Sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Thứ hai - 01/04/2024 04:21 177 0
Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân trước các hành vi vi phạm pháp luật mua bán người.
Quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người từ năm 2012 đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Toàn quốc đã khởi tố 1.744 vụ với 3.059 bị can; tiếp nhận và hỗ trợ 7.962 nạn nhân của tội phạm mua bán người; từ kết quả nêu trên cho thấy, việc thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người giúp kéo giảm loại tội phạm này và hạn chế thấp nhất tệ nạn mua bán người xảy ra trong nước và liên quan yếu tố nước ngoài, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Sau 12 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập, vướng mắc trong công tác phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; công tác tiếp nhận thông tin, việc xác định, bảo vệ, chính sách hỗ trợ nạn nhân và nguồn lực bảo đảm chưa phù hợp với thực tiễn…; công tác hợp tác quốc tế về đấu tranh với tội phạm mua bán người có mặt còn hạn chế… Ngoài ra, một số nội dung của Luật chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể: (1) Một số quy định của Luật không còn phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung  năm 2021) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; (2) Nạn nhân mua bán người xác định theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người được xác định theo quy định tại Điều 119, Điều 120 của Bộ luật Hình sự năm 1999, Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Tuy nhiên, quy định về tội phạm mua bán người tại Điều 150 và Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự đã có sự thay đổi; (3) Quy định về mua bán người, nạn nhân bị mua bán chưa tương thích với Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; (4) Công tác phát hiện các vụ việc liên quan đến mua bán người còn chưa chủ động, hầu như chủ yếu phát hiện qua đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân; (6) Chế độ hỗ trợ những người đang trong quá trình xác định là nạn nhân hoặc nạn nhân chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
Từ những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan, đảm bảo khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành các quy định của Luật Phòng, chống mua bán người hiện nay; đồng thời đáp ứng tốt hơn công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới./.
(ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Tác giả: Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Phú Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây