Nguy hiểm hơn, có những hình ảnh, video được cắt ghép, dàn dựng để bóp méo sự thật, xuyên tạc về đạo đức, tác phong và hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, Công an nhằm kích động một số người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết chia sẻ, lan tỏa trên mạng xã hội, làm nóng vấn đề. Tung tin thất thiệt về cảnh bạo lực hay “cái chết oan ức” rồi đưa ra những câu hỏi khả nghi, cho rằng “có sự lấp liếm, giấu nhẹm”!
Mục đích của họ là nhằm bôi nhọ hình ảnh, bản chất, truyền thống, uy tín của lực lượng Công an, Quân đội, gây ngờ vực trong nhân dân. Từ đó, tạo luồng tư tưởng khiến cho thanh niên nhập ngũ “tự diễn biến”, buông lỏng về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân với Tổ quốc, làm người dân hoang mang, không muốn cho con em mình thực hiện nghĩa vụ quân sự, Công an. Đó còn là mưu đồ hòng gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khi các đối tượng phản động kích động người dân biểu tình, chống phá, kích động các quân nhân đào ngũ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc…
Thực tiễn lịch sử cho thấy, dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại, phát triển của dân tộc, đó chính là truyền thống quý báu của tổ tiên ta. Ðảng ta đã vận dụng, phát triển thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam đã có chính sách “ngụ binh ư nông”.
Chính sách này ra đời trong bối cảnh một đất nước đất không rộng, người không đông, lại thường bị các thế lực nước ngoài xâm lược. Chính sách “ngụ binh ư nông” là sự kết hợp nhiệm vụ duy trì lực lượng quốc phòng với sản xuất, sẵn sàng chuyển hóa lực lượng quân sự từ sản xuất sang chiến đấu khi cần thiết và ngược lại, chuyển lực lượng chiến đấu về sản xuất trong thời bình.
Bảo vệ Tổ quốc không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là bảo vệ bên ngoài biên giới, lãnh thổ, mà cần hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả bên trong. Không chỉ chiến đấu bảo vệ khi có kẻ thù xâm lược mà phải tổ chức phòng thủ, phòng ngừa từ trước, từ sớm, từ xa; chủ động chuẩn bị về mọi mặt, bao gồm cả chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... ngay từ thời bình.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân” (Điều 45, Chương II) và “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sự nghiệp của toàn dân… Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh” (Điều 64, Chương IV). Thể chế hóa Hiến pháp, Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật CAND quy định rõ việc công dân tham gia nghĩa vụ quân sự, Công an.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND và CAND là nòng cốt". Chính sách và chiến lược quốc phòng của Đảng ta là tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
Thực hiện nghĩa vụ quân sự, Công an không chỉ đơn thuần là chấp hành pháp luật của Nhà nước, đó còn là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả của công dân đối với dân tộc, với Tổ quốc. Lịch sử minh chứng, dựng nước đi đôi với giữ nước đã trở thành quy luật trường tồn của dân tộc ta. Biết bao thế hệ ông cha đã ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng triệu thanh niên Việt Nam đã xung phong lên đường chiến đấu, trở thành những chiến sĩ kiên trung, bất khuất. Ngày nay, trong thời bình, ổn định và hợp tác quốc tế, hình ảnh chiến sĩ Quân đội, Công an lại càng sống động hơn khi sát cánh cùng nhân dân vượt qua thiên tai, dịch bệnh để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Các chiến sĩ bộ đội, Công an đồng hành cùng người dân ở những khu vực biên giới, núi cao, vùng sâu vùng xa trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, lạc hậu, chung tay xây dựng nông thôn mới...
Các nước trên thế giới cũng đều có những quy định về nghĩa vụ quân sự, tuỳ từng điều kiện cụ thể mỗi nước. Tại Thụy Sĩ, luật pháp nước này quy định tất cả đàn ông từ 19 đến 26 tuổi đều phải đăng ký nhập ngũ và phục vụ trong quân đội ít nhất 260 ngày, trong đó có 18 tuần huấn luyện và 7 lần gọi tái nhập ngũ, mỗi lần kéo dài 3 tuần trong suốt 10 năm tiếp theo. Tuy nhiên, họ có thể chọn phục vụ cộng đồng 390 ngày thay vì thi hành nghĩa vụ quân sự.
Đối với Hàn Quốc, là một trong những nước có luật nghĩa vụ quân sự nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Gần như tất cả các nam công dân tuổi từ 18-35 của nước này đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong khoảng thời gian 21 tháng. Không một ai được miễn trừ dù là người có địa vị cao hay nhân vật của công chúng như diễn viên, ca sĩ nổi tiếng. Hiến pháp Hàn Quốc quy định rõ, việc tôn trọng lệnh nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và nghĩa vụ bắt buộc đối với toàn bộ các công dân nam có đủ sức khỏe. Những trường hợp được miễn giảm chủ yếu có vấn đề về sức khỏe, tàn tật, tâm thần, mắc bệnh truyền nhiễm và không có khả năng lao động. Những ai đủ tiêu chuẩn mà từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự thì sẽ bị phạt tù.
Tại quốc gia Đông Nam Á Singapore, nghĩa vụ quân sự được biết đến với tên nghĩa vụ quốc gia (NS), là nghĩa vụ bắt buộc mà mọi công dân nam phải thực hiện khi đủ 18 tuổi. Công dân đi nghĩa vụ quân sự có thể phục vụ trong lực lượng Vũ trang Singapore (SAF), lực lượng Phòng vệ dân sự Singapore (SCDF) hoặc lực lượng Cảnh sát Singapore (SPF). Theo quy định của đảo quốc, tất cả những người vi phạm nghĩa vụ quốc gia đều phải đối mặt án phạt tiền tới 10.000 đô la Singapore, án tù với thời hạn không quá ba năm hoặc cả hai. Ở Thái Lan, nghĩa vụ quân sự bắt đầu được thực hiện vào năm 1905. Theo Hiến pháp Thái Lan, việc phục vụ trong lực lượng vũ trang được coi là nghĩa vụ quốc gia của công dân Thái Lan. Trên thực tế, chỉ những nam giới trên 21 tuổi chưa trải qua khóa huấn luyện dự bị mới phải nhập ngũ.
Theo quy định của pháp luật Trung Quốc thì nghĩa vụ quân sự được coi là nghĩa vụ bắt buộc. Tuy nhiên trên thực tế, do dân số đông, nguồn nhân lực cho quân đội dồi dào nên gần như quy định này được thực hiện theo cách tự nguyện. Công dân Trung Quốc không phân biệt nam hay nữ đều phải tham gia khoá huấn luyện quân sự kéo dài 20 ngày, là một phần của hệ thống giáo dục. “Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của mọi công dân Trung Quốc để bảo vệ quê hương, chống lại kẻ thù xâm lược. Đó còn là sự tự hào được phục vụ, đứng trong hàng ngũ quân đội” - Điều 55, Hiến pháp Trung Quốc quy định.
Như vậy, tùy theo tình hình chính trị, quân sự của mỗi nước, chế độ nghĩa vụ quân sự được thực hiện một cách phù hợp chứ không phải như luận điệu của các thế lực xấu cho rằng, chỉ Việt Nam đưa ra quy định nghĩa vụ quân sự, Công an nhằm “o ép người dân”. Hiện nay, bên cạnh các nước thực hiện quy định nghĩa vụ quân sự bắt buộc thì một số nước châu Âu cùng với Hoa Kỳ đã không còn duy trì hình thức nghĩa vụ quân sự mà hướng tới xây dựng quân đội gồm hoàn toàn các quân nhân chuyên nghiệp, tự nguyện phục vụ trong quân đội.
Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi công dân. Lên đường làm nghĩa vụ quân sự không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà trên hết đó còn là niềm tự hào của tuổi trẻ và trách nhiệm của thanh niên Việt Nam để góp phần bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc, hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Được sống trong hòa bình, độc lập, tự do mà ai đó nếu chỉ biết đến vun vén, hưởng thụ cho bản thân, nghe theo luận điệu xấu rồi thoái thác, trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm công dân tham gia bảo vệ Tổ quốc thì không những vi phạm pháp luật mà còn có tội với các thế hệ ông cha, với truyền thống lịch sử dân tộc.
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân
Ý kiến bạn đọc