Tại tỉnh Phú Yên, giai đoạn từ năm 1989 – 2000, mỗi năm xảy ra khoảng 05 vụ án liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ; đến giai đoạn từ năm 2000 – 2015 hầu như tội phạm này xảy ra rất ít, tuy nhiên thời gian gần đây có xu hướng gia tăng (Qua 05 năm triển khai thực hiện Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, toàn quốc đã bắt giữ 19.384 vụ, 31.013 đối tượng, thu giữ 4975 khẩu súng các loại). Việc gia tăng loại tội phạm này xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, người dân có thể dễ dàng truy cập Internet để tìm hiểu các kiến thức về súng, đạn, cách lắp ráp, độ chế các loại súng, đạn; cộng với tình trạng rao bán trái phép các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng internet, mạng xã hội diễn ra tràn lan như hiện nay, với phương thức này người dân rất dễ tiếp cận được với các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Thứ hai, hiện nay nhiều người dân, nhất là thanh, thiếu niên chưa nhận thức rõ được việc mua bán, tàng trữ, sử dụng súng thể thao, súng độ chế có thể bị xử lý về tội phạm vũ khí quân dụng theo Điều 304 Bộ luật Hình sự (BLHS). Theo BLHS năm 1999 thì hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép súng thể thao, súng độ chế thì không xử lý hình sự. Tuy nhiên, theo BLHS hiện hành và Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: vũ khí được chế tạo, sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp nhưng có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí được chế tạo, sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất hợp pháp trang bị cho lực lượng vũ trang thì được xem là vũ khí quân dụng. Do đó, hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng súng thể thao, súng độ chế bắn đạn nổ có thể bị xử lý về tội phạm vũ khí quân dụng.
Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã phát hiện, điều tra, xử lý 11 vụ về tội phạm vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, trong đó có 06 vụ liên quan các đối tượng là thanh, thiếu niên tàng trữ, sử dụng trái phép các loại súng bắn đạn thể thao xuất xứ từ Trung Quốc (có ký hiệu: “ZP5-SMITH & WESSON”, “F S OPN”, “XYL”…) và đã xử lý hình sự về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Điển hình năm 2023, trên địa bàn huyện Tuy An xảy ra vụ việc liên quan đối tượng Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1994, trú tại thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, trong quá trình giải quyết mâu thuẫn cá nhân đã sử dụng súng bắn đạn thể thao loại “ZP5 -SMITH & WESSON” để gây huyên náo, mất an ninh, trật tự tại khu phố Chí Đức, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An. Hành vi của Nguyễn Văn Minh đã bị khởi tố điều tra, xét xử về các tội “Gây rối trật tự công cộng; Đe dọa giết người; Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Hay gần đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố, điều tra 20 bị can có tuổi đời còn rất trẻ, nhiều trường hợp còn đang ngồi trên ghế nhà trường về các tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; Gây rối trật tự công cộng”, vì đã có hành vi sử dụng nhiều hung khí, trong đó có súng bắn đạn thể thao để đi đánh nhau, gây huyên náo, mất an ninh, trật tự trên các tuyến đường thuộc địa bàn huyện Phú Hòa và Tp. Tuy Hòa.
Qua theo dõi phiên tòa xét xử các vụ án về tội phạm vũ khí quân dụng tại Phú Yên gần đây, tất cả các bị cáo đều bị tuyên án tù giam, hầu như không có bị cáo hưởng án treo. Mới đây, ngày 29/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) theo hướng siết chặt quản lý, tăng cường phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Do đó, mọi người dân, nhất là thanh thiếu niên cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đừng vì sự tò mò, thiếu hiểu biết, phút chốc bộc phát mà phải vướng vào vòng lao lý.