Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, địch tổ chức phản kích quyết liệt, kiểm soát rất gắt gao, chặt chẽ cả nội thị, đặc biệt là vùng giáp ranh, làm cho một số đồng chí lãnh đạo và lực lượng bộ đội bị hy sinh, cán bộ hoạt động hợp pháp và cơ sở của ta bị lộ, địch ra sức bắt bớ, tra tấn, giam cầm gây cho lực lượng ta nhiều tổn thất. Chúng tập trung càn quét đánh phá ác liệt, giành dân lấn đất, các tình báo viên, gián điệp, ấp tề ngụy đóng chốt dày đặc ở các vùng lân cận thị xã, thị trấn phục kích bắt bớ, sát hại dân lành làm cho nhân dân ta vô cùng hoang mang lo sợ, gây nhiều khó khăn cho lực lượng cách mạng ta lúc bấy giờ. Đội nữ biệt động tại Giao lưu nghệ thuật “Viết tiếp những chiến công” do Công an tỉnh Phú Yên tổ chức
Trước tình hình nguy cấp đó, Quân khu 5 chỉ đạo các tỉnh miền Trung phải thành lập ngay Đội Biệt động thành để đánh sâu vào lòng địch, tiêu diệt và làm suy yếu lực lượng địch, góp phần xây dựng lại lực lượng cách mạng để tiếp tục kháng chiến. Do đó, Tỉnh ủy Phú Yên đã quyết định giao cho Ban An ninh tỉnh Phú Yên thành lập ngay Đội Biệt động thành. Tháng 2-1968, Ban An ninh tỉnh Phú Yên đã tiến hành tuyển chọn, rút một số chị em ưu tú xuất sắc đang hoạt động ở các huyện, thị để thành lập Đội Biệt động.
Những ngày đầu thành lập, Đội Biệt động gồm 16 đồng chí: Lê Thị Minh Hãnh, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Hà Thị Hồng Phấn, Nguyễn Thị Minh Hạnh, Duyên, Ngọc, Chẩm, Lưu, Nhành, Sáu, Hồng Cao, Hồng Chút, Hiếu, Phận, Siêng. Đội Biệt động do đồng chí Nguyễn Thị Thu làm Đội trưởng, đồng chí Lê Thị Minh Hãnh làm Chính trị viên và Bí thư Chi bộ Đội Biệt động. Để đáp ứng được nhiệm vụ chính trị do cấp trên giao, Đội Biệt động được tổ chức huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ và võ thuật trong thời gian 2 tháng tại vùng núi huyện Sơn Hòa dưới sự giảng dạy của các đồng chí Nguyễn Thành Đồng (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, nay đã nghỉ hưu), Nguyễn Kim Vang (đã hy sinh, năm 1976 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), Lê Chi Tám (bị bệnh mất năm 1999).
Ngày bế mạc khóa học, 6 đồng chí có thành tích học tập xuất sắc được tổ chức chọn cử biểu diễn võ thuật cho các đồng chí lãnh đạo xem đánh giá kết quả. Mỗi đồng chí trong đội đều được tổ chức trang bị 01 khẩu súng ngắn, đạn, lựu đạn, mìn hẹn giờ, dao găm, trang phục hóa trang… Đồng chí Lê Thị Minh Hãnh vinh dự thay mặt Đội Biệt động đọc tuyên thệ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đội Biệt động do đồng chí Hoài Nam, Phó Ban An ninh tỉnh Phú Yên trực tiếp theo dõi chỉ đạo. Đến cuối năm 1969, Ban An ninh tỉnh Phú Yên quyết định bổ sung thêm vào Đội 01 đồng chí nữ là cán bộ của Ban An ninh tỉnh - Nguyễn Thị Thu Liễu. Như vậy, Đội Biệt động tổng cộng là 17 đồng chí. Nhiệm vụ của Đội Biệt động là tổ chức các hoạt động diệt ác phá kìm ở vùng nông thôn, đô thị, các cứ điểm của địch, tiến công chính trị làm suy yếu, tan rã hàng ngũ địch, nhất là tiêu diệt bằng được bọn ác ôn, gián điệp tình báo CIA, Phượng Hoàng, Thiên Nga, liên gia ấp trưởng, thám báo, mật vụ, chỉ điểm, mật báo viên, bọn bình định nông thôn, bọn cảnh sát Sài Gòn có nợ máu với cách mạng và nhân dân. Đội còn có nhiệm vụ lựa chọn những quần chúng tốt, có cảm tình với cách mạng, xây dựng mạng lưới cơ sở mật để nắm tình hình, tìm cách tiêu diệt địch và góp phần tạo điều kiện cho việc xây dựng phát triển lực lượng cách mạng hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền.
Ngay sau khi kết thúc huấn luyện, Đội Biệt động đã mưu trí dũng cảm thực hiện 80 trận đánh, táo bạo, “xuất quỷ nhập thần”, tiêu diệt trên 200 tên tình báo, gián điệp và bọn lính Mỹ, lính Sài Gòn… và phối hợp cùng bộ đội huyện, tỉnh, bộ đội chủ lực đánh địch giữa ban ngày ở khắp các địa bàn tỉnh như Hoà Thắng, Hoà Định, Hoà Quang và ấp Thanh, Minh Đức, Ngọc Phong, xã Hoà Kiến. Nổi bật nhất là chiến công tiêu diệt Hạnh - Trưởng lưới tình báo (biệt danh “Thiên Nga”). Tên này là con một đối tượng phản cách mạng được CIA huấn luyện trở thành một mật vụ ác ôn nguy hiểm, từng gây nhiều tội ác với cách mạng.
Khoảng 15 giờ một ngày tháng 3/1969, được tin báo từ cơ sở về thời gian và địa điểm Hạnh sẽ xuất hiện, đồng chí nữ biệt động đóng vai người đi buôn nông thổ sản với 2 cây súng, 2 quả lựu đạn giấu trong người. Nhận ra Hạnh đi cùng 2 tên lính, từ một quán nước bên đường, đồng chí nữ biệt động bước ra. Vừa giáp mặt nó, đồng chí rút cây súng colt, nã đạn. Hạnh trúng đạn ngã nhào. Đồng chí nữ biệt động lấy bản cáo trạng phủ lên mặt hắn. Bọn lính đi cùng Hạnh ào tới vây bắt đồng chí nữ biệt động. Đã có sự chuẩn bị trước, dân hai bên đường ùa ra rất đông vờ chứng kiến vụ án mạng, nhưng chính là để bảo vệ đồng chí nữ biệt động. Lẫn trong đám đông, đồng chí nữ biệt động chạy vào một ngõ ngách gần đấy, cởi phăng chiếc áo ngoài đang mặc dúi vào bụi cây. Địch bủa vây lùng sục khắp nơi, nhưng được cở sở và dân đùm bọc, chở che, đồng chí đã rút lui về căn cứ an toàn. Những ngày tháng tiếp sau đó, đội đã thực hiện thành công kế hoạch tiêu diệt 2 tên mật báo viên nguy hiểm của CIA, đưa về nằm vùng ở ấp Phước Hậu, ấp Thanh, Minh Đức, Ngọc Phong. Tháng 10/1969, nhiệm vụ được giao cho một đồng chí nữ biệt động đóng vai là người tình của 2 tên lính ngụy do hai đồng chí An ninh vũ trang của ta cải trang. Sự cợt đùa lả lơi của ả người tình cộng với sự ngây dại của hai tên lính ngụy do ta thủ vai đã giúp cả ba đột nhập vào cơ sở của bọn mật báo viên mà không bị địch phát hiện.
Để tránh làm kinh động bọn địch, ta đã dùng lưỡi lê súng và dao găm tiêu diệt hai tên mật báo viên. Sau khi Hạnh và hai tên mật báo viên bị tiêu diệt, chính quyền địa phương của địch vô cùng hoang mang lo sợ, không dám hoành hành như trước. Tình hình thị xã Tuy Hòa được ổn định, cán bộ bộ đội và cơ sở đi lại hoạt động bình thường, quần chúng rất phấn khởi tin tưởng vào cách mạng.
Tiếp đó, thực hiện chủ trương của Ban An ninh tỉnh Phú Yên và Thị ủy thị xã Tuy Hoà về việc tấn công trừng trị bọn ác ôn tại hang ổ của chúng trong lòng thị xã, thị trấn, một nữ biệt động cùng với cơ sở mật, dùng mìn hẹn giờ đánh vào rạp Đại Nam, rạp Diên Hồng, nơi địch thường tổ chức họp, tiêu diệt 30 tên. Chiến sĩ của đội còn dùng mìn hẹn giờ đánh vào trụ sở ấp Phước Hậu, ấp Bình Lợi, ty cảnh sát, sân bay khu chiến, trục lộ cây số 3, quốc lộ 1A, diệt 29 tên ác ôn; trong đó có nhiều tên ác ôn khét tiếng, rồi ném lựu đạn vào nơi làm việc của quân đội Sài Gòn ở tỉnh Phú Yên trong lúc chúng đang tập hợp binh lính để chuẩn bị càn quét, tiêu diệt 20 tên và làm 15 tên bị thương.
Một chiến công khác thể hiện sự dũng cảm, mưu trí của đội quân tóc dài không thua gì nam giới, đó là việc hai nữ biệt động đóng vai vợ lính, chặn đường tiêu diệt 2 tên lính ở trục đường xã Hoà Thắng vào lúc 15h ngày 4/9/1968. Hay trận đánh mìn ở chợ Hoà Định vào tháng 10/1968 tiêu diệt 20 tên lính bảo an và bình định nông thôn, làm bị thương 10 tên khác.
Trải qua nhiều trận đánh với tinh thần mưu trí, dũng cảm, các nữ biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 4 đồng chí trong đội đã hy sinh, 6 đồng chí bị thương, 2 đồng chí bị địch bắt trong khi thi hành nhiệm vụ. Dù bị tra tấn dã man nhưng hai đồng chí không khai báo gì có hại đến cách mạng và nhân dân.
Đội nữ biệt động dâng hương tại Đài Tưởng niệm Núi Nhạn (Tuy Hòa, Phú Yên)
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sứ mệnh lịch sử được cấp trên giao đã hoàn thành. Một số chị em Đội Biệt động ở lại phục vụ trong ngành Công an, một số chuyển công tác sang cơ quan dân chính và số còn lại do điều kiện sức khỏe nên về địa phương tạo dựng cuộc sống mới. Mặc dù các thành viên trong đội Biệt động người mất người còn, mỗi người một phương nhưng trong ký ức mỗi người vẫn nhớ về nhau, nhớ về những năm tháng ác liệt đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng./.