Những kỷ lục ở phiên tòa xét xử Công ty địa ốc Alibaba

Thứ tư - 14/12/2022 21:59 386 0
Ngày 8/12/2022, TAND Tp Hồ Chí Minh đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền do Nguyễn Thái Luyện, chủ tịch Công ty cổ phần địa ốc Alibaba chủ mưu, cầm đầu. Phiên tòa này thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của vụ án về lĩnh vực bất động sản mà còn từ những con số kỷ lục trong lịch sử tối tụng.

Những con số kỷ lục

Đây có lẽ là phiên tòa tạo lập được nhiều kỷ lục với nhiều cái nhất: Gần 5.000 người tham gia tố tụng, trong đó riêng số người được xác định là bị hại hơn 4.000 người, hàng trăm người liên quan được triệu tập cùng với số tiền chiếm đoạt là hơn 2.000 tỷ đồng.

Về hồ sơ vụ án với khoảng 1 triệu bút lục, được đựng trong 140 chiếc thùng, vận chuyển bằng 2 xe tải. Quá trình nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị cho việc xét xử, tòa phải thành lập tổ giúp việc gồm 4 thẩm phán và 4 thư ký. Đại diện viện kiểm sát có 3 kiểm sát viên và nhiều thành viên dự khuyết khác.

Tham gia phiên tòa có hơn 42 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho các bị hại, người có quyền nghĩa vụ liên quan.

Những kỷ lục ở phiên tòa xét xử Công ty địa ốc Alibaba -0
Rất đông bị hại được triệu tập ngày 12/12.

Trong qua trình xét xử, tòa cho triệu tập bị hại theo từng đợt và theo từng dự án, vì vậy lượng bị hại chia ra trong nhiều ngày chứ không tập trung tất cả các ngày, vì vậy tòa sẽ không bị quá tải. Tòa cũng cho lắp đặt các camera đặt tại khu vực 3 nhà bạt để truyền hình ảnh trực tiếp từ phiên tòa ra ngoài sân để các bị hại theo dõi. Các bị hại sẽ từ bục khai báo và camera ở các nhà bạt này cung cấp thông tin, chứ không phải vào phòng xử.

Công tác hậu cần cũng được TAND TP Hồ Chí Minh chuẩn bị chu đáo. Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của hàng ngàn con người, làm việc liên tục gần một tháng, tòa đã bố trí nước uống miễn phí tại các khu vực diễn ra phiên xử, ngoài ra, tòa cũng lắp đặt thêm các nhà vệ sinh lưu động.

Đương nhiên, với không gian có hạn, số lượng người tham dự phiên tòa đông, ngoài gần 5.000 người tham gia tố tụng, lực lượng bảo vệ, TAND TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các cơ quan chức năng quận 1 đề nghị CSGT, lực lượng thanh niên xung phong hỗ trợ, hướng dẫn chỗ gửi xe cho các bị hại và người tham dự phiên tòa, có điều giá gửi xe... hơi cao, 10.000/lượt.

Các bị cáo ra tòa lần này ngoài Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba) còn có 22 đồng phạm. Trong số các đồng phạm có Võ Thị Thanh Mai (SN 1987, vợ Luyện) cùng 2 em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, em ruột Luyện) và Nguyễn Thái Lực (SN 1999, Trợ lý Chủ tịch HĐQT, em ruột Luyện). Trong đó Nguyễn Thái Luyện và 18 bị cáo khác bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vợ và em trai, Nguyễn Thái Lực của Luyện bị truy tố hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Riêng Kế toán trưởng Công ty Alibaba Huỳnh Thị Kim Thắng bị truy tố về tội “Rửa tiền”.

Những kỷ lục ở phiên tòa xét xử Công ty địa ốc Alibaba -0
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa.

Chiếm đoạt hơn 2.200 tỷ đồng từ lừa bán đất “dự án ma”

Theo các bị hại, họ đều được nhân viên bán hàng của Công ty Alibaba giới thiệu các dự án đều có pháp lý đầy đủ; đất bán là đất thổ cư, giá rẻ, gần sân bay quốc tế Long Thành, gần khu công nghiệp, gần trường học và các khu tiện ích khác, thanh khoản tốt, thanh toán linh hoạt, dễ sinh lời, đồng thời có nhiều quyền chọn. Các bị hại trực tiếp đến công ty để tìm hiểu thêm, thì thấy công ty có trụ sở bề thế, nhân viên nhiều, quy mô công ty lớn và có nhiều khách hàng khác đang giao dịch mua bán đất của công ty nên an tâm tin tưởng. Việc chọn mua là dựa trên bản vẽ trên giấy, không chọn trên thực địa. Trước khi ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty Tia Chớp, một số bị hại được công ty dẫn đi xem đất nơi sẽ lập dự án, đều xác định hiện trạng là đất trống hoặc đất trồng cây, không có hạ tầng, không có nhà, có khi họ được dẫn vào... rừng để xem đất. Trong buổi thẩm vấn và xác minh các bị hại ngày 12/12, nhiều bị hại mong muốn được nhân lại số tiền đã đầu tư. Người thì yêu cầu nhận cả gốc lẫn lãi, nhưng cũng có bị hại yêu cầu được nhận đất cho dù đó là đất nông nghiệp...

Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện là người chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ quá trình hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma”. Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Đa phần khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo. Toàn bộ dự án dân cư được tự vẽ trái phép mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, đây không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo. Cơ quan chức năng kết luận, bằng các thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 khách hàng.

Những kỷ lục ở phiên tòa xét xử Công ty địa ốc Alibaba -0
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa kiểm tra giấy triệu tập của người tham dự.

Là người đầu tiên trả lời câu hỏi của HĐXX, Nguyễn Thái Luyện khai toàn bộ số đất nông nghiệp Luyện mua là đất nông nghiệp quy hoạch đất ở, sau đó về tách thửa. Luyện khai, để thực hiện tách thửa đất nông nghiệp, có 2 cách đó là nhờ các mối quan hệ để đi xin và vận dụng vào Luật Đất đai để tách thửa. Theo lời khai của Luyện, bình quân mỗi tháng công ty bán từ 1.500-2.000 sản phẩm.

Luyện thừa nhận là người chỉ đạo xuyên suốt mọi hoạt đông của 22 công ty con. Đối với những người đại diện pháp luật không được nhận quyền lợi từ các công ty này mà nhận từ Công ty Alibaba. Tiền thu chi từ 22 công ty con đều nộp về Công ty Alibaba. Con dấu của các công ty này do bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) quản lý.

Có một chuyện khá bi hài trong vụ án này, đó là hầu hết các bị cáo ra tòa có trình độ học vấn chỉ mới hết THPT nhưng đều đảm nhận các chức vụ quan trọng trong Công ty Alibaba, như tổng giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông, pháp lý, bán hàng... Nhiều bị cáo được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh, công ty con trong “hệ sinh thái” Alibaba với những cái tên rất kêu như Công ty Chiến Binh Thép, Công ty Tia Chớp, Công ty Chiến Thắng... Như Nguyễn Thái Lĩnh trình độ 12/12 nhưng được anh trai bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Alibaba. Nguyễn Thái Lực được bổ nhiệm làm Trợ lý Chủ tịch HĐQT khi chưa tròn 20 tuổi và đang là nhân viên... bán cà phê tại quán cà phê của anh trai. Trước tòa, Nguyễn Thái Lực không nhớ chức vụ của mình. Lực nói rút tiền là làm theo chỉ đạo của chị dâu. Lực cũng không sử dụng vào mục đích cá nhân, không biết nguồn tiền do phạm tội mà có. Về hành vi lừa đảo, Lực thừa nhận những gì cáo trạng nêu. Nhưng, theo Lực, do tuổi trẻ, không hiểu pháp luật lại tin vào anh trai do vậy không biết đó là lừa đảo.

Những kỷ lục ở phiên tòa xét xử Công ty địa ốc Alibaba -0
Các bị cáo tại tòa ngày 12/12.

Hầu hết các bị cáo là giám đốc công ty con, chi nhánh chỉ trong “hệ sinh thái” Alibaba khai rằng họ được “đóng” chức giám đốc chỉ để đứng tên dự án, bán hàng chứ hoàn toàn không biết gì hoạt động của Alibaba. Có bị cáo được bổ nhiệm làm giám đốc nhưng không có nhân viên. Các bị cáo khi ký hợp đồng mua bán đều không biết đất chuyển nhượng là đất gì, nông nghiệp hay trồng cây lâu năm. Theo các bị cáo, mọi việc đã có bộ phận pháp lý do Trang Chí Linh (SN 1991, nguyên Phó tổng Pháp lý Công ty Alibaba)... giải quyết. Nhưng, khi trả lời HĐXX, Trang Chí Linh khai rằng, mọi việc đều làm theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện.

Khi đại diện viện kiểm sát yêu cầu Huỳnh Thị Ngọc Như giải thích rõ “phương pháp sale phone”. Bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như trả lời đó cách gọi điện thoại cho khách hàng để chào bán đất dự án. Về tần suất, cách thức cụ thể thì bị cáo Như im lặng hoặc “không nhớ”, “không hiểu” về “phương pháp treo đầu dê, bán thịt chó” và “phương pháp truy sát khách hàng”, dù HĐXX đã cung cấp “cẩm nang” này cho Như đọc lại. Huỳnh Thị Ngọc Như bao biện rằng mình chỉ có nhiệm vụ truyền đạt, nếu nhân viên thấy phù hợp thì làm còn bản thân mình không áp dụng những phương pháp đó. Về việc tổ chức họp báo vào ngày 19/9/2019 để phát trực tiếp trên YouTube với thông tin sai sự thật, che giấu khách hàng về sai phạm của Nguyễn Thái Luyện ngay sau khi Cơ quan CSĐT thi hành lệnh bắt bị can, khám xét trụ sở Công ty Alibaba và các chi nhánh, Như phủ nhận và cho rằng mọi việc làm theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện từ trước đó.

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây