Vậy “túi mù” là gì? “Túi mù” - bắt nguồn từ trào lưu hộp mù (blind box), giống như việc mở một chiếc hộp kho báu, người mua sẽ không biết mình sẽ tìm thấy gì bên trong; chính sự bất ngờ này đã tạo nên sức hấp dẫn mãnh liệt, gây tò mò, khiến nhiều người sẵn sàng chi một số tiền không nhỏ để trải nghiệm cảm giác hồi hộp, thú vị. Những “túi mù” phổ biến hiện nay thường những con vật đồ chơi bằng nhựa, có hình dáng thú vị, đáng yêu. Chính thiết kế dễ nhìn, mức giá rẻ cùng yếu tố ngẫu nhiên, bất ngờ đã khiến giới trẻ “phát cuồng” với trào lưu này.
Một trong những tác động tiêu cực của trào lưu “xé tùi mù” là gây tâm lý tiêu cực. Khi chứng kiến nhiều người xung quanh tham gia trào lưu “xé tùi mù”, giới trẻ dễ bị cuốn vào vòng xoáy muốn thử chơi và sở hữu tất cả các mẫu. Áp lực này thúc giục họ phải chi số tiền quá mức để sở hữu. Bên cạnh đó, cảm giác thất vọng và hụt hẫng sau khi “xé túi” có được món đồ mình không mong muốn hoặc không được trúng quà; điều này khiến người chơi cảm thấy buồn chán, nảy sinh cảm xúc tiêu cực khác. Sau đó, họ sẽ tiếp tục chi tiền mua thêm nhiều túi mù để tăng cơ hội sở hữu món đồ mình yêu thích hoặc trúng được nhiều quà. Thêm nữa, việc chơi “túi mù” còn tạo ra thói quen chi tiêu tùy hứng. Người chơi thường khó kiểm soát bản thân trước những sản phẩm mới, hấp dẫn, dẫn đến việc chi tiêu một cách lãng phí. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân mà còn tạo ra gánh nặng kinh tế, khi những đồ chơi trong túi mù chỉ để trưng bày, không phục vụ được những mục đích khác.
Mặc dù trào lưu “xé túi mù” mang lại những giây phút thư giãn, giải trí nhưng nó cũng tác động đến tâm lý người chơi. Vì vậy, người chơi cần tỉnh táo, tránh “nghiện” cảm giác háo hức rồi bị tác động đến tâm lý gây ra nhiều hệ lụy trong cuộc sống.