Ngày 23/11/1945, nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt. Bản Sắc lệnh gồm 08 điều được xác định là văn kiện mang tính pháp lý về công tác thanh tra cũng như về công việc xét xử của tòa án, là cơ sở pháp lý cho hoạt động của Ban Thanh tra.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giai đoạn kháng chiến, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sẽ góp phần tạo ra mối liên hệ giữa trên và dưới, giữa lãnh đạo và quần chúng nhằm đảm bảo tính chất chính quyền của dân, do dân và vì dân. Cùng với vai trò đó, công tác thanh tra còn bảo đảm ngăn chặn mọi tệ nạn thường xuyên có khả năng xảy ra như quan liêu, lãng phí, tham ô.
Từ năm 1945 đến năm 1969, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký 38 sắc lệnh liên quan đến tổ chức, cán bộ và công tác thanh tra.
Xác định thanh tra là ngành đặc biệt quan trọng nên Bác Hồ đã đích thân lựa chọn, ký sắc lệnh bổ nhiệm nhiều vị lãnh đạo có phẩm chất tốt, có uy tín cao giữ chức vụ đứng đầu tổ chức thanh tra như cụ Bùi Bằng Đoàn - nguyên Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội và ông Cù Huy Cận - Bộ trưởng Bộ Canh nông vào Ban Thanh tra đặc biệt (năm 1945). Khi Hồ Chủ tịch gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho hai cán bộ thanh tra đầu tiên là cụ Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận, Người căn dặn: “Ban Thanh tra không cần nhiều người, lúc này 2 người là đủ. Một vị cao tuổi và là vị quan có tiếng liêm khiết của triều đình cũ, là cụ Bùi; một người thanh niên hăng hái mà cả nước ai cũng biết là chú. Người già, người trẻ dựa vào nhau mà làm việc, nhất định việc thanh tra sẽ làm tốt và cần làm ngay”.
Có thể nói, hoạt động thanh tra trong thời kỳ này mặc dù tổ chức bộ máy còn đơn sơ, lực lượng thanh tra còn kiêm nhiệm, chưa có luật pháp hoàn chỉnh, nhưng công tác thanh tra đã có nhiều đóng góp vào thắng lợi vẻ vang của công cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra miền Bắc tháng 4 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Thanh tra là công tác quan trọng, trực tiếp đối với việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng, giữ gìn pháp luật của Nhà nước; và câu nói: “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới” đã trở thành khẩu hiệu, phương châm hoạt động của ngành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu Trung ương Đảng, Chính phủ có nghị quyết, chỉ thị về các ngành, các địa phương kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương nào làm tốt, làm vừa, làm xấu, có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết. Trên không thấu dưới, dưới không thấu trên. Thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, chỉ thị, chính sách đó các địa phương đã chấp hành thế nào. Vì vậy, cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng. Thanh tra không phải chỉ đi xem địa phương thực hiện nghị quyết, chỉ thị như thế nào. Nếu họ làm sai hay gặp khó khăn còn giúp đỡ họ làm cho đúng với nghị quyết, chỉ thị của trên đưa xuống. Thanh tra cũng không phải điều tra, nghiên cứu việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị đã được đến đâu mà phải theo dõi cho đến khi công việc được làm xong, làm tốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn: “Cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác”, “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”.
Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 – 23/11/2025), toàn ngành Thanh tra nói chung và lực lượng Thanh tra Công an nhân dân nói riêng đang nỗ lực thi đua học tập và làm theo lời Bác, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra, hoàn thành chất lượng, hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác.