Thực tiễn phản bác luận điệu bôi lem quyền tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số

Chủ nhật - 14/04/2024 20:53 241 0
Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản, quan trọng của con người, được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều chính sách, quy định pháp luật đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, nhu cầu của người dân, trong đó chú trọng quyền tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Vậy nhưng với mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc vấn đề này.

Không thể phủ nhận những quyết sách hướng về đồng bào DTTS

Nằm trong âm mưu chống phá về vấn đề dân tộc, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vu cáo rằng, ở Việt Nam, quyền của người DTTS không được bảo đảm, trong đó có quyền tiếp cận thông tin, từ đó họ xuyên tạc người DTTS “bị phân biệt đối xử”, “bị bịt tai, bịt mắt”, “không có phản biện xã hội”, “chìm trong tăm tối”…

Một số bài viết vu cáo rằng, bà con vùng DTTS đã khổ về vật chất, lại bị Đảng “bỏ rơi” về văn hoá, tinh thần, thực hiện “chính sách ngu dân” để dễ dàng áp đặt, “cai trị”… Họ tìm những bức ảnh chụp cảnh trẻ em vùng DTTS ăn mặc rách rưới rồi lắp ghép, chế tác thành “điển hình đời sống người DTTS”, lấy cớ miệt thị, bôi nhọ chính sách của Đảng, Nhà nước ta, nhất là vấn đề văn hoá, giáo dục, tiếp cận thông tin.

Đây là những chiêu trò thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch, mục đích nhằm làm suy giảm niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước; gây chia rẽ đồng bào với cấp ủy, chính quyền địa phương, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ giữa đồng bào DTTS với người Kinh, giữa DTTS này với DTTS khác.

Từ đó kích động chống đối trong nhân dân, dung dưỡng những thành phần bất hảo, chống phá, gắn với việc truyền bá tà đạo, truyền bá mê tín dị đoan, tạo các điểm nóng tập hợp lực lượng gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kích động tư tưởng ly khai, tự trị ở vùng DTTS.

Thực tế, cùng với việc chăm lo đời sống vật chất thì đời sống tinh thần của bà con DTTS cũng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, trong đó có việc tiếp cận thông tin. Thấy rõ những khó khăn nên Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật nhằm tăng cường, thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin của đồng bào. Theo đó, quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản, quan trọng của con người, được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên và được quy định tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Cụ thể hóa Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng quy định nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Để cụ thể hóa Luật tiếp cận thông tin, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018, quy định chi tiết các biện pháp thi hành của luật, trong đó đề ra các biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Nghị định cũng quy định việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp như: thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước; qua hệ thống phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, đặc biệt là các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc và các phương tiện thông tin đại chúng khác; xây dựng tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm, trong trường hợp cần thiết và khả thi thì có thể được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin…

luan-dieu.jpg -0
Công an huyện Mèo Vạc, Hà Giang tặng quà và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số.

Thực tế bác bỏ luận điệu xuyên tạc

Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 467/QĐ-TTg về tích hợp các chính sách hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Quyết định này chỉ ra các chính sách cụ thể như: Hỗ trợ đào tạo kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; Hỗ trợ phương tiện nghe, xem (radio, ti vi, đầu thu truyền hình kỹ thuật số) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; thí điểm cấp rađio cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.

Phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS; cấp miễn phí một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn;thiết lập, duy trì trang thông tin điện tử tổng hợp song ngữ Việt - Khmer, Việt - Hoa để phục vụ độc giả trong và ngoài nước. Cung cấp các sản phẩm thông tin có tính chất chuyên biệt, có đối tượng phục vụ tập trung là nhân dân các DTTS như: Hệ phát thanh Tiếng Dân tộc (VOV4) của Đài Tiếng nói Việt Nam, Kênh truyền hình Tiếng Dân tộc (VTV5) của Đài Truyền hình Việt Nam; hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở; chính sách hỗ trợ dịch vụ bưu chính và phát hành báo chí đến khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Ngoài ra, để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho đồng bào, nhiều chương trình, đề án, dự án có liên quan đã và đang được triển khai tại vùng DTTS và miền núi. Thông qua những chương trình này cho thấy Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác thông tin, truyền thông, giúp nâng cao nhận thức cho đồng bào, góp phần phát triển bền vững và thực hiện có hiệu quả quyền tiếp cận thông tin của người dân vùng DTTS.

Hiện nay có 26 thứ tiếng (bao gồm cả tiếng Kinh) đang phát sóng trên kênh VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam trên các nền tảng khác nhau (qua ứng dụng VTVgo, website VTV5, kênh YouTube, trên Facebook...). Cùng với đó, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phát sóng 13 thứ tiếng trên hệ Phát thanh Tiếng Dân tộc. Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên cập nhật, tuyên truyền về công tác dân tộc trên cả 4 loại hình báo chí của đài là phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử. Đặc biệt, trên hệ thống kênh sóng VOV4 của Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng hàng ngày với 13 thứ tiếng DTTS với thời lượng gần 30h/ngày, tại 6 khu vực trong cả nước (Đông Bắc, Tây Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ).

Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở đến nay đã đầu tư, nâng cấp cho 682 đài truyền thanh xã, 67 đài truyền thanh, truyền hình huyện và trạm phát lại phát thanh, truyền hình; cung cấp 66 bộ phương tiện tác nghiệp phục vụ hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở; cung cấp 370 bộ thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe xem và thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng và các đồn biên phòng; thiết lập 10 cụm thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế, khu vực biên giới. Chương trình truyền thanh, truyền hình của Trung ương và từng địa phương đã trở thành những người bạn đồng hành, không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của đồng bào. Trên cơ sở các chính sách được ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí xuất bản ấn phẩm báo chí (có ngôn ngữ thể hiện bằng tiếng DTTS) để cấp kịp thời cho đồng bào DTTS. Giai đoạn từ năm 2016 đến 2021, đã chuyển phát 18 loại báo, tạp chí với số lượng 51,2 triệu tờ.

Các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã chủ động mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, tăng cường tin, bài, ảnh trên báo in, báo điện tử để tuyên truyền về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi.

Đối với thông tin liên lạc, hiện nay tỉ lệ xã có điểm liên lạc điện thoại công cộng đạt trên 98%, có hơn 3.000 điểm truy cập viễn thông công cộng cho người dân. Mạng điện thoại di động đã phủ sóng khắp vùng DTTS, riêng tỉ lệ phủ sóng điện thoại di động băng rộng 4G của Việt Nam hiện nay đã lên đến 99,8% xét trên dân số, tại nhiều tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng viễn thông di động và Internet băng rộng đã phủ đến hầu hết các thôn, bản; có hơn 16 nghìn điểm giao dịch bưu chính viễn thông, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Trong lĩnh vực xuất bản, đã xuất bản trên 1.200 đầu sách với khoảng 11,3 triệu bản phục vụ cho đồng bào DTTS, hoạt động của tủ sách công cộng duy trì thường xuyên.

Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội diễn ra sôi nổi, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã xuất bản bộ sách nói bằng tiếng DTTS gồm 7 câu chuyện về Bác Hồ với phụ nữ, Bác Hồ với đồng bào DTTS và được dịch, thu âm từ tiếng phổ thông sang 6 ngôn ngữ DTTS: Tày, Mông, Thái, Mường, Ê-đê, Khmer. Công tác xuất bản phim được quan tâm, đầu tư. Tổ chức sản xuất về phim tài liệu, chuyên đề về phong tục tập quán, lễ hội, những bản sắc đặc trưng của các dân tộc góp phần phổ biến, giới thiệu bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc, sự phát triển đi lên của các dân tộc trên nguyên tắc các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Hoạt động chiếu phim lưu động kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng DTTS đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào và hỗ trợ tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của đồng bào. Việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực công nghệ thông tin liên lạc được đẩy mạnh. Hiện nay, đường truyền dẫn cáp quang, dịch vụ thông tin di động đã đến 100% xã trong toàn quốc.

Đương nhiên, do điều kiện địa hình, địa lý khó khăn, phức tạp, các yếu tố bất lợi về khí hậu, thiên tai, cùng với đó là một số tập tục trong lối sống của bà con khiến việc thúc đẩy phát triển KT-XH, trong đó có tiếp cận thông tin với bà con DTTS còn những thách thức. Dù vậy, những khó khăn, thách thức đó là khách quan và không thể so sánh với vùng đồng bằng, thành thị để tạo ra “bức tranh khác biệt”, lấy cớ chỉ trích Đảng, Nhà nước. So sánh với chính đời sống của bà con DTTS hiện nay với trước đây để thấy sự thay đổi từng ngày và hãy để họ tự lên tiếng, phản ánh chứ không phải là bôi đen hiện thực để miệt thị, chống phá.

Nguồn tin: Báo CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây