Bên cạnh đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình về PCCC hiệu quả, nhất là mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”, phát huy khả năng PCCC từ cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trung tá Trương Đức Thuận, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, theo chức năng, nhiệm vụ được phân cấp, lực lượng Công an từ tỉnh xuống huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC cho các tổ chức, cá nhân, thu hút hàng ngàn người tham gia.
Mới đây, tối 8/4, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công an TP Tam Kỳ, UBND phường Phước Hòa tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và CNCH tại “Tổ liên gia số 1” thuộc khối phố 2, phường Phước Hòa. Đợt diễn tập nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cũng như kiến thức, kỹ năng về PCCC; phát huy vai trò chỉ huy, điều hành tổ chức xử lý của lực lượng tại chỗ, đồng thời đánh giá chất lượng, hiệu quả mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại các khu dân cư, từ đó nhân rộng trên địa bàn TP Tam Kỳ nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam nói chung.
Trước đó, tối 5/4, Công an xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh phối hợp với Ban nhân dân thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh đã tổ chức tuyên truyền cho chủ hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thôn Bồng Miêu về những kiến thức an toàn PCCC với các nội dung cụ thể, phù hợp với tình hình ở địa phương. Tại buổi tuyên truyền, cán bộ Công an làm nhiệm vụ báo cáo viên đã khái quát tình hình cháy, nổ trên địa bàn thời gian qua; phân tích cho người dân nhận thấy nguyên nhân của các vụ cháy, nổ; từ đó, chỉ ra trách nhiệm của chủ hộ gia đình, cá nhân trong công tác PCCC và một số giải pháp về PCCC tại nơi làm việc và gia đình. Đặc biệt, Công an xã Tam Lãnh đã hướng dẫn kỹ năng thoát nạn trong đám cháy và sự cố; các bước xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; kỹ thuật, cách sử dụng một số trang thiết bị PCCC ban đầu…
Từ các buổi tuyên truyền về PCCC có thể khẳng định, công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nội dung, hình thức tuyên truyền về PCCC&CNCH ngày càng phong phú, đa dạng, thiết thực, dễ hiểu, dễ thực hiện. Phong trào toàn dân PCCC&CNCH được đẩy mạnh, nhiều mô hình PCCC được xây dựng, nhân rộng, phát huy hiệu quả ở cơ sở. Đáng chú ý trong số đó có 5 mô hình gồm “Tuyến phố tự quản an toàn về PCCC”, “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”, “Khu dân cư an toàn PCCC”, “Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình khai thông đường thoát nạn trong khu dân cư, mở cửa tạo lối thoát nạn thứ 2”.
Theo Trung tá Trương Đức Thuận, các mô hình đã góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác PCCC; góp phần xây dựng và củng cố lực lượng PCCC tại chỗ ở địa bàn dân cư theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Thời gian tới, để công tác PCCC đạt hiệu quả cao, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có cháy, nổ xảy ra, nhất là trong cao điểm mùa nắng nóng, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục tăng cường phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn PCCC, CNCH, thoát nạn cho người dân; phấn đấu mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và CNCH; 100% người làm nhiệm vụ PCCC tại các cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC được tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC&CNCH theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, còn vận động mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy; 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC và chuẩn bị các phương tiện cần thiết để sẵn sàng chữa cháy, CNCH tại chỗ, ngay từ cơ sở.
Ngoài ra, lực lượng Công an còn phối hợp hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình thường xuyên tổ chức kiểm tra an toàn PCCC&CNCH để chủ động phát hiện, loại trừ những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn, trong đó tập trung kiểm tra các điều kiện như đường, lối thoát nạn, thiết bị PCCC, hệ thống điện; phối hợp tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và các đối tượng khác nhằm nâng cao kỹ năng, đảm bảo hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác PCCC&CNCH theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, chú trọng nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” tại các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được.
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân
Ý kiến bạn đọc