Chủ động nhận diện, phòng tránh các hình thức lừa đảo trên không gian mạng

Thứ năm - 17/10/2024 12:13 33 0
Hiện nay, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp với nhiều hình thức khó nhận diện, phòng tránh. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng và nhiều hình thức tuyên truyền khác, các cơ quan, ban ngành thường xuyên cung cấp đến người dân cách nhận diện, phòng tránh các chiêu thức lừa đảo này. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân vẫn liên tục sập bẫy lừa đảo trực tuyến.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 9 tháng đầu năm nay đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng internet gửi  về Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam. Đây là con số đáng báo  động đến mức Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức phát  động chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng”. Chiến dịch đang được triển khai diện rộng tới ngày 20/11/2024.
Điều này chứng minh vấn nạn lừa đảo trên mạng không còn là  vấn đề nhỏ. Sự biến tướng ngày một đa dạng của các hoạt động lừa  đảo nhanh đến mức các chương trình hỗ trợ người dân phòng tránh  nhiều khả năng không theo kịp, dễ “mất bò mới lo làm chuồng.”
Dạo một vòng tìm hiểu trên các trang mạng, thấy rằng có vô vàn các hình thức lừa đảo, được thông tin và phân tích từ đơn giản đến chi  tiết. Các cơ quan đã nhận diện, thống kê có khoảng 24 hình thức lừa  đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng như: Tạo fanpage giả mạo các giải thể thao, các show truyền hình, show thời trang hòng thu  hút người dân đăng ký tham gia, nộp lệ phí; Cắt ghép video người  khác để lừa đảo, tống tiền; Lừa đảo liên hoàn bằng hình thức đặt cọc,  hỗ trợ lấy lại tiền đặt cọc vé xe khách; Giả danh cơ quan công an gọi  điện yêu cầu người dân cài đặt phần mềm để chiếm đoạt tài sản; Lừa  đảo làm nhiệm vụ, hưởng hoa hồng; Thủ đoạn lừa đảo hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa; Lừa đảo bán bùa ngải; lừa đảo tuyển cộng tác viên online, chuyển tiền từ thiện,…
Riêng tại Phú Yên, các vụ việc liên quan đến lừa đảo trực tuyến có  dấu hiệu gia tăng qua thời gian. Từ năm 2022 đến tháng 6/2024, toàn  tỉnh xảy ra 101 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với  tổng thiệt hại gần 60 tỉ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm nay xảy ra 34 vụ,  tăng 14 vụ (tương đương 70%) so với cùng kỳ năm 2023, có vụ thiệt hại  hơn 8 tỉ đồng.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã tiếp  nhận nhiều đơn tố cáo về hành vi lừa đảo trên không gian mạng rồi  chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Đơn cử, như bà  N.T.N.T (huyện Sông Hinh) tố giác bị các đối tượng kêu gọi đầu tư mua  bán hàng hóa trên mạng lừa hơn 2,2 tỷ đồng; bà P.M.N (huyện Tuy An)  tố giác bị các đối tượng kêu gọi đầu tư bán xăng dầu để kiếm lời, bị lừa  hơn 2,7 tỷ đồng…
Xét về thủ đoạn lừa đảo cũng vô cùng phức tạp. Tùy vào mỗi  hình thức lừa đảo mà các đối tượng chọn cách giả danh, giả mạo, hăm  dọa hay xây dựng các kịch bản để lấy lòng tin, đánh vào tâm lý ham  lợi nhuận hòng chiếm đoạt tài sản. Việc ra đời và phổ biến của AI cũng khiến cho các hình thức lừa đảo này dễ bề thực hiện hơn trước  rất nhiều. Đặc biệt các đối tượng hoạt động thành đội, nhóm, có tổ chức, liên kết với nước ngoài nên việc truy vết, triệt phá thường mất rất nhiều thời gian. Sau khi lừa đảo, nhận được tiền qua tài khoản, các  đối tượng liên tục chuyển qua lại giữa các tài khoản khác nhau dẫn  đến việc thu hồi lại tài sản trở nên rất khó khăn.
Trước diễn biến phức tạp như trên, việc người dân chủ động  phòng tránh các hình thức lừa đảo này là vô cùng cần thiết. Trước nhất, mỗi người dân phải chủ động tìm hiểu thông tin xung quanh các  hành vi lừa đảo, đặc biệt phải liên tục cập nhật thông tin vì các hình  thức này thay đổi ngày càng tinh vi hơn. Sự chủ động của người dân  có vai trò vô cùng quan trọng bởi chỉ khi nắm được thông tin, biểu  hiện lừa đảo thì mỗi người mới có phản xạ phòng ngừa khi bị các đối tượng tiếp cận.
Thứ hai, mỗi người phải có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân bằng  việc không công khai thông tin của mình trên môi trường trực tuyến. Các thông tin như: ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng…tuyệt đối  không đăng tải công khai trên mạng. Việc này sẽ hạn chế các đối  tượng lợi dụng sử dụng vào mục đích lừa đảo. Người dân còn phải  thường xuyên kiểm tra bảo mật của tài khoản ngân hàng, tài khoản  mạng xã hội. Đặc biệt, không cung cấp mã xác thực (OTP) cho bất kỳ ai khi chưa làm rõ danh tính. Đồng thời tiến hành xác minh đối với  các yêu cầu chuyển khoản bằng cách trực tiếp điện thoại cho người  vay để xác nhận. 
Thứ ba, đối với những lời mời chào hấp dẫn như việc nhẹ lương  cao, đầu tư thấp lợi nhuận nhiều trong thời gian ngắn, người dân tuyệt  đối cảnh giác vì các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng các thủ thuật tâm lý  như thúc giục, hăm dọa nhằm gây áp lực cho người bị hại. Cần cẩn  trọng trước lời mời kết bạn qua mạng xã hội, không truy cập vào các  đường link lạ, không cài đặt các ứng dụng, phần mềm không rõ ràng. 
Thứ tư, khi có đối tượng giả danh cơ quan nhà nước, cơ quan  công an, người dân phải chủ động trình báo, tuyệt đối không làm theo  những gì các đối tượng thúc ép. 
Thứ năm, sự hiệp đồng, kết hợp giữa các cơ quan hữu quan  trong công tác hướng dẫn phòng tránh cho người dân, đặc biệt ở các  khu vực vùng sâu, vùng xa càng phải được chú trọng. Có thể cụ thể hóa các nội dung thành những cuộc thi nhằm tìm hiểu cách nhận diện,  phòng chống thủ đoạn lừa đảo, gian lận của tội phạm trên không gian  mạng. Tăng cường tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại  chúng, đặc biệt là mạng xã hội nhằm tiếp cận càng nhiều người dân  càng tốt. Bộ Công an, Công an tỉnh Phú Yên, Phòng An ninh mạng và  phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Phú Yên đã có các  trang fanpage thường xuyên cung cấp các thông tin liên quan tới các  vụ việc lừa đảo qua mạng trong và ngoài tỉnh, giúp người dân nhanh  chóng nắm bắt thông tin các vụ việc. Các ngân hàng trong tỉnh cần  tăng cường hỗ trợ người dân, đặc biệt khi nghi ngờ người dân thực hiện các giao dịch chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo, các cán bộ, nhân  viên các ngân hàng đều cố gắng giải thích, kịp thời ngăn chặn rất  nhiều vụ việc đáng tiếc. 
Ngày 11/5 vừa qua, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã gửi Thư khen Cục An ninh mạng và phòng,  chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an tỉnh Phú Yên về thành tích đấu tranh chuyên án, triệt phá đường dây thu thập, sử dụng  thông tin cá nhân để mở và bán tài khoản ngân hàng trái phép. Đây là  một trong nhiều chiến công của Công an Phú Yên trong công tác ngăn  chặn, triệt phá các hình thức lừa đảo trực tuyến. 
Lừa đảo qua không gian mạng đã và đang trở thành vấn nạn  nhức nhối, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Việc nhận diện và  phòng tránh vì thế trở nên bức thiết, yêu cầu mỗi cá nhân, các cơ quan  ban ngành phải chung tay phòng, tránh. Hi vọng trong thời gian đến,  bằng những giải pháp căn cơ, tình hình lừa đảo trên không gian mạng  sẽ được hạn chế, góp phần trả lại cho người dân môi trường internet  an toàn, lành mạnh, giảm thiểu thiệt hại tài sản không đáng có.

Tác giả: Nguyễn Văn Nho, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ và Ngoại tuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây