Rất ít người có thể ngờ được rằng, các thông tin thuộc phạm vi bí mật cá nhân lại có thể trở thành món hàng để các đối tượng mua bán trao đổi một cách công khai, trắng trợn. Số tiền mà các đối tượng thu được từ hành vi phạm pháp này cũng không hề nhỏ.
Người dân liên tục nhận được các cuộc gọi “trên trời, dưới biển”
Chị H.S.N trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, người sở hữu chiếc sim điên thoại có đuôi là 8888 luôn cảm thấy khó chịu và bực mình khi ngày nào mình cũng nhận được các cuộc gọi vô bổ mời bán sim, mời vào hội nhóm đầu tư trên mạng. Cá biệt có hôm trong một buổi sáng bận họp mà chị nhận liên tục 5-6 cuộc điện thoại lạ, không nghe thì lo biết đâu người nhà cần gì gấp, mà bắt máy nghe thì ôi thôi, liên tục đầu dây bên kia nào giới thiệu dự án này, dự án kia, thậm chí mời cả du lịch… miễn phí nếu anh chị cùng gia đình tham gia buổi gặp mặt vào ngày này, ngày kia. Sau nhiều lần nêu ý kiến với các nhà mạng, và đặt câu hỏi không hiểu sao thong tin số điện thoại của minh cứ bị “bán” như vậy, chị cũng được nhân viên nhà mạng hướng dẫn cách báo cáo số điện thoại quảng cáo làm phiền. Thế nhưng, chặn số này, thì số khác lại gọi, thậm chí họ còn thẳng thừng tìm cách kết bạn cả tài khoản Zalo.
Chị H.S.N bức xúc chia sẻ: “Tôi là người khá cẩn thận trong việc để lại thông tin cá nhân trên mạng. Thế nhưng không hiểu vì sao số điện thoại của mình lại bị nhiều bên có được và họ làm phiền thường xuyên thế. Tôi lo ngại, nếu trong một phút lơ là, thiếu tỉnh táo mình có thể bị lừa”. Chẳng riêng gì chị H.S.N, mỗi ngày hàng trăm, hàng nghìn thông tin cá nhân của người dân vẫn bị mua đi bán lại trên mạng mà chính họ không hề hay biết.
Cùng chung cảnh ngộ như chị H.S.N, rất nhiều người sử dụng điện thoại di động đang phải nhận những cuộc điện thoại làm phiền mỗi ngày, từ gợi ý tham gia các nhóm “làm giàu” trên mạng cho đến nhận phần quà là những chuyến du lịch miễn phí, mua bán bất động sản… Họ cũng không hề biết được rằng những thông tin cá nhân của mình bị lộ, lọt ra từ đâu. Bây giờ, chỉ cần lên mạng gõ chữ “bán data khách hàng” là có thể ra hàng triệu kết quả. Thậm chí cả các trang web ghi rõ số điện thoại để người có nhu cầu cần liên hệ. Nào tệp thông tin khách hàng về bất động sản, nào danh sách phụ huynh học sinh, thậm chí cả danh sách khách của ngân hàng hay các nhà mạng… đều dễ dàng thương lượng để mua bán.
Gần 1.300GB dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép
Tại dự thảo báo cáo đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo Bộ Công an, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô như danh sách cán bộ, danh bạ nội bộ của các bộ, tập đoàn kinh tế (Công Thương, Tài chính, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Tổng cục Thuế, Tập đoàn Than…); khách hàng điện lực trên toàn quốc; thông tin chủ thuê bao điện thoại, Internet của các nhà mạng; thông tin khách hàng vay, gửi tiết kiệm ngân hàng; chứng khoán; bảo hiểm; hồ sơ đăng ký kinh doanh; trường học; thông tin hộ khẩu; thông tin khách hàng thuộc các lĩnh vực bất động sản, siêu thị, mua ôtô, xe máy… Và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý gồm thông tin chi tiết về các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp như họ tên, ngày sinh, số CMND, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng (bao gồm cả số dư), thân nhân, chức vụ, vị trí công tác…
Việc lộ dữ liệu cá nhân là vấn đề lâu nay nhiều người chưa ý thức và chưa lường trước được hậu quả nghiêm trọng của nó. Việc mua bán thông tin cá nhân trên không gian mạng hiện nay đang diễn ra công khai, trắng trợn. Thực tế là hiện nay xuất hiện rất nhiều trang web, chợ rao bán dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội. Không khó để tìm kiếm các tệp thông tin khách hàng, được phân loại đa dạng từ cơ bản đến các khách VIP, thuộc rất nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ y tế, giáo dục rồi bảo hiểm, du lịch. Nguyên nhân nữa là mỗi cá nhân cũng khó xác định được vì sao thông tin cá nhân của mình bị lộ. Bởi, đặc điểm của không gian mạng là xuyên biên giới, tính nặc danh rất cao, đi đến đâu có thể xóa dấu vết đến đó.
Bộ Công an cũng cho biết, việc mua bán dữ liệu cá nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp. Một số công ty được thành lập mới, đầu tư xây dựng, vận hành các hệ thống kỹ thuật chuyên thu thập trái phép dữ liệu cá nhân để kinh doanh thu lợi nhuận; xây dựng các phần mềm chuyên thu thập thông tin cá nhân, cài ẩn trong các trang mạng để thu thập thông tin tự động, phân tích thành tệp dữ liệu cá nhân có giá trị; tán phát mã độc có chức năng thu thập dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng (máy tính và thiết bị di động); tổ chức tấn công, xâm nhập hệ thống máy tính của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân.
Chỉ trong 2 năm từ năm 2019 đến năm 2020, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Ở một khía cạnh khác, sự phát triển công nghệ đã cho phép mọi đối tượng trong xã hội có thể truy cập được thông tin và dịch vụ một cách bình đẳng và xóa dần khoảng cách số. Với thống kê Việt Nam có gần 150 triệu thuê bao điện thoại thì có thể nói mọi đối tượng đều có cơ hội truy cập thông tin và dịch vụ một cách bình đẳng. Tuy nhiên, kỹ năng số của các đối tượng là hoàn toàn khác nhau. Một số đối tượng yếu thế về kỹ năng số là trẻ em, người khuyết tật, những người mắc bệnh HIV. Do thiếu kỹ năng số nên đối tượng này dễ để lộ dữ liệu cá nhân và bị lợi dụng. Nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân của những người dùng trên không gian mạng là rất lớn.
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân
Ý kiến bạn đọc