Thực phẩm giả - nỗi lo phải đánh cược sức khoẻ mỗi ngày của người tiêu dùng

Thứ sáu - 25/04/2025 13:56 103 0
Đời sống con người ngày một nâng cao, kèm theo đó là chất lượng cuộc sống được chăm chút và quan tâm hơn, chúng ta bắt đầu quan tâm đến vấn đề ăn uống lành mạnh, ăn uống thật khoa học và phải tốt cho sức khoẻ của bản thân. Tuy nhiên, phải thế nào để chắc chắn rằng những thực phẩm chúng ta đang ăn là tốt, là đảm bảo cho sức khoẻ? Đây đã trở thành một nỗi lo của tất cả người tiêu dùng khi mà tình trạng thực phẩm giả hay còn gọi là thực phẩm không đạt chuẩn, là các sản phẩm bị làm giả, gian lận về thành phần, xuất xứ hoặc chất lượng đang tràn lan rất nhiều trên thị trường, gây khó khăn trong kiểm soát, phát hiện, phòng tránh và dễ dàng làm người tiêu dùng sập bẫy, từ đó gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí trả giá bằng cả tính mạng.
 Vậy “Thực phẩm giả” là gì? Thực phẩm giả nói dễ hiểu là loại thực phẩm có một số hoặc nhiều đặc điểm như:
+ Không có giá trị sử dụng, công dụng như bản chất tự nhiên hoặc công bố.
+ Có giá trị sử dụng, công dụng thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn (dưới 70% chỉ tiêu chất lượng quy định).
Các hình thức phổ biến của các loại thực phẩm giả này bao gồm việc sử dụng nguyên liệu rẻ tiền thay thế cho nguyên liệu thật, nhãn mác sai lệch về nguồn gốc xuất xứ hoặc hạn sử dụng, và thậm chí là pha trộn các chất phụ gia không an toàn. Các loại thực phẩm bị làm giả phổ biến bao gồm thịt, cá, rau củ, trái cây, đồ uống, các loại gia vị và thậm chí thực phẩm chức năng, thuốc các loại. Đặc biệt khi mà hiện nay mạng Internet đã phổ biến rộng rãi và trở thành một phần quan trọng đối với con người thì việc quảng cáo, quảng bá và đưa các sản phẩm thực phẩm giả này đến tay người tiêu dùng lại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Nổi cộm có thể kể đến vụ “kẹo rau củ Kera” của Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs cùng sự tham gia của hoa hậu Thuỳ Tiên làm người quảng cáo đã làm rúng động cộng đồng mạng khi họ đều là những người nổi tiếng với hàng trăm triệu người theo dõi. Tất nhiên với vòng hào quang người nổi tiếng đó thì những “thực phẩm giả” khi được livetream trên mạng đã được rất người tiêu dùng lựa chọn mua và tin dùng vì những quảng cáo mà sản phẩm này được lan truyền trên truyền thông, mạng xã hội với thông tin gây hiểu lầm, ví dụ "một viên thay thế một đĩa rau xanh". Tuy nhiên, Cơ quan điều tra qua xác định bột rau dùng trong sản xuất không được thu mua từ các nông trại VietGAP, hàm lượng từ 0,61 đến 0,75% nhưng công bố là 28%, thậm chí trong kẹo Kera còn có chất sorbitol chiếm tỷ lệ 35% thành phần cùng các chất phụ gia khác song không được công bố cho người tiêu dùng biết.
Hay gây bức xúc trong dư luận mới đây là vụ “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn TP.Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trong suốt 4 năm, hai công ty đã sản xuất đưa ra thị trường, tiêu thụ gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả, trong đó có các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai. Sản phẩm được quảng cáo có thành phần chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột hạt óc chó... nhưng thực tế hoàn toàn không có những chất này. Khi vụ việc được phát hiện rất nhiều người tiêu dùng bày tỏ nỗi hoang mang vì không biết rằng đã bao nhiêu người uống loại sữa này. Đáng nói, những loại sữa giả này đa số được mua bồi bổ sức khoẻ dành cho người bệnh dẫn đến rất nhiều người tiêu dùng lo lắng, bất an thậm chí phẫn nộ cho sức khoẻ của người thân.
Song song công tác tăng cường kiểm tra, đấu tranh chống “thực phẩm giả”, sản phẩm hàng giả, hàng nhái bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và chống gian lận thương mại của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao cảnh giác, mua sắm tại các cửa hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh vô tình tiếp tay cho đường đi của hàng giả. Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân khi mua hàng cần chú ý nhận biết một số đặc điểm, dấu hiệu trên nhãn hàng hóa và áp dụng các biện pháp phòng tránh như:
1.Tìm hiểu kỹ thương hiệu trước khi mua sản phẩm: tên công ty sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ nơi sản xuất, nơi phân phối,...
2. Chọn mua thực phẩm ở những cửa hàng uy tín, các đại lý, nhà phân phối chính hãng, điều này sẽ đảm bảo sản phẩm đến tay bạn với chất lượng tốt nhất và hạn chế được nguy cơ mua phải hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng.
3. Xem trước review và feedback về sản phẩm để có cái nhìn tổng quát về bản chất, đặc điểm, tính chất của sản phẩm, giúp bản thân dễ dàng nhận diện sự bất thường về chất lượng sản phẩm.
4. So sánh giá cả qua các công cụ để có thể tìm kiếm được sản phẩm chính hãng với giá cả hợp lý, không nên ham rẻ, nhất là đối với thực phẩm - mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng.
5. Ưu tiên mua hàng tại địa chỉ được kiểm tra hàng trước khi thanh toán, giúp bạn có thể kiểm tra trực tiếp kỹ bao bì, tem, mã vạch, đặc biệt là tem niêm phong.

Tác giả: Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Phú Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây