Minh chứng sinh động phản bác luận điệu sai trái về trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”

Thứ hai - 29/01/2024 19:36 199 0
Với mưu đồ chống phá, các thế lực thù địch, phản động đã cố tình đưa ra những luận điệu xuyên tạc, công kích đường lối, chính sách ngoại giao, phủ nhận những thành tựu trong công tác đối ngoại của Việt Nam.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá

Mới đây, sau  khi cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ra mắt bạn đọc thì một số tổ chức, cá nhân phản động lưu vong ở nước ngoài, các hãng truyền thông hải ngoại định kiến với Việt Nam đã tung ra những bài viết, hình ảnh, video trên các nền tảng mạng xã hội với nội dung sai trái.

Họ đưa ra luận điệu sai lệch rằng “cuốn sách là không cần thiết”, “trường phái ngoại giao cây tre là ngả nghiêng, không thực chất, không có lập trường, không rõ ràng”, “gió chiều nào theo chiều ấy”… Mục đích của các thế lực thù địch là xuyên tạc trường phái “ngoại giao cây tre”, thể hiện qua những vấn đề sau:

Minh chứng sinh động phản bác luận điệu sai trái về trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” -0
Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 xác định xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh…

Thứ nhất, xuyên tạc để tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta cũng như vai trò quản lý xã hội của Nhà nước, đòi thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam; ca ngợi kiểu cách đối ngoại phương Tây để tạo “cơn sóng ngược” nhằm hướng lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, cho rằng như thế mới có đường lối đối ngoại đúng đắn.

Thứ hai, gieo rắc, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, tạo “ngòi nổ” để kích động tâm lý chống đối, phản kháng, gây chia rẽ, kỳ thị trong ngoại giao, đặc biệt gây sự hiểu nhầm đối với người dân trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực an ninh quốc gia, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ ba, hạ bệ vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế, tìm cách làm cho các đối tác của Việt Nam thiếu niềm tin, e ngại trong xúc tiến hợp tác kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; gây ra sự hiểu sai về đất nước, con người Việt Nam; tìm cách cô lập Việt Nam với thế giới.

Có thể thấy, âm mưu của các thế lực thù địch là rất nguy hiểm, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nếu không tỉnh táo nhận diện và có cái nhìn khách quan, đúng đắn, đầy đủ về giá trị trường phái “ngoại giao cây tre”  thì rất dễ rơi vào cái bẫy của đối tượng xấu giăng ra, thậm chí dễ trở thành “quân tốt”, “con bài” trong các hoạt động chống phá của các hội nhóm phản động, cơ hội chính trị.

Cần hiểu đúng về trường phái “ngoại giao cây tre”

“Ngoại giao cây tre” là khái niệm được nhắc nhiều trong những năm gần đây. Đây là trường phái ngoại giao được đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện, trong đó trường phái ngoại giao này được xây dựng trên phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Vậy cụm từ “ngoại giao cây tre” có từ bao giờ?

Vào tháng 8/2016, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam. Đến tháng 12/2021, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh: “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn văn hóa và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”.

Qua đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, làm sâu sắc thêm cơ sở hình thành, đặc trưng về trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Trên cương vị là người đứng đầu Đảng, với tư duy đối ngoại sâu sắc mang tầm chiến lược cao và thực tiễn trải nghiệm hoạt động ngoại giao phong phú, sinh động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho ra đời cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””.  Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định, cuốn sách của Tổng Bí thư là kim chỉ nam cho đường lối, chủ trương của Đảng về công tác đối ngoại; đóng góp to lớn, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn về xây dựng CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam.

Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đánh giá, cuốn sách có giá trị vô cùng to lớn bởi đây là công trình đầu tiên mang tính hệ thống, tập hợp những phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư về lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao. Các bài viết thể hiện một cách cụ thể, sâu sắc và sinh động sự đóng góp to lớn, quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư trên nhiều cương vị khác nhau trước đây và với cương vị là lãnh đạo cao nhất của Đảng ta hiện nay trong việc xây dựng và phát triển đường lối đối ngoại của Việt Nam; đồng thời, khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện, xuyên suốt của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại trên cả ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Bàn về những thành tựu đối ngoại và những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Thongsavanh Phomvihane, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khẳng định: “Những thành tựu của Việt Nam nói chung, những thành tựu trong công tác đối ngoại nói riêng cũng chính là những thành tựu, là bài học kinh nghiệm quý báu cho đất nước Lào… Đặc biệt, Đảng, Nhà nước Lào đánh giá cao ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc nhấn mạnh 6 nhóm vấn đề là mục tiêu, nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng đầy vẻ vang trong việc triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Việt Nam”.

Trong bài viết “Giá trị thời đại của trường phái ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, đồng chí Hàn Phương Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Chủ tịch Học hội ngoại giao và quan hệ quốc tế CHARHAR đã chia sẻ cảm xúc: “Ngoại giao “cây tre Việt Nam” là vừa kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa tích cực mở rộng trong lĩnh vực ngoại giao, bảo vệ và phát triển lợi ích quốc gia của Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn tính linh hoạt và tính nguyên tắc, nỗ lực thích ứng với thế giới không ngừng biến đổi; mặt khác, cùng với việc phát triển các quan hệ ngoại giao hiện có, thiết lập các quan hệ hợp tác mới. Đây chính là nền tảng ngoại giao để Việt Nam vẫn phát triển ổn định, lành mạnh dù đứng trước tình hình thế giới vô cùng phức tạp”.

Còn rất nhiều chính khách, học giả, nhà nghiên cứu thế giới đánh giá cao đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta, ghi nhận những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quá trình phát triển đất nước, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” mang lại giá trị gì?

Các hoạt động đối ngoại theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã góp phần củng cố vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tăng cường sức mạnh dân tộc, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác. Qua trường phái ngoại giao ấy, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đến nay, Việt Nam tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, trọng tâm là các nước láng giềng, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Chỉ tính trong năm 2023, chúng ta đã tổ chức thành công 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam cùng với hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương; trong đó, có những chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử như chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden...

Thành công của các chuyến thăm, hoạt động đối ngoại này đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta. Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Trên phương diện kinh tế, thông qua ngoại giao “cây tre Việt Nam”, năm 2023 đã góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu đạt trên 680 tỷ USD, thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,8%, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư dài hạn ở Việt Nam…

Khẳng định thành tựu do “ngoại giao cây tre” mang lại, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ngày 19/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, công tác đối ngoại đã “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”.

Trước một thế giới với vô vàn sự chia rẽ, xung đột, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế, uy tín đối với bạn bè quốc tế, là biểu tượng của hòa bình, độc lập, tự chủ, thân thiện, hiếu khách, nơi các đối tác đặt niềm tin cho những mối quan hệ tốt đẹp. Những đóng góp của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã được chứng minh, khẳng định giá trị trên thực tế. Đây là minh chứng sinh động góp phần bác bỏ những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây