của các ngành, các cấp tại địa phương tích cực tham gia vào công tác đảm bảo TTATGT cho lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên, nhất là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh[1]. Đồng thời, Công an tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp để triển khai nội dung Chương trình số 11 cụ thể, sát hợp tình hình thực tế, thống nhất các nội dung phối hợp chỉ đạo thực hiện tăng cường công tác đảm bảo TTATGT cho lứa tuổi học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên đạt hiệu quả.
Trên cơ s đó, Công an các đơn vị, địa phương, nòng cốt là lực lượng CSGT triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp công tác bảo đảm TTATGT, đặc biệt là tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT; xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện, phù hợp với các cấp học, hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên (HSSV); góp phần ngăn chặn, hạn chế và làm giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT và TNGT liên quan đến HSSV. Một số kết quả nổi bật đạt được trong năm 2024:
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT
Lực lượng CSGT đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT cho HSSV với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng như: thông qua lực lượng báo cáo viên, thông qua việc đưa tin, bài, tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, mô hình, diễn đàn. Tập trung tuyên truyền về tình hình, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT trong lứa tuổi HSSV, những kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nhấn mạnh các quy định của pháp luật, chế tài xử phạt của các hành vi về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, vi phạm phần đường, làn đường, tránh vượt, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe thành đoàn, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người, không có GPLX…
Qua đó, tổ chức tuyên truyền pháp luật TTATGT tại 235 trường từ cấp đại học, cao đẳng đến mầm non với 175.845 lượt học sinh, sinh viên, phụ huynh, giáo viên, công nhân viên các nhà trường tham dự; tại các buổi tuyên truyền đã tổ chức cấp phát 81.995 tờ rơi; trao tặng 903 mũ bảo hiểm; hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho HSSV. Tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật TTATGT đối với 241 trường học, cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến đại học, cao đẳng và 210.859 học sinh, phụ huynh.
Lực lượng Công an phối hợp tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT dịp đầu năm học mới tại các trường học trên địa bàn.
Đồng thời, đăng tải 946 tin, bài đăng lên các trang mạng xã hội (facebook, zalo…) tuyên truyền chấp hành pháp luật về TTATGT; phối hợp Chương trình truyền hình “Vì ANTQ”, Báo Phú Yên, Đài PTP Phú Yên xây dựng 17 phóng sự; cung cấp 227 tin, bài cho các cơ quan truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền; xây dựng hàng trăm chuyên mục phát thanh tại địa phương; phối hợp tổ chức 04 hội thi tìm hiểu pháp luật về TTATGT tại các trường học thu hút hàng ngàn học sinh tham gia. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cá biệt đối với 120 em học sinh yêu cầu không tái phạm những hành vi vi phạm pháp luật TTATGT. Vận động hàng trăm hộ dân, cơ sở trông giữ xe xung quanh trường học ký cam kết không tổ chức trông giữ xe mô tô cho học sinh.
Lực lượng CSGT tăng cường phối hợp với các trường học từ cấp mầm non đến đại học tổ chức tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về TTATGT, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho HSSV.
Đặc biệt, Công an tỉnh tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về TTATGT” năm 2024 trong đối tượng HSSV trên địa bàn tỉnh, đã có 33.291 thí sinh tham gia dự thi (đạt tỷ lệ 88,1% sinh viên và học sinh THPT toàn tỉnh); tổng số trường THPT, đại học, cao đẳng và tương đương trên địa bàn tình có thí sinh tham gia dự thi là 40/40 trường (đạt tỷ lệ 100%).
Trong quá trình thực hiện, thường xuyên xây dựng, đổi mới các hình thức tuyên truyền, biên soạn nội dung phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi và tình hình thực tế, tăng cường tuyên truyền bằng trực quan, hình ảnh dễ nhớ, dễ thuộc, tiếp cận được nhiều đối tượng. Từ kết quả công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật TTATGT sâu rộng trong học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh, thiếu niên.
2. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông
Lực lượng CSGT toàn tỉnh tổ chức 13.699 ca 57.711 lượt, lập biên bản 55.844 trường hợp vi phạm. Trong đó: Xử lý học sinh vi phạm 1.964 trường hợp, phạt tiền 1.031.837.000 đồng, tạm giữ 1.437 phương tiện. Tập trung xử lý các hành vi vi phạm như: Điều khiển xe không có giấy phép lái xe 79; không đội mũ bảo hiểm 182; chở quá số người quy định 15; đi ngược chiều của đường một chiều 02; không có đăng ký xe 289; người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi 463, tốc độ 5, nồng độ cồn 10 trường hợp… Xử lý phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển 1.141 trường hợp, phạt tiền 1.601.600.000 đồng. Các trường hợp học sinh vi phạm lực lượng CSGT đã gửi yêu cầu xác minh đến Công an các phường, xã nơi cư trú để xác minh thông tin về trường, lớp học của học sinh làm cơ sở thông báo vi phạm đến trường học và cơ quan quản lý giáo dục; xác minh thông tin nghề nghiệp của phụ huynh học sinh đối với các trường hợp giao hoặc để xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông. Các trường hợp vi phạm, lực lượng Công an đã gửi thông báo đến các cơ sở giáo dục để có hình thức kiểm điểm, xử lý, phối hợp quản lý giáo dục.
CSGT tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khu vực cổng trường học và các tuyến đường trọng điểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng thời, lực lượng CSGT thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định về đảm bảo an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh theo hình thức hợp đồng, tổ chức cho chủ phương tiện sử dụng phương tiện đưa, đón học sinh cam kết chấp hành nghiêm pháp luật TTATGT, tuyệt đối không chở học sinh khi phương tiện không đủ điều kiện an toàn theo quy định pháp luật. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh.
3. Công tác tổ chức giao thông, khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn gây ra TNGT
Lực lượng CSGT xây dựng 15 kế hoạch khảo sát độc lập và 05 kế hoạch phối hợp các ngành chức năng tổ chức khảo sát, thống nhất ban hành 22 văn bản kiến nghị ngành chức năng xử lý 05 điểm đen, 02 điểm tiềm ẩn về TNGT và các bất cập về tổ chức giao thông. Đồng thời, thường xuyên tổ chức điều tra, nắm tình hình tuyến, địa bàn giao thông, vị trí các trường học và tổ chức giao thông khu vực cổng trường; các khu vực phức tạp về TTATGT; tuyến đường, thời gian có nhiều học sinh, thanh thiếu niên, người nhà học sinh điều khiển phương tiện vi phạm; tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô khách, phương tiện thủy thô sơ đưa đón học sinh… từ đó, xác định nhóm hành vi, đối tượng vi phạm, thời gian thường vi phạm để xây dựng kế hoạch công tác TTKS cụ thể, phù hợp với từng tuyến, địa bàn phục vụ có hiệu quả công tác xử lý vi phạm TTATGT.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT tổ chức rà soát các bãi gửi xe trái phép gần khu vực trường học, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh khu vực trường học cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh. Kết quả: Tổ chức làm việc, ký cam kết 159 với hộ dân sinh sống xung quanh khu vực trường không tổ chức giữ xe cho học sinh.
4. Kết quả xây dựng các mô hình đảm bảo TTATGT cho lứa tuổi học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên
Trong năm 2024, lực lượng Công an đã tham mưu UBND cấp xã, phường, thị trấn tổ chức ký kết triển khai thực hiện mô hình “Cổng trường ATGT” tại 67 trường (01 trường đại học và 66 trường từ cấp mầm non đến THPT); duy trì mô hình tại 07 trường. Qua đó, thành lập Tổ tự quản đảm bảo TTATGT tại khu vực các cổng trường học và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên với nhiều hình thức phong phú, sinh động. Đồng thời, tiếp tục duy trì thực hiện mô hình “Văn hóa giao thông trong trường học” tại 47 trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình “Tuyên truyền phổ biến pháp luật TTATGT qua trang mạng xã hội Facebook”, “Đoạn đường an toàn giao thông”, “Tuyên truyền, giáo dục cá biệt thanh thiếu niên vi phạm TTATGT”.  
Có thể thấy, để hạn chế vi phạm và tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương, nòng cốt là lực lượng CSGT đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp công tác nghiêm túc, đạt hiệu quả. Qua đó, đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật TTATGT với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi. Thường xuyên duy trì các hoạt động tuyên truyền, các cuộc thi, các buổi ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và HSSV; vận động giáo viên, HSSV thực hiện tiêu chí văn hóa giao thông, tự giác chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT khi tham gia giao thông. Nhất là đã triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo TTATGT; CBCS đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật TTATGT trong HSSV, thanh thiếu niên tại các trường học.
 

[1] Công văn số 1563/UBND-NC ngày 10/4/2023 về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT và đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên; Công văn số 6501/UBND-NC ngày 16/10/2024 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của thủ tướng Chính phủ

Tác giả: Đào Thị Ngọc May, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây