Ngày nay, khi thiết bị viễn thông, đặc biệt là điện thoại thông minh dần trở nên phổ biến, Việt Nam với hơn 60 triệu người sử dụng điện thoại thông minh, chiếm hơn 60% tổng dân số trên toàn lãnh thổ (cao hơn các nước phát triển và xếp thứ 10 thế giới), người Việt sử dụng điện thoại để lướt web, xem video, chơi game mỗi ngày (theo thống kê thời gian trung bình người Việt sử dụng mạng xã hội là 2 giờ 28 phút mỗi ngày, chiếm gần 14% thời gian hoạt động; đặc biệt giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ, chiếm gần 40% thời gian hoạt động). Đây là những con số đáng lưu ý và được đặt ra khi đánh giá tổng thể đối với toàn xã hội.
Có khi nào bạn tự so sánh bản thân với số liệu trên và tự mình đặt câu hỏi: Ta đang ở đâu, mức nào? Ta khai thác internet để làm gì? Lợi ích mạng xã hội là gì? Hay cũng giống như đại đa số mọi người là lướt để giải trí và chưa hề quan tâm. Đến đây, mỗi cá nhân hãy tự trả lời câu hỏi và đánh giá lại việc sử dụng mạng internet của bản thân để rút ra một trong hai kết luận là: “nghiện” hay “không nghiện”. Thật khó để kiềm chế việc mở Facbook, Youtube, Tiktok..., mỗi khi chúng ta có internet trong tay, đối với bản thân tôi, tôi tự đánh giá là người từng nghiện mạng xã hội. Nhưng thật may mắn với tôi, vì hôm nay tôi đã nhìn nhận được những gì mình đã trải qua và ngay lúc này đây tôi sử dụng mạng xã hội để chia sẻ những nội dung này đối với mọi người, tôi muốn mọi người đánh giá đúng về bản thân và truyền tải nội dung tích cực, trước hết là đối với người thân và sau đó là bạn bè và toàn xã hội. Tôi tự hào là mình đã vượt qua được tình trạng vào mạng “vô nghĩa”, mà hiện nay, khi bạn đã đọc đến đây thì tôi tự đánh giá mình đang thực hiện một nhiệm vụ mà bản thân tôi cho rằng rất có ý nghĩa đối với xã hội.
Mạng xã hội có tốt không? Tại sao ta lại phải bỏ nhiều thời gian để vào các trang mạng xã hội làm gì?
Có khi nào bạn đã tự xem điện thoại và khúc khích để cười một mình hay bực tức khi xem những video làm ta không hài lòng, thậm chí dừng lại ở cái review phim và cái kết bực mình vì sao nó không review nốt phần còn lại, đặc biệt chắc chắn rằng rất nhiều người ở tình trạng “mạng hiện gì thì ta xem nấy”... đây là những lúc chúng ta cần dừng lại và nhìn nhận lại bản thân mình. Mạng xã hội sinh ra là để phục vụ lợi ích của một nhóm nhà sáng lập; là công cụ kiếm tiền, do đó họ muốn đem lại là nguồn thu nhập cho cá nhẫn họ, để làm được như vậy họ phải mài “công cụ kiếm tiền” thật sắc bén. Bản thân chúng ta đã vô tình trở thành “con ong chăm chỉ”, chỉ biết lao động để mang lợi ích về cho một nhóm nhà sáng lập, nói rõ hơn là “người công nhân trong xã hội tư bản”. Cái kết dành cho chúng ta là “tri thức không kiếm chứng”, “cảm xúc ảo” mà ở đó “đúng và sai”, “tốt và xấu” đan xen với nhau và không có ranh giới xác định; đặc biệt là một cái kết mà chúng ta nhìn thấy rõ nhất là thời gian trôi qua một cách vô bổ mà ta không cách nào tìm lại được.
Một số người có thể tạo ra nguồn thu nhập cho chính họ thông qua mạng xã hội vì họ biết cách lôi kéo người dùng, biết cách làm cho người ta bỏ thời gian “để xem quảng cáo” thực chất cũng là ta đang lao động không công để “kiếm tiền” cho nhà quản lý, nhà sáng lập. Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta sử dụng “dịch vụ” thì chúng ta phải trả “phí”, nhưng “phí” ở đây làm tôi nuối tiếc nhất có lẽ là thời gian của chúng ta, thậm chí nếu chúng ta không là người dùng mạng xã hội thông thái thì “dịch vụ, tiện ích” mà mạng xã hội mang lại có khi còn là con dao hai lưỡi, “lợi bất cập hại”. Nhiều người phản ánh rằng, mạng xã hội thật ma thuật, bản thân tôi rất đồng ý, vì không những nó hiểu bạn mà nó lôi kéo bạn làm việc không công mà không biết than mệt, làm hết việc này đến việc khác cho những nhà sáng lập, nhà quản lý mà không đòi hỏi một tiêu chuẩn lợi ích gì cả. Thậm chí rằng chúng ta rất dễ trở thành nạn nhân xã hội hay trở thành cổ máy để người khác phục vụ lợi ích cho bản thân họ. Xã hội luôn cần những người đam mê làm việc, nhưng đam mê với việc làm mà biến chúng ta trở thành người có ích cho xã hội, cho cộng đồng chú không phải tự biến chúng ta trở thành công cụ cho người khác, tự trở thành gánh nặng cho xã hội.
Mạng xã hội là nơi mọi người trao đổi, giao lưu không giới hạn về khoảng cách, nhưng cũng là nơi người dùng dễ bị cạm bẫy nhất, tôi đã từng chứng kiến đủ các hình thức lừa trên không gian mạng: từ câu chuyện; sự hợp tác; thông tin sai sự thật... mà gần gũi nhất và đau đớn nhất là cái chết vì tình ái, vì tin lời đường mật mà chuyển hàng tỷ đồng để rồi nhận lại cái kết buồn và sự xấu hổ, khi nhận ra thì sự việc đã đi quá xa, không còn cách cứu vãn. Nói đến đây, chúng ta đừng quên ai là người sinh ra mạng xã hội, con người lợi dụng mạng xã hội để phạm tội là một khía cạnh nhỏ phát sinh tất yếu mà mạng xã hội mang lại; cái chính và quan trọng hơn cho dù bạn có thông thái, khôn ngoan đến đâu khi sử dụng mạng cũng bị chiếm đoạt đó là thông tin cá nhân, hình ảnh, mối quan hệ và thói quen của chúng ta bị khai thác để nhà sáng lập trục lợi, trong khi bản thân chúng ta mới là thật sự là chủ tài nguyên.
Cần phát huy cái tốt, loại bỏ cái không tốt. Mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống mỗi người chúng ta, nó như con dao hai lưỡi, mạng xã hội có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cũng có thể hủy hoại con người nếu sử dụng không đúng cách. Vì vậy mỗi người hãy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh; biết phát huy cái tốt, loại bỏ những cái không tốt; biết cách quản lý thông tin và thận trọng khi sử dụng thông tin cá nhân; biết cách tự quản lý thời gian sử dụng, ứng xử đúng mực, có văn hóa khi giao tiếp trên không gian mạng, sáng suốt kiểm chứng tính xác thực của những thông tin mà mình quan tâm. Đồng thời, mong muốn không gian mạng trở thành nơi tích cực hơn, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội thì mỗi người dùng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; đặc biệt hơn chúng ta chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết, tránh lãng phí thời gian của bản thân. Có như vậy, chúng ta mới trở thành người khai thác, người sử dụng hơn là những người lao động không công, lúc đó mạng xã hội mới trở thành công cụ đắc lực để lan tỏa những điều tốt đẹp trong không gian mạng và trong cuộc sống.