Sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 để phù hợp với sự phát triển của xã hội và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số

Thứ ba - 11/04/2023 22:12 1.152 0

Hiện nay, các quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 có một số nội dung chưa được đầy đủ, bao quát nội dung thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như việc ứng dụng dữ liệu dân cư để xác thực định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Ngày 31/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3/2023, thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Căn cước công dân và đổi tên dự án Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước với một số điểm mới quan trọng của dự án luật, cụ thể như:
- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng được mở rộng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được Quốc tịch (viết gọn là người gốc Việt Nam). Bổ sung một số điều liên quan việc cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh cho người gốc Việt Nam; mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Bổ sung nội dung nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
- Lược bỏ vân tay trên thẻ căn cước công dân; sửa đổi quy định về số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... nhằm tạo thuận lợi hơn cho công dân trong qụá trình sử dụng thẻ căn cước công dân, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước công dân và bảo đảm bí mật đời tư của công dân.
- Bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi (sẽ thực hiện theo nhu cầu của người dân).
- Đối với công dân dưới 06 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định tại Luật này (không thu nhận thông tin sinh trắc học đối với công dân dưới 06 tuổi). Trường hợp công dân từ đủ 06 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa công dân đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học như người từ đủ 14 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định mỗi công dân có 01 căn cước công dân điện tử là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập nhằm tạo điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022./.
 

Tác giả: Phòng Tham mưu Công an tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây