Ngày 1/8, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an tổ chức Hội thảo bàn giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng, đường dây, nhóm tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên tuyến biên giới, không gian mạng, dịch vụ bưu chính, phương tiện giao thông.
Báo cáo tại hội thảo cho biết, từ đầu năm 2022 đến ngày 15/7, toàn quốc đã bắt giữ 1.466 vụ vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, với 2.658 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2021, tăng 3,4% số vụ, tăng 14% số đối tượng.
Đối với vi phạm về pháo, từ đầu năm 2022 đến ngày 15/7, toàn quốc đã bắt giữ 2.826 vụ, 3.332 đối tượng, thu 18.038kg pháo, so với cùng kỳ năm 2021, giảm 32,7% số vụ, 32,5% số đối tượng, 28,3% số kg pháo.
Các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hệ lực lượng, Công an các địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình CAND xây dựng, phát 45 phóng sự, đăng 98 tin, bài viết tuyên truyền; phối hợp với Công an 22 địa phương xây dựng mô hình điểm và tổ chức truyền thông, tuyên truyền tại địa bàn cơ sở.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các Cục nghiệp vụ, Công an các địa phương đã tập trung thảo luận làm rõ một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và trao đổi các bài học kinh nghiệm, cách làm hay, đưa ra các giải pháp cần tổ chức triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng, đường dây, nhóm tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên tuyến biên giới, không gian mạng, dịch vụ bưu chính, phương tiện giao thông trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Đại tá Ngô Như Cường nhấn mạnh, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng ngoài ngành Công an tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Nhất là các địa phương có tuyến biên giới, cần chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển tổ chức rà soát, xác định đối tượng nghi vấn trên tuyến, địa bàn trọng điểm để có biện pháp đấu tranh, bắt giữ; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên tuyến biên giới, các cửa khẩu, cảng biển, đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các đối tượng, đường dây, nhóm tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo...
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân
Ý kiến bạn đọc