Đừng biến mình và người khác thành nạn nhân tin giả trên không gian mạng

Thứ hai - 16/01/2023 20:16 379 0
Tin giả như một loại virus độc hại, nó xâm nhập, gây nhiễu dư luận, thậm chí làm khủng hoảng niềm tin. Trong điều kiện công nghệ mới, phương thức truyền tin, nhất là mạng xã hội phát triển sâu rộng thì tin giả càng thêm đất sống. Các thế lực xấu lợi dụng điều này để xuyên tạc, kích động chống phá hòng gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo cớ chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Từ clip bị làm giả gây “bão mạng”

Vụ việc mới nhất về tin giả, tin bị bóp méo, xuyên tạc gây dư luận xấu là thông tin lan truyền trên mạng xã hội, cho rằng có “vụ việc kinh hoàng” tại Trường Quân sự Quân khu 7. Liên quan vụ việc này, ngày 14/1, Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 7 đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án đưa thông tin sai sự thật, phát tán clip cho rằng sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh (HUFLIT) đang học giáo dục quốc phòng – an ninh (GDQPAN) tại Trường Quân sự Quân khu 7 nhảy lầu tự tử do bị xâm hại. Theo đó, sau khi xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 7 quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Đưa tin trái phép thông tin mạng máy tính” xảy ra tại Trung tâm GDQPAN, Trường Quân sự Quân khu 7.

Trước đó, ngày 11/1, trên một số trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok… lan truyền một đoạn clip dài 15 giây có tiếng la hét và hình ảnh nhóm người đang khiêng một phụ nữ đi vào bên trong khu nhà. Clip chia sẻ này kèm theo thông tin có nữ sinh HUFLIT bị hiếp dâm tập thể và nhảy lầu tự tử tại Trường Quân sự Quân khu 7. Sau khi thông tin này gây ồn ào mạng xã hội, Quân khu 7 đã phối hợp cùng Công an TP Hồ Chí Minh và các bên liên quan để xác minh.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, 21h30 tối 10/1/2023, tại phòng của lớp 23 thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 3 có hai nữ sinh là N.C.H.H và T.P.U (cùng 20 tuổi) có xảy ra tranh cãi do U nghi ngờ H lấy trộm số tiền 1,4 triệu đồng của mình. Bị bạn bè nghi ngờ, nữ sinh H khóc, la hét, bỏ chạy ra ngoài hành lang. Khi phát hiện vụ việc, cán bộ phụ trách và các bạn cùng phòng đưa H về nhà trực ban của Tiểu đoàn để trấn an tinh thần.

Đừng biến mình và người khác thành nạn nhân tin giả trên không gian mạng -0
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khi vụ việc xảy ra, nữ sinh viên T.T.T.T (20 tuổi) ở lớp 24, Đại đội 6 đã dùng điện thoại quay clip. Sau đó, T có gửi clip cho ba người bạn. Đến chiều 11/1 thì đoạn clip nói trên lan truyền trên mạng xã hội với những thông tin bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn. Trước tình hình trên, phía Trường Quân sự Quân khu 7, các đơn vị liên quan của Quân khu 7 phối hợp cùng Trường HUFLIT đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng và gặp gỡ, trao đổi với báo chí để ngăn chặn thông tin sai sự thật. Trong nhiều ngày liền, các đơn vị Quân khu 7 cùng những đơn vị liên quan đã tập trung xác minh vụ việc, có căn cứ xác định rõ: Thông tin nữ sinh bị hiếp dâm và nhảy lầu tự tử là hoàn toàn sai sự thật. Vụ việc có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tập thể, cá nhân liên quan.

Đáng chú ý, cơ quan chức năng xác định đoạn clip tán phát trên mạng bị lồng ghép âm thanh, hình ảnh xuyên tạc sự thật, kèm đó là các thông tin phụ hoạ, cho rằng có việc nạn nhân nhảy lầu tự tử sau khi bị “cả tiểu đội hiếp dâm”! Dù phía Trường HUFLIT và Trường Quân sự Quân khu 7 đã có thông tin với báo chí song một số cá nhân vẫn lên mạng xã hội cố tình viết bài hướng lái xuyên tạc sự thật, cho rằng vụ việc đã bị bưng bít, cổ suý dư luận “không nên tin báo cáo của nhà trường”.

Một số bài viết dẫn ra các lý do để bôi nhọ nhà trường, cố tình lập luận sai lệch để khiến người đọc tin rằng, có “vụ việc kinh hoàng, đang bị nhà trường bưng bít”! Té nước theo mưa, nhiều trang mạng hải ngoại đẩy vụ việc lên cao trào, cổ suý tư tưởng chống Đảng, chống chế độ, cho rằng dưới “chế độ đảng trị” thì “thông tin bị lấp liếm”, đồng thời rao giảng đạo đức giả, lập những hội nhóm dưới danh nghĩa “đấu tranh bảo vệ nhân phẩm cho hai nữ sinh bị xâm hại”…

Cảnh giác với tin giả trên không gian mạng

Tin giả, trong từ điển tiếng Anh và truyền thông quốc tế gọi là fake news, có nghĩa là tin rác, tin giả mạo được tuyên truyền nhằm cố ý lừa bịp người khác. Ở Việt Nam, trong đời sống dân gian, loại tin đó được gọi nôm là “tin vịt”. Tin giả giờ đây không chỉ được lan truyền miệng từ người này sang người kia mà thông qua các hiệu ứng truyền thông, mạng xã hội, nó lan truyền với tốc độ chóng mặt. Vì là tin bịa đặt nên được cường điệu, hàm chứa sự ly kỳ, dễ đánh vào xúc cảm, tâm lý của những người có độ “hóng” cao.

Tin giả được tạo dựng, tán phát liên quan đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... gây những hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc cũng như thái độ, suy nghĩ, hành động của người dân. Một trong những hệ quả mà các tin tức giả gây ra là làm suy giảm niềm tin của công chúng vào các cơ quan báo chí, truyền thông, khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận. Trong điều kiện các thế lực thù địch, cơ hội, phản động đang triệt để lợi dụng internet để tiến hành chống phá, các tin tức, hình ảnh giả mạo được tung ra muôn hình vạn trạng. Các bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy, sai lệch niềm tin do tiếp nhận tin giả giống như dịch bệnh lây lan. Khi cá nhân chia sẻ tin giả cũng đồng nghĩa với lây truyền niềm tin độc hại.

Thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet rất phức tạp. Các đối tượng triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin.

Thủ đoạn phổ biến là tạo lập các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện nóng, các vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận.

Bên cạnh đó, xuất hiện hiện tượng một số đối tượng xấu vì động cơ vụ lợi đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, tán phát trên mạng xã hội để thu hút người dùng tương tác nhằm thu về lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất... gây hoang mang dư luận. Họ tung ra tràn lan các video có nội dung nhảm nhí, giật gân trên mạng xã hội nhằm lôi kéo người xem để kiếm tiền. Một số đối tượng tìm mọi cách để gây ảnh hưởng, nổi tiếng trên mạng xã hội, sản xuất video có nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, giả mạo thông tin, kích động bạo lực, bôi nhọ, nói xấu Đảng, chính quyền…

Trên thực tế, tin giả không chỉ gây tâm lý hiếu kỳ, tò mò của độc giả mà nó còn làm suy yếu các phương tiện truyền thông. Tin giả không chỉ hướng lái sai lệch người đọc, người xem mà nhiều khi còn đánh lừa cả một số phóng viên khiến báo chí cũng trở thành nạn nhân. Tin chưa được kiểm chứng từ cá nhân trên Facebook, Zalo... nhưng có những phóng viên khi sử dụng đã thiếu kiểm chứng, biến thành sản phẩm báo chí, vô tình tiếp tay cho kẻ xấu. Do vậy, để bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả trong nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với nạn tin giả, giảm thiểu tác động xã hội của nó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, liên thông của các cơ quan chức năng. Cần phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ nhưng linh hoạt, vận dụng nghiêm khắc chế tài, luật pháp để xử lý nghiêm mọi cá nhân, tổ chức tung tin giả.

Cách nhận biết thông tin sai sự thật

Một là, kiểm tra, xem xét nguồn tin

Hiện nay, người dân có nhiều kênh để tiếp nhận thông tin, từ truyền hình, radio, các trang báo giấy, báo mạng, trang thông tin điện tử, cổng thông tin của các cơ quan nhà nước… Nguồn tin còn đến từ mạng xã hội, các hội nhóm, các thông tin truyền miệng. Tất nhiên, trong hàng trăm, hàng ngàn tin tiếp nhận mỗi ngày, có tin chính xác, có tin không chính xác. Để nhận được những thông tin chính xác, chúng ta cần theo dõi tin tức từ báo chí, nhất là những tờ báo uy tín, cổng điện tử của cơ quan chức năng.

Hai là, kiểm chứng nguồn tin

Với mỗi thông tin đăng tải trên báo chí hay trên mạng xã hội, chúng ta vẫn cần kiểm chứng xem thông tin chính xác không bằng cách đọc và tìm hiểu nguồn tin đó có được cung cấp bởi người có thẩm quyền, đúng chức năng, được phép phát ngôn cung cấp thông tin hay không. Những thông tin trong bài viết có nêu rõ tên người, địa phương, thời gian… không. Với những tin chung chung, không rõ tên nhân vật, địa danh cụ thể, chúng ta cần kiểm chứng lại. Tin giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra được dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất. Ngoài ra, cần đọc kỹ nội dung xem thông tin đó là tin tức thật hay trò đùa của người đăng.

Ba là, kiểm tra lại thông tin, hình ảnh minh họa

Tin giả không chỉ về chữ viết mà còn là các hình ảnh. Người dùng mạng xã hội luôn nghĩ, hình ảnh, nhất là video là minh chứng rõ ràng nhất và tin ngay những thông tin trong hình ảnh đó. Nhưng thực sự, những hình ảnh có thể bị làm giả, bị cắt ghép, chỉnh sửa theo từng dụng ý khác nhau của người đăng tải thông tin. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google for image”.

Trước mỗi thông tin, hình ảnh có nội dung xấu lan truyền, cần tỉnh táo, suy nghĩ xem những tin tức, hình ảnh đó khởi nguồn thế nào, ai phát ra, liệu có đủ khả năng tin cậy? Nếu những tin tức đó mang đến suy nghĩ tiêu cực, cần phải suy xét thận trọng, tránh việc ấn like hay chia sẻ, bình luận tạo hiệu ứng lan truyền tin giả, độc hại. Phải cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực. Đặc biệt, không chia sẻ nguồn tin phát ra từ trang mạng của những cá nhân, tổ chức thường xuyên đưa tin có nội dung tiêu cực, sai trái, phỉ báng nhà nước, cộng đồng.

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây