Sáng đẹp hình tượng người chiến sĩ Công an qua các tác phẩm văn học

Thứ năm - 20/08/2020 02:50 1.802 0
Ðề tài về lực lượng Công an luôn là mảnh đất màu mỡ đối với các nhà văn nói chung và tác giả trong và ngoài lực lượng CAND nói riêng. 75 năm qua, đề tài văn học viết về CAND đã có sự tiếp nối, trưởng thành về nhiều mặt, từ những ngày đầu còn ít tác giả thì cho đến nay, đội ngũ các nhà văn đông đảo với nhiều thể loại văn học. Hình tượng người chiến sĩ CAND cũng đã trở thành một biểu tượng đa dạng trong sáng tác dưới cách nhìn đa chiều của các nhà văn.

75 năm qua, lực lượng CAND đã từng ngày lớn mạnh, thực hiện những trọng trách lớn giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội mà Đảng và nhân dân tin giao. Để tôn vinh chiến công của lớp lớp cán bộ chiến sỹ Công an đã chiến đấu, hy sinh vì an ninh Tổ quốc, sự bình yên cho mỗi người dân, cho mỗi mái nhà. Song hành với những chiến công, các tác phẩm văn học nghệ thuật cũng đã phản ánh kịp thời, trực diện và sâu sắc hình tượng người chiến sĩ CAND cùng song hành với lịch sử dân tộc. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra, tiền thân của lực lượng CAND đã cùng với toàn Đảng, toàn dân tộc tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, trong bão táp cách mạng đó, lực lượng CAND Việt Nam đã ra đời. 

Trải qua mỗi chặng đường cách mạng, lực lượng CAND Việt Nam luôn được củng cố và phát triển, từng bước trưởng thành và lớn mạnh, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó. 

Ngay từ khi mới ra đời, lực lượng CAND đã phải căng mình đấu tranh với thù trong giặc ngoài để bảo vệ thành quả cách mạng. Trong thời kỳ này, các tác phẩm văn học nghệ thuật đã phản ánh sinh động hình tượng cao đẹp về người chiến sĩ CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Thời kỳ này, nổi lên tác giả đầu tiên viết về văn học trinh thám đó là Phạm Cao Củng. Ông được coi là một trong những nhà văn trinh thám thành danh đầu tiên trong văn học Việt Nam với hơn 20 cuốn tiểu thuyết trinh thám được nhiều độc giả thời kỳ ấy mến mộ lần lượt được công bố trên tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy như:  "Vết tay trên trần" và "Gia tài nhà họ Đặng" (1937), “Máu đỏ lòng son” (1937), "Chiếc tất nhuộm bùn" (1938), "Người một mắt" (1940), "Kỳ Phát giết người" và "Nhà sư thọt" (1941), "Kỳ Phát cưới vợ", "Đôi hoa tai của bà Chúa", "Đám cưới Kỳ Phát” (cả ba tác phẩm này đều được công bố năm 1942)...

Nhà văn Nguyễn Đình Lạp làm công tác văn nghệ trong lòng Hà Nội tạm chiếm, sau đó sang Ty Công an Hà Nội. Ông có các tác phẩm: "Thanh niên trụy lạc" (phóng sự, 1937), "Chợ phiên đi tới đâu?" (phóng sự, 1937), "Những vụ án tình" (phóng sự, 1938), "Cường hào" (phóng sự, 1938), "Ngoại ô" (tiểu thuyết, 1941), "Ngõ hẻm" (tiểu thuyết, 1943). 

Truyện “Chiếc Valy” dựa trên sự thật về chuyên án của Tổ điệp viên mang bí số A13 và nguyên mẫu về chị Nguyễn Thị Lợi (SN 1911), quê ở Châu Phú, Châu Đốc, tỉnh An Giang, chị là nữ điệp viên của Công an Hà Nội đã hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ cùng tổ điệp báo A13 đánh đắm chiến hạm Amyot D'Inville vào sáng 27-9-1950 trên biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. 

Ngay sau sự hy sinh của chị Lợi, từ sự nhanh nhạy của một nhà báo, sự nhuần nhuyễn của một nhà văn và vượt lên tất cả còn do con mắt và tấm lòng của người cầm bút, Nguyễn Đình Lạp đã kịp thời phản ánh sự hy sinh của chị Lợi bằng hình tượng văn học thông qua nhân vật chị Lộc trong truyện “Chiếc Valy” (được xuất bản năm 1951). 

Từ đây, có thể nói nhà văn Nguyễn Đình Lạp là nhà văn đi đầu xung kích trong dòng văn học viết về đề tài an ninh trật tự và khắc họa hình tượng người chiến sĩ CAND bằng văn học, và văn học lúc này đã thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình nhằm góp phần cổ vũ, tuyên truyền cách mạng.

 
Cán bộ, chiến sĩ Công an hào hứng tham quan triển lãm sách.

Thông qua những tác phẩm văn học cách mạng như thế đã góp phần quan trọng vào những chiến công liên tiếp của quân và dân ta trong giai đoạn cách mạng này. Sự phát triển của dòng văn học về đề tài CAND bắt đầu có sự khởi sắc ở thời chống Mỹ, với sự xuất hiện tên tuổi của nhà văn Lê Tri Kỷ với các tiểu thuyết nổi tiếng thời bấy giờ như: "Cây đa xanh" (1961); "Phố vắng" (1965), "Một người không nổi tiếng" (1970), "Đất lạ" (1971), "Biển động ngày hè" (1976), "Những tiếng nói thầm" (1978), "Thung lũng không tên" (1971), "Sống chìm" (1984), "Câu lạc bộ chính khách" (1986 - 2 tập), "Không thiện không ác" (1988), "Cuộc tình thế kỷ" (1992). 

Ra đời từ trong bão táp của Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, được nhân dân giúp đỡ và sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng, lực lượng Công an đã tiến hành trấn áp bọn phản cách mạng, bắt và trừng trị hàng trăm phần tử nguy hiểm, tay sai của thực dân, đế quốc, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng mới thành lập. 

Chiến công mang dấu ấn lịch sử của lực lượng an ninh trong thời kỳ này là phá vụ án phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) ngày 12-7-1946, đập tan cuộc đảo chính lật đổ chính quyền nhân dân do liên minh phản cách mạng Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp tiến hành, đã là nguồn tư liệu quý giá để nhà văn Lê Tri Kỷ viết nên tác phẩm "Vụ án Ôn Như Hầu" sau này.

Sau nhà văn Lê Tri Kỷ, văn học về đề tài CAND đã có nhiều cây bút trong và ngoài lực lượng tham gia. Từ những người khởi đầu như: Thanh Đạm, Đặng Thanh, Hữu Mai, Lê Tri Kỷ, Nguyễn Trần Thiết, Triệu Huấn, Văn Phan, Ngôn Vĩnh... đến các cây bút sung sức ở độ tuổi trẻ hơn và bút lực còn dồi dào như Phan Quế, Tôn Ái Nhân, Hữu Ước, Phùng Thiên Tân, Thu Trang, Trần Diễn... với các tác phẩm ghi dấu đậm nét những chiến công của lực lượng CAND như: "X90 phá lưới", "Nhóm rắn lục", "Mũi tên 17", "Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn", "Ông cố vấn", "Oan trái, Sao đen", "Không thiện không ác", "Cuộc tình thế kỷ", "Điệp viên giữa sa mạc lửa", "Đen vỏ đỏ lòng", "Vòng nguyệt quế cô đơn", "Tôi đi làm tình báo", "Điệp viên nhảy dù", "Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D'Inville", "Người bị từ chối", "Xung đột âm thầm", "Người không mang họ", "Đứa con lạc mẹ"... 

Những tác giả thời kỳ này đã ghi dấu ấn với sự phát triển văn học đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an tổ chức. Từ những tác phẩm non trẻ của thời kỳ đầu, đến sau năm 1975 năng lượng sáng tạo, tài nghệ cùng sức lao động nghệ thuật bền bỉ của các nhà văn đã làm đầy đặn di sản văn chương về đề tài Công an, đưa chủ đề văn học này có vị trí trong nền văn học Việt Nam, trở thành đề tài chuyển thể thành điện ảnh, sân khấu của nhiều tác giả, nhiều nhà hát và đoàn kịch trong nước. 

Hội thảo văn học với chủ đề “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức lần đầu tiên vào ngày 12-2-1993 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là cuộc hội thảo gây được tiếng vang trong dư luận, có ý nghĩa tích cực trong sự tác động nhận thức, thúc đẩy phong trào, nâng cao chất lượng trang viết của những cây bút thuộc lực lượng CAND. 

Sau  4 lần tổ chức cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài này (1999-2002; 2007-2010; 2012-2015 và 2017-2020) cũng như 4 lần tổ chức cuộc thi “Cây bút vàng” do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn, Báo CAND và Nhà xuất bản CAND tổ chức đã tạo nên các tác phẩm có giá trị, phản ánh sinh động các hoạt động của lực lượng CAND, xây dựng hình tượng người chiến sỹ CAND trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đấu tranh với những quan điểm sai trái, cái nhìn thiên lệch, tiêu cực về người chiến sỹ CAND, nhất là trong giai đoạn hiện tại. 

Các cuộc thi đã thu hút được nhiều nhà văn, nhiều cây bút tên tuổi trong và ngoài lực lượng, đặc biệt là những cây bút trẻ như: Di Li với “Trại hoa đỏ”, Nguyễn Đình Tú với “Cô Mặc Sầu”, Phong Điệp với “Vực Gió”, Phan Đình Minh với “Tấm huân chương”, Đào Trung Hiếu với “Bão ngầm”, Nguyễn Thế Hùng với “Rượu đắng”, Chu Thanh Hương với “Hoa bay”...

75 năm văn học CAND đang có những khởi sắc mới, các tác phẩm phản ánh được đa dạng đời sống, chiến đấu của người chiến sĩ CAND, những khó khăn gian khổ, hiểm nguy mà cán bộ, chiến sĩ CAND phải đối mặt trong tình hình hiện nay. Có thể khẳng định, những tác phẩm viết về đề tài CAND đã tạo được nhiều dấu ấn trong chặng đường Văn học Việt Nam.

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây