Giải trình việc thực hiện Luật cư trú về hạn chế trình giấy tờ, tài liệu khi giao dịch

Thứ năm - 22/12/2022 21:15 398 0
Bộ Công an đã thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Cư trú năm 2020, nhất là nội dung liên quan đến việc hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính.

Ngày 22/12, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về “Việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục đất đai về hành chính, trọng tâm trong lĩnh vực hộ tịch, đất đai”.

Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì phiên họp. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đại diện Bộ Công an báo cáo giải trình.

Dự phiên họp có: đồng chí Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Tư pháp, Tài chính - Ngân sách; đại diện lãnh đạo  Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

hoàng thanh tùng.jpeg -0
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Bộ Công an sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết phiên giải trình có ý nghĩa để đánh giá khả năng thực thi của quy định nêu trên và đề ra các giải pháp xử lý vướng mắc nếu có trên thực tiễn. Thông qua hoạt động giải trình, Ủy ban Pháp luật sẽ có cơ sở xem xét, đánh giá tình hình thực hiện quy định của pháp luật về cư trú trong việc hạn chế yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành các Cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Từ đó, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan và kiến nghị biện pháp để khắc phục các bất cập, hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về cư trú, góp phần đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa TTHC, giấy tờ của công dân, tổ chức khi giải quyết công việc, nhất là trong lĩnh vực hộ tịch, đất đai tại các cơ quan nhà nước, bảo đảm quyền tự do cư trú và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân ngày càng tốt hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, đến ngày 1/1/2023, theo quy định của Luật Cư trú thì Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp sẽ không còn giá trị thì việc Ủy ban Pháp luật tổ chức Phiên giải trình này là rất có ý nghĩa để đánh giá khả năng thực thi của quy định nêu trên và đề ra các giải pháp xử lý vướng mắc nếu có trên thực tiễn.

Trình bày báo cáo tại phiên giải trình, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết, để triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Cư trú năm 2020, nhất là nội dung liên quan đến việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Công an đã triển khai đồng bộ các nội dung. Theo đó, Bộ Công an đã tổ chức thu thập, cập nhật hơn 100 triệu dữ liệu dân cư (dữ liệu đã được “làm sạch” hơn 96%); thực hiện cấp hơn 70,2 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp. Chính thức đưa vào vận hành khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021 và đã sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin với các Cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thông tin công dân.

Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú năm 2020, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính. Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; trong đó, quy định, hướng dẫn cụ thể các trường hợp phải thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 37 Luật Cư trú.

221220221149-dsc_3119---nguyễn-quốc-hùng---cục-trưởng-cục-cảnh-sát-quản-lý-hc-về-ttxh.jpg -0
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH báo cáo tại phiên giải trình.

Để thực hiện hiệu quả, thống nhất yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự thì điều kiện tiên quyết là phải hoàn thành 2 nhiệm vụ trọng tâm: Một là, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú năm 2020, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính. Hai là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng về hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn về thông tin để phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ứng dụng giải quyết các thủ tục hành chính.

Tại phiên giải trình, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực phối hợp của các Bộ, ban, ngành trong việc tiếp thu, xử lý những kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc thực hiện quy định của Luật Cư trú về hạn chế yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính như việc tiếp tục cấp số định danh công dân cho trẻ em ở Hà Nội, thống nhất quan điểm, cách thức đối soát dữ liệu…Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính. Cùng với đó là chất lượng dữ liệu, công tác số hóa dữ liệu; tiến độ chia sẻ, kết nối, ứng dụng thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành còn chậm; việc kết nối, chia sẻ thông tin còn hạn chế. Việc cấp CCCD chưa được hoàn thành, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID, đăng ký và kích hoạt định danh điện tử còn rất thấp và các yếu tố bảo đảm khác cho công tác triển khai quy định của Luật Cư trú.

Tập trung cao độ để bỏ Sổ hộ khẩu giấy đúng thời hạn

Giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội đưa ra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và căn cước công dân gắn chip điện tử là hai dự án quan trọng, được triển khai thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp, có giai đoạn phải trực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, ảnh hưởng đến giao dịch của cơ quan và người dân. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, quyết tâm của cơ quan được giao nhiệm vụ, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một dự án quan trọng của quốc gia, Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

nguyễn duy ngọc.jpeg -0
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên giải trình.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng nêu rõ, Bộ Công an đã chủ động, có trách nhiệm đề nghị Chính phủ xây dựng, thực hiện Đề án 06 về phát triển dữ liệu đến năm 2030, trong đó phân công nhiệm vụ cho các cơ quan trung ương, địa phương trong lộ trình từ 2022 - 2025, 2026 - 2030. Giai đoạn vừa qua, các tiện ích được xây dựng và đưa vào sử dụng đã phục vụ hiệu quả nhu cầu liên quan của công dân, được người dân bước đầu đồng tình.

Thừa nhận việc còn có một số bộ, ngành, địa phương chưa kết nối cơ sở dữ liệu là một thách thức khi thời hạn bỏ Sổ hộ khẩu bằng giấy đang tới rất gần (1/1/2023), song Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, khi họp giao ban hàng tháng, Tổ công tác đã luôn đốc thúc và các bộ, ngành, địa phương còn lại cũng đang nỗ lực khắc phục khó khăn trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, bảo đảm bảo mật cơ sở dữ liệu… Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an đã phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện, giải thích quy định pháp luật để các địa phương thực hiện thống nhất. “Chúng ta đang từng bước hoàn thiện các tiện ích phục vụ người dân. Để hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích mới, tại các địa phương đã thành lập tổ công tác, nhóm đoàn viên thanh niên… hướng dẫn cho người dân trong cộng đồng sử dụng”. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.

221220221130-dsc_3085.jpeg -0
Các đại biểu tại phiên giải trình.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, hôm nay, ngày 22/12, Chính phủ ký ban hành Nghị định 104 - NĐ/CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công. Theo đó, từ ngày 1/1/2023 người dân không cần xác nhận bằng giấy, thay vào đó xác nhận trên môi trường điện tử, không cần sử dụng giấy tờ như trước đây. Bộ Công an cũng triển khai 7 phương thức để trong thời gian quá độ người dân có thể có nhiều công cụ khác nhau thực hiện các thủ tục hành chính, thay vì thực hiện trên môi trường điện tử.

nguyễn khanh ngọc tp.jpeg -0
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc báo cáo tại phiên giải trình.

Tại Phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã giải trình các vấn đề được đại biểu quan tâm về thực hiện thủ tục hộ tịch, ghi tên thành viên gia đình trên cơ sở dữ liệu đất đai…

221220221142-dsc_3159-2---lê-minh-ngân---thứ-trưởng-bộ-tài-nguyên-và-môi-trường.jpeg -0
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân báo cáo tại phiên giải trình.

Phát biểu kết luận Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện quy định của Luật Cư trú đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, nổi bật là việc xây dựng được Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đại, bảo đảm an ninh, an toàn, cơ bản sẵn sàng kết nối với các Bộ, ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, căn cứ vào Nghị định 104 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, ban hành thông tư mới theo thủ tục rút gọn, để bảo đảm có hiệu lực thực hiện đồng bộ với thời điểm quy định tại Luật Cư trú có hiệu lực thi hành, tránh tình trạng vẫn còn ghi nhận xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú bằng giấy.

Ngày 1/1/2023 là thời điểm chúng ta sẽ thực hiện trọn vẹn Luật Cư trú năm 2020, đã hết giai đoạn chuyển tiếp, chuẩn bị các điều kiện cho tổ chức thực hiện. Nhấn mạnh yêu cầu này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục thực hiện hoàn thiện Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia bám sát tiêu chí đã đề ra. Tăng cường đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu, sớm liên kết với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân sử dụng thông tin công dân thay thế khi thực hiện các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính.

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây