Trong đó, có một số điểm mới cần lưu ý như sau:
Chưa nộp phạt nguội, tài xế không được cấp, đổi, cấp lại Giấy phép lái xe
Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo đó tại khoản 4, Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: “Chưa cấp, đổi, cấp lại đối với người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi người đó chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.
Đồng nghĩa với việc, từ ngày 01/01/2025, nếu tài xế vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị phạt nguội mà chưa nộp phạt sẽ bị từ chối cấp, đổi, cấp lại Giấy phép lái xe. Chỉ khi chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính xong mới được xử lý việc cấp, đổi, cấp lại Giấy phép lái xe.
Quy định mới về thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ trên ôtô đưa đón học sinh
Đây là quy định đáng chú ý tại Điều 46 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, xe ôtô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh. Phải trang bị thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Xe ôtô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật. Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ôtô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ôtô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
Lái xe ôtô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách. Luật cũng quy định, cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình.
Điểm vi phạm giao thông được thông báo trên VneID
Từ khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thì việc trừ điểm vi phạm an toàn giao thông hoàn toàn tự động và được kết nối với hệ thống VNeID, Cổng dịch vụ công quốc gia để thông báo cho người bị trừ điểm biết các hành vi đã bị trừ bao nhiêu điểm, số điểm còn lại bao nhiêu.
Để chuẩn bị thực hiện quy định này, Bộ Công an đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó có các hành vi vi phạm hành chính bị trừ điểm giấy phép lái xe. Với các hành vi đã bị trừ điểm, người vi phạm không bị tước giấy phép lái xe.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, lái xe sẽ bị trừ điểm khi phạm lỗi thuộc diện bị trừ điểm. Dữ liệu về điểm trừ sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.
Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó.
Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do cảnh sát giao thông tổ chức; kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Từ 01/01/2026, trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi cùng hàng ghế lái xe
Khoản 3, Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định: “Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em”.
Trước đây, Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định vị trí ngồi của trẻ trên ôtô cũng như ghế chuyên dụng kèm theo. Việc luật hóa vị trí ngồi và dùng ghế chuyên dụng giúp trẻ em được bảo vệ tốt hơn khi tham gia giao thông. Ở các quốc gia như Mỹ, châu Âu, quy định liên quan vấn đề này đã có từ lâu. Tại phần lớn các quốc gia, trẻ ngồi trên ghế riêng khi đi ôtô được khuyến nghị đặt ở ghế giữa của hàng ghế sau. Bởi vị trí trung tâm ở hàng ghế sau giúp trẻ tránh xa các túi khí, và cũng tránh khỏi những tác động tiềm ẩn khác nếu xảy ra va chạm.