Cần thiết sửa đổi Luật Bưu chính 2010 đảm bảo an ninh bưu chính trong tình hình mới

Thứ ba - 16/07/2024 21:45 171 0
Ngày 30/5/2022 Thủ tướng Chính phủ có QĐ số 654/QĐ–TTg về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó đến năm 2030 Bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số.
Có thể nói đây là chiến lược cấp quốc gia lần đầu tiên trên lĩnh vực bưu chính, trong đó việc hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là sửa đổi Luật Bưu chính 2010 là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết để hướng đến mục tiêu, yêu cầu chiến lược của lĩnh vực bưu chính.
Trong thời gian qua, lĩnh vực bưu chính đã có sự phát triển mạnh không chỉ ở các loại hình doanh nghiệp hoạt động bưu chính, mà còn ở giá trị sản lượng, doanh thu, riêng năm 2023, tổng sản lượng bưu gửi ước đạt 2.465 triệu đồng tăng 32,3% so với năm 2022, nộp ngân sách nhà nước 5.750 tỷ đồng, tăng 0,5%, cùng đó là sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển chuyển đổi số.
Bên cạnh những giá trị tích cực khẳng định vai trò thiết yếu trong đời sống kinh tế - xã hội, lĩnh vực bưu chính còn tồn tại nhiều vấn đề phát sinh cần điều chỉnh, quản lý từ thể chế pháp luật, như: Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh để chiếm thị phần giữa các doanh nghiệp hoạt động bưu chính, khó quản lý đối với các doanh nghiệp hoạt động theo nội dung văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính. Nhiều doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh lĩnh vực bưu chính không trực tiếp kinh doanh mà nhượng quyền, đi thuê các cá nhân hoạt động và tiếp nhận thư, bưu gửi nhưng bỏ qua khâu kiểm tra bưu gửi, sự chồng chéo giữa dịch vụ bưu chính và dịch vụ vận tải hàng hóa, nhất là những doanh nghiệp hoạt động vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện dễ dàng bỏ qua các thủ tục dù đã có các qui định những mặt hàng nghiêm cấm gởi qua đường chuyển phát nhanh…Đây là những kẽ hở tạo điều kiện cho hoạt động mua bán vận chuyển hàng cấm, văn bằng, chứng chỉ giả, vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép… nhưng khi bị phát hiện khó có thể truy tìm chủ bưu kiện được gửi.
Bên cạnh công tác quản lý hoạt động bưu chính, chuyển phát thì Luật Bưu chính được ban hành từ năm 2010 đến nay đã bộc lộ những hạn chế, lạc hậu so với xu thế phát triển của xã hội, nhất là lĩnh vực thương mại điện tử, chuyển đổi số cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bưu chính, trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp bưu chính đối với việc đảm bảo an toàn, an ninh bưu chính…
Được biết trong kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2024 -2025, Dự án luật Bưu chính (sửa đổi) là một trong các dự án Luật sẽ đề xuất, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua./.

Tác giả: Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ và Ngoại tuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây