Tâm lý sỹ diện "uống nhiều vẫn lái tốt" còn phổ biến

Thứ ba - 09/08/2022 21:28 552 0
Khi vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng do tài xế vi phạm nồng độ cồn gây ra ở Bắc Giang làm 3 người trong một gia đình thiệt mạng chưa qua đi, chúng ta lại chứng kiến vụ TNGT thảm khốc làm 3 người chết, 8 người bị thương ở Khánh Hoà vào giữa tháng 7 vừa qua cũng do tài xế uống rượu gây ra.

Sau hơn 2 năm thực thi Nghị định 100/2019/NĐ-100 (Nghị định 100) của Chính phủ, với mức phạt tăng nặng rất cao, lên tới 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô và 8 triệu đồng với người điều khiển xe máy, thời gian đầu người dân đã chấp hành tương đối tốt. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, lại xuất hiện tình trạng lơ là và chủ quan, hằng ngày, hằng giờ vẫn còn phổ biến người uống rượu bia vẫn lái xe.

Lái xe nào vi phạm cũng “tôi uống rất ít”

Có mặt tại khu vực Nguyễn Hữu Thọ – Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội vào đầu giờ chiều một ngày đầu tháng 8, chúng tôi chứng kiến nhiều “ma men” sau cuộc nhậu đã bị tổ CSGT xử lý nồng độ cồn của Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội “tuýt còi” vào kiểm tra. Một người đàn ông trên 50 tuổi cho biết, sau ca làm, anh chỉ uống 2 lon bia với đồng nghiệp, thế mà kiểm tra nồng độ cồn, lại vượt ngưỡng gần 30%. Khuôn mặt đỏ gay, giọng nói lè nhè, anh này luôn miệng: “Tôi không bao giờ uống bia buổi trưa, hôm nay nắng nóng mới làm 2 cốc cho mát, nào ngờ lại bị xử lý”.

Hậu quả tàn khốc khi “ma men” cầm lái: Tâm lý sỹ diện
Tổ xử lý vi phạm Đội CSGT số 14 Công an TP Hà Nội tăng cường kiểm tra nồng độ cồn sau giờ “nhậu”.

4 người điều khiển xe máy khác khi bị “tuýt còi” vào kiểm tra đều có nồng độ cồn vượt mức quy định. Quanh khu vực Linh Đàm có nhiều nhà hàng, quán ăn, nhiều người sau cuộc “nhậu” khi ra về đều lái xe máy hoặc ôtô như một mặc định, rất hiếm người gọi phương tiện công cộng. Một anh chở vợ đằng sau khi được kiểm tra nồng độ cồn cho biết: “Tôi chỉ uống có tí thôi, không ngờ lại say”. Trong khi đó, tâm lý sỹ diện "uống nhiều vẫn lái tốt" còn phổ biến, vì thế nhiều người uống say vẫn cầm lái, bất chấp sự khuyên can của người khác.

Từng chứng kiến nhiều trường hợp sau khi ra khỏi nhà hàng say xỉn, khi bị CSGT tuýt còi đã không dắt nổi xe, các chiến sĩ phải dắt xe hộ, nhưng khi đo nồng độ cồn vượt ngưỡng, lập biên bản xử lý vẫn chống chế “tôi không uống rượu” và nhất quyết không chịu ký vào biên bản. “Những trường hợp này chúng tôi phải chờ cho họ tỉnh rượu mới tiếp tục làm việc được”, một chiến sĩ CSGT Đội 14 cho biết.

 Theo Đại uý Đinh Đức Hiệp, Tổ trưởng Tổ công tác xử lý nồng độ cồn, Đội CSGT số 14, từ sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia không giảm. Nguyên nhân do ý thức người dân chưa nâng cao, quán ăn mọc lên nhiều, sau dịch người dân xả hơi và chủ quan hơn. Qua kiểm tra, đa số các trường hợp vi phạm đều có kết quả đo nồng độ cồn vượt ngưỡng từ 30-50%. “Chế tài xử phạt là tước giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện, đa số phạt ở mức trung bình, nhưng có trường hợp chúng tôi đã áp dụng mức phạt cao nhất là 35-40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô và 7 triệu đồng người điều khiển xe máy”, Đại uý Hiệp cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó đội trưởng Đội CSGT số 14 cho hay, do địa bàn quản lý có 2 bến xe, khu đô thị Linh Đàm, Định Công… nơi có nhiều nhà hàng, quán nhậu, đông dân cư nên thường xuyên có một tổ CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Từ đầu năm 2022 đến nay, Đội CSGT số 14 đã xử lý 216 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 216 phương tiện, tổng số tiền phạt hơn 872 triệu đồng. Trong quá trình kiểm tra, xử lý, có một số trường hợp không chấp hành, chống đối, hầu như ai cũng nói “mình chỉ uống một cốc” nhưng khi đo đều vượt ngưỡng rất cao.

Bổ sung biện pháp phạt lao động công ích?

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều địa phương, khi bị lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn, nhiều tài xế tỏ thái độ khó chịu, không tuân thủ yêu cầu, thậm chí bỏ phương tiện giữa đường rồi rời đi. Tổ công tác phải niêm phong phương tiện, đưa về bãi tạm giữ.

Thêm vào đó, do luật quy định, lúc xảy ra tai nạn, tài xế chưa cần phải trình diện, nhiều người đã lợi dụng vào điều này và bỏ đi, lâu sau mới quay về, lúc này đã hết rượu, đo nồng độ cồn trong máu không còn.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT cho biết, Nghị định 100 ra đời tăng chế tài xử phạt, như mức phạt nồng độ cồn khung cao nhất đối với ôtô là 40 triệu đồng, môtô 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe cao nhất lên 24 tháng, đã tạo hiệu ứng tâm lý rất lớn cho người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thực hiện Nghị định 100 gặp khó khăn vì lực lượng CSGT tham gia chống dịch, người dân ở nhà. Khi đất nước bước vào bình thường mới, các hoạt động kinh tế - xã hội khôi phục trở lại, người dân ra đường có tâm lý thoải mái sau COVID-19, văn hoá rượu bia đã ăn sâu vào nếp sống, quên Nghị định 100, dẫn đến gia tăng tình trạng uống rượu bia vẫn tham gia giao thông. Những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng hầu như tài xế gây tai nạn đều có nồng độ cồn.

Theo báo cáo của Cục CSGT, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 131 vụ TNGT có nguyên nhân do rượu bia, bằng 3,86% tổng số vụ TNGT đường bộ (5.637 vụ, làm chết 3.240 người). “Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ trong 6 tháng đầu năm, đã xử phạt 1.03.848 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 7,7% tổng số vi phạm về TTATGT. Trung bình 1 ngày, lực lượng CSGT trên cả nước xử phạt 600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Riêng từ ngày 20/6, thực hiện kế hoạch của Bộ Công an mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT, mỗi ngày lực lượng CSGT xử lý từ 900 – 950 trường hợp vi phạm nồng độ cồn”, Đại tá Nhật cho biết.

Đánh giá về sự gia tăng các trường hợp uống rượu bia vẫn tham gia giao thông, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, tư duy của người tham gia giao thông là tiện, đi làm cũng sử dụng phương tiện cá nhân, uống rượu bia xong cũng đi phương tiện cá nhân về mà rất ít sử dụng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn chủ quan ngồi trên xe do người uống rượu điều khiển, nghĩ rằng TNGT là ở đâu đó chứ không xảy ra với mình… Lực lượng chức năng dù xử phạt rất nhiều nhưng còn gặp khó khăn như người vi phạm say rượu cãi, chống đối; xử lý xác suất; ý thức của người dân chưa thay đổi…

"Đã đến lúc người dân phải có sự tự giác, thay đổi ý thức, rất nhiều bài học đã để lại hậu quả đau xót và tàn khốc do uống rượu bia vẫn lái xe gây ra, nên đừng ai nghĩ TNGT là của ai đó, ở ngoài kia mà sẽ không xảy ra với chính mình, với người thân của mình để rút kinh nghiệm không phạm phải”, Đại tá Nhật nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Quang Hùng (Hà Nội), để người dân tuân thủ Luật Giao thông, trong xử phạt vi phạm hành chính nên khôi phục lại lao động công ích, để cho người vi phạm ngoài bị xử lý hành chính, thì phải lao động công ích ở bệnh viện, chứng kiến các nạn nhân bị TNGT mới có tính răn đe.

Từ hàng trăm vụ TNGT do rượu bia gây ra mỗi năm, từ hậu quả rất nghiêm trọng và đau đớn của nó để lại, TS.BS Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức nhấn mạnh: “Khi đã tham gia giao thông không được phép uống rượu bia, tránh gây ra tàn tật cho chính mình và cho người tham gia giao thông xung quanh, để lại gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội”.

  •  

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây