Ban hành Luật Dữ liệu trong thời điểm hiện nay là yêu cầu cấp thiết

Thứ ba - 09/04/2024 00:51 198 0
Chuyển đổi số được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm với nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng trên các lĩnh vực… mới có thể đáp ứng yêu cầu sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
 Với quyết tâm chính trị cao, Đảng ta đã ban hành một số Nghị quyết  mang tính định hướng như: (1) Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nêu “Khuyến khích đầu tư, phát triển xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn; đẩy mạnh phát triển khoa học phân tích, quản lý dữ liệu lớn nhằm tạo ra các sản phẩm, tri thức mới”; (2) Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định: phát triển công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử- viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn); (3) Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định: đưa Việt nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực. Xây dựng các trung tâm dữ liệu gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế; phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quốc gia tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam”…
Hiện nay, việc phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được Cơ sở dữ liệu quốc gia; một số Cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu tCơ sở DLQG về DC giữa các bộ, ngành, địa phương… đạt hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý nhà nước, góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm được thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp…
Bên cạnh một số kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: (1) Hiện nay các quy định pháp luật, hầu hết đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu; chưa có văn bản luật nào quy định về các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, điều chỉnh các nền tảng phát triển, ứng dụng dữ liệu đang có xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối, công nghệ truyền thông dữ liệu, công nghệ Internet vạn vật và công nghệ dữ liệu lớn…; (2) Một số bộ, ngành chưa có đủ cơ sở hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho các công tác nghiệp vụ; (3) Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa được chuẩn hóa, thống nhất về tiêu chuẩn, danh mục nên không có khả năng kế thừa, khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dùng chung; (4) Các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn, không bảo đảm mức độ an ninh, an toàn hệ thống, an ninh thông tin..; (5) Một số bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh an toàn thông tin do chưa thực sự quản lý, kiểm soát được dữ liệu nhà nước trên hạ tầng của doanh nghiệp; (6) Nhân lực vận hành, quản trị các hệ thống thông tin vừa thiếu, vừa yếu; (7) Các cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ chưa được xây dựng đầy đủ; (8) Nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Mặt khác, thời gian qua, công tác bảo vệ dữ liệu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn, lúng túng, chưa hiệu quả; còn xảy ra tình trạng lộ, lọt, mất dữ liệu thông tin của tổ chức, cá nhân..; Nổi lên trong thời gian gần đây là các nhóm tin tặc, các loại tội phạm, phần tử xấu triệt để lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trên để tấn công vào các lỗ hổng bảo mật của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt thông tin, dữ liệu, mã hóa dữ liệu, chuyển giao dữ liệu trái phép… đã tác động ảnh hưởng đến hoạt động, điều hành của cơ quan Nhà nước…, hoặc có các hành vi chiếm đoạt, đòi tiền chuộc, mua bán dữ liệu cá nhân hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại lớn về kinh tế…
Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Do vậy, việc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia gắn với dữ liệu  cá nhân và các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số… đồng thời phải có hệ thống pháp luật chuyên biệt, đủ mạnh để bảo vệ an ninh thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trên không gia mạng trước sự tấn công của các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia.
Do đó, việc xây dựng Luật Dữ liệu hiện nay là yêu cầu cấp thiết, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế nêu trên và thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.

Tác giả: Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Phú Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây