Thời gian qua, xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến học sinh THCS điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe máy ngày càng nhiều. Nguyên nhân do việc điều khiển phương tiện giao thông của học sinh thiếu kiến thức về Luật An toàn giao thông đường bộ và kinh nghiệm xử lý tính huống, do phụ huynh giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển xe, nên đã dẫn đến nhiều hệ lụy và gây bức xúc cho các chủ thể tham gia giao thông khác.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, tình trạng học sinh chưa đủ 16 tuổi nhưng vẫn điều khiển xe điện, xe máy đến trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Đã có không ít vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra với lứa tuổi này khi sử dụng xe máy điện. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh còn khá thờ ơ với các quy định, “vô tình” để con em mình vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Một vụ tai nạn giao thông do học sinh THCS điều khiển xe điện tự tông vào xe ô tô đang dừng đỗ bên đường xảy ra trên địa bàn tỉnh
Nhất là ở khu vực các trường học trên địa bàn tỉnh vào giờ tan trường, rất dễ để bắt gặp những hình ảnh nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện vi phạm quy định của pháp luật về trật tự, ATGT. Các em đang trong độ tuổi mới lớn, muốn thể hiện bản thân nên không ít trường hợp điều khiển xe đạp điện, xe máy điện có hành vi lạng lách, đánh võng, chạy dàn hàng ngang trò chuyện, chạy xe ngược chiều... Nguy hiểm hơn, loại phương tiện này không có tiếng động nên khi xe vượt lên, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh… dễ dẫn đến xảy ra va chạm tại các ngã ba, ngã tư, ngõ, ngách, nơi bị khuất tầm nhìn, nơi đông xe lưu hành cùng thời điểm.Điều này đã và đang gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn cho bản thân các em và những chủ thể tham gia giao thông xung quanh.
Trước thực trạng này đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan chức năng, nhà trường và phụ huynh trong việc giáo dục ý thức tự giác, tuyên truyền rõ các quy định pháp luật về TTATGT như:
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP
1 - Tụ tập dưới lòng, lề đường
- Bị phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng nếu đi xe máy, kể cả xe máy điện mà dừng xe, đỗ xe dưới lòng đường hay tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường (điểm đ khoản 3 Điều 6).
- Bị phạt từ 60.000 đồng - 80.000 đồng nếu đi xe đạp, xe đạp máy mà đỗ xe ở lòng đường gây cản trở giao thông (điểm a khoản 2 Điều 8).
2 - Chạy xe dàn hàng ngang trên đường
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng - 60.000 đồng nếu đi xe đạp, xe đạp máy dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên (điểm g khoản 1 Điều 8).
- Phạt tiền từ 80.000 đồng - 100.000 đồng nếu đi xe máy, xe máy điện dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên (điểm b khoản 2 Điều 6).
3 - Không đội mũ bảo hiểm
Phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng nếu đi xe máy, xe đạp máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng không cài quai đúng quy cách (điểm d khoản 4 Điều 8).
4 - Vượt đèn đỏ
- Từ 300.000 đồng - 400.000 đồng nếu đi xe máy, xe máy điện (điểm c khoản 4 Điều 6). Mức phạt này cũng áp dụng với trường hợp vượt đèn vàng trái quy định.
- Từ 60.000 đồng - 80.000 đồng nếu đi xe đạp, xe đạp máy (điểm h khoản 2 Điều 8).
5 - Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi
- Cảnh cáo với học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện (khoản 1 Điều 21).
- Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng với học sinh từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên (điểm a khoản 4 Điều 21).
6 - Lạng lách, đánh võng
- Phạt tiền từ 05 triệu đồng - 07 triệu đồng nếu đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị (điểm b khoản 9 Điều 6).
- Phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng nếu đi xe đạp, xe đạp máy lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường (điểm a khoản 4 Điều 8).