Khát vọng lớn, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược

Thứ hai - 27/12/2021 22:38 406 0
Năm 2021, năm đánh dấu sự đột phá của đất nước, nắm bắt những thuận lợi, thời cơ vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là trước tác động của dịch bệnh và thiên tai liên tiếp xảy ra, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự.

Với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, hai dự án lịch sử của đất nước "Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC)" và "Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD)" đã đạt được những kết quả quan trọng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Khát vọng và quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, xã hội số

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tiên phong và đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện chính phủ điện tử như Đan Mạch, Hàn Quốc, Singapore, Nga, Đức, Anh, Pháp, Estonia... Trong đó, Đan Mạch được đánh giá là quốc gia rất thành công trong việc xây dựng chính phủ điện tử, luôn nằm trong nhóm 10 nước phát triển nhất về chính phủ điện tử. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore cũng thuộc nhóm nước đứng đầu thế giới về chỉ số phát triển chính phủ điện tử. Những thành công tiêu biểu của Singapore là việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung, tích hợp tất cả các dịch vụ hành chính công của các bộ/ngành(1). Gần đây, Dubai công bố trở thành chính phủ đầu tiên trên thế giới 100% không cần giấy tờ, việc này giúp tiết kiệm 1,3 tỷ Dirham (350 triệu USD) và 14 triệu giờ làm việc. Tất cả các thủ tục và giao dịch bên trong, bên ngoài Chính phủ Dubai hiện đã được số hóa 100% và được quản lý trên nền tảng dịch vụ kỹ thuật số toàn diện của chính phủ(2).

Hành trình xây dựng
Công an huyện Gia Viễn (Ninh Bình) cấp căn cước công dân gắn chip điện tử tại Đồn Gián Khẩu.

Điều đó cho thấy việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nói riêng là xu hướng bắt buộc trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự bùng nổ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và coi đây là những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030. Chính phủ điện tử đặc trưng bởi "4 không": Họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.

Hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý dân cư theo hướng hiện đại, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020(3). Năm 2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm "Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…". Nghị quyết đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 "triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực".

Cụ thể hóa các chủ trương trên, năm 2015, Chính phủ đã có Nghị quyết đầu tiên tập trung vào xây dựng Chính phủ điện tử(4) với mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước nhằm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng.

Tầm nhìn chiến lược, lộ trình cụ thể

Sau quá trình nghiên cứu các tiêu chí và lộ trình trên cơ sở tiềm lực của đất nước, Chính phủ đã phê duyệt "chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"(5) và "chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030"(6). Năm 2025 sẽ là mốc quan trọng khi đạt được những thành tựu nền tảng trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến mục tiêu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vào năm 2030.

Mục tiêu thiết thực, gần gũi nhất với người dân khi xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số đó là người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ công, thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu, đồng thời tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của cơ quan nhà nước, phản ánh những vấn đề của xã hội xung quanh mình tới cơ quan nhà nước và nhận được ý kiến phản hồi về sự tham gia, kết quả tham gia của mình.

Để hoàn thành mục tiêu chiến lược này, thì một trong những điều kiện tiên quyết là xây dựng thành công dữ liệu trụ cột, cốt lõi, có tính liên kết cao về dân cư, đất đai, doanh nghiệp. Trong đó, CSDLQGVDC giữ vị trí, vai trò quan trọng nhất, được coi là dữ liệu gốc, nền tảng, "trái tim" của Chính phủ số, giúp kết nối, chia sẻ thông tin dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý thông tin dân cư mang tính đơn lẻ giữa các ngành hiện nay.

Chính vì thế, CSDLQGVDC phải là dữ liệu "sống", được thu thập, cập nhật thường xuyên, phải phục vụ thiết thực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hỗ trợ tra cứu, xác minh các thân nhân, di biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng liên quan đến tội phạm, góp phần hiệu quả vào công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Sau một thời gian dài nghiên cứu kỹ lưỡng, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng CSDLQGVDC(7). Nhận thấy có thể đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu CCCD trong quá trình thu thập dữ liệu cho hệ thống CSDLQGVDC, tiết kiệm thời gian và ngân sách cho Nhà nước, kịp thời mang lại sự thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Công an đã tiếp tục tham mưu Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD(8) được triển khai lồng ghép với dự án CSDLQGVDC. CCCD mới có thiết kế đặc biệt, nổi bật là bản đồ Việt Nam thể hiện rõ chủ quyền, hình ảnh trống đồng, hoa sen cùng các họa tiết, hoa văn cổ, biểu tượng cho các triều đại lịch sử của Việt Nam.

Đây là hai dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, có tầm ảnh hưởng chiến lược và lâu dài đến công tác quản lý nhà nước nói chung, đến công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự của Công an nói riêng, chuyển đổi phương thức quản lý từ "thủ công" sang "hiện đại", đồng thời hướng tới đảm bảo cao nhất an ninh, an toàn thông tin và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Hướng tới sự đồng bộ về thể chế, chặt chẽ và tuân thủ pháp luật trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân, Bộ Công an tích cực nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Cư trú, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Theo đó, Luật Cư trú quy định quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu về dân cư, đồng thời hệ thống hành chính sẽ chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ cuối năm 2022. Đây là những mốc thời gian rất quan trọng, đặt ra yêu cầu hệ thống Cơ sở dữ liệu về dân cư phải đủ điều kiện để đi vào hoạt động và hoàn thành cấp đủ 50 triệu CCCD trước  ngày 1/7/2021.

Huy động sức mạnh hệ thống chính trị, sức mạnh dân tộc

Để có thể xây dựng thành công và phát huy hiệu quả hệ thống CSDLQGVDC, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh phải "phát huy tinh thần tự lực, tự cường, làm chủ công nghệ, huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng và phát triển"(9).

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đầu tư hai dự án trọng điểm(10), Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành (nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ban Cơ yếu Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước…) để đảm bảo sự đồng bộ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; đồng thời, Bộ Công an tiếp thu ý kiến của dư luận và nhân dân đối với những vấn đề liên quan để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Đặc biệt, việc triển khai xây dựng hệ thống CSDLQGVDC và hệ thống Sản xuất, cấp, quản lý CCCD là bài toán khó với nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng, công nghệ kỹ thuật, an toàn bảo mật thông tin, trong đó có yêu cầu đảm bảo tiến độ trong khối lượng và quy mô công việc khổng lồ cần xử lý nhanh, chính xác. Quá trình xây dựng hai dự án, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thẩm định các thiết kế kỹ thuật hệ thống CSDLQGVDC và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý CCCD; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện đảm bảo nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí".

Bộ Công an xác định việc xây dựng hai dự án là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, vừa là mệnh lệnh công tác và cũng là danh dự của lực lượng Công an nhân dân, thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai do đồng chí Bộ trưởng trực tiếp là Trưởng ban, 03 đồng chí Thứ trưởng là Phó Trưởng ban và lãnh đạo các Cục nghiệp vụ liên quan là thành viên tham gia. Bộ Công an đã huy động đủ nguồn nhân lực thực hiện hai dự án từ Trung ương tới cơ sở, gắn với điều chỉnh, bố trí lực lượng tại 4 cấp Công an theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở". Tại các địa phương, cán bộ chiến sĩ lực lượng Công an miệt mài thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, đi đến từng ngõ ngách, vận động từng hộ dân. Đặc biệt, bố trí lực lượng Công an chính quy tại cấp xã là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, đồng thời tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa lực lượng Công an với nhân dân tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện hai dự án.

Bên cạnh đó, Bộ Công an thường xuyên có các buổi làm việc với địa phương để tranh thủ sự hỗ trợ các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Cùng đồng hành với lực lượng Công an trong chiến dịch, cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, tổ chức tôn giáo cũng vào cuộc vận động công dân đến địa điểm cấp CCCD . Qua công tác tuyên truyền, người dân đã nhận thức đúng giá trị to lớn của các dự án, nhiệt tình hưởng ứng, chủ động phối hợp với lực lượng Công an để bố trí thời gian một cách khoa học, tránh được sự phiền hà. Hằng ngày, công dân dù bận rộn vẫn tranh thủ thời gian buổi tối hoặc ngày nghỉ cuối tuần để đến làm CCCD.

Quá trình triển khai dự án không thể không nói đến sự đồng hành, tham gia tích cực của đội ngũ chuyên gia, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam để thực hiện triển khai các gói thầu quan trọng và nhập liệu thông tin dân cư của dự án, như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty TNHH Công nghệ thông tin và Truyền thông Gtel (GTEL ICT), Công ty cổ phần Tư vấn - Đầu tư và phát triển Bưu điện Hà Nội (HADIC), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost)…

Với sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Bộ Công an đã tự tin bước vào chiến dịch thần tốc, hoàn thành những mục tiêu cơ bản trong xây dựng CSDLQGVDC và CCCD, làm nền tảng quan trọng trong thúc đẩy tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây