Việt Nam tích cực và trách nhiệm trong hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia

Thứ tư - 23/09/2020 21:20 438 0
Trong những năm gần đây, Việt Nam ghi dấu ấn sâu đậm với bạn bè quốc tế và khu vực về một môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, trong đó có sự đóng góp to lớn của lực lượng Công an Việt Nam với những thành tích ấn tượng trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Cộng đồng ASEAN đã bước qua chặng đường 5 năm và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, là lực lượng quan trọng, giữ vai trò trung tâm cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Hợp tác phòng, chống tội phạm trong ASEAN, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia đang có diễn biến nghiêm trọng trong khu vực như: tội phạm khủng bố, tội phạm mua bán người, đưa người di cư trái phép, tội phạm ma túy, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế, cướp biển, buôn lậu gỗ và động vật hoang dã… là cách thức hữu hiệu bảo đảm an ninh, an toàn và sự thịnh vượng của mỗi nước và cả khu vực, góp phần củng cố sự phát triển bền vững của cộng đồng trước những cơ hội và thách thức ở chặng đường tiếp theo.

Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh

Cộng đồng ASEAN đã chính thức được thiết lập vào ngày 31/12/2015 với ba trụ cột chính: an ninh - chính trị; kinh tế và văn hóa - xã hội, trong đó cộng đồng Chính trị - An ninh đóng một vai trò quan trọng và có ý nghĩa hết sức to lớn đến việc thúc đẩy Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, phát huy vị thế ở khu vực và quốc tế.

Thực tiễn cho thấy Việt Nam gia nhập ASEAN được cho là “một quyết sách đúng đắn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng”. (1)

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định ASEAN là một trong những ưu tiên đối ngoại của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”.

 

Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại-Bộ Công an, Trưởng SOMTC Việt Nam, Trưởng Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng và các nước trong khối ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo nên một vành đai an ninh đối với nước ta, ngăn chặn các hoạt động chống phá từ bên ngoài, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định của Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy đối thoại, phối hợp lập trường với các nước thành viên nhằm tháo gỡ các vấn đề nảy sinh, ứng phó với thách thức về an ninh, hạn chế sự can thiệp và chi phối của các nước bên ngoài.

Báo cáo về tình hình tội phạm xuyên quốc gia tại Đông Nam Á năm 2019 của Cơ quan Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm và ma túy (UNODC) chỉ ra rằng Đông Nam Á là một trong những khu vực trung chuyển có sự liên kết sâu sắc với các khu vực nhạy cảm về tình hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên thế giới. Thực tế, kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị-an ninh ASEAN 2025 cũng xác định phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia là một trong những lĩnh vực hợp tác trọng tâm của ASEAN để xây dựng một cộng đồng hòa bình và phát triển ổn định.

Hàng năm, cơ chế hợp tác của ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia được triển khai luân phiên ở các nước thành viên ASEAN theo các cấp độ khác nhau, trong đó nổi bật nhất là Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (SOMTC) và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC).

Được thành lập trên cơ sở Tuyên bố Manila năm 1997 về tội phạm xuyên quốc gia, Hội nghị AMMTC với thành phần bao gồm các Bộ trưởng phụ trách vấn đề tội phạm xuyên quốc gia của mỗi quốc gia thành viên là cơ quan hoạch định chính sách cao nhất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hợp tác trong ngăn ngừa và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia của ASEAN.

Từ năm 2017, các cuộc họp của AMMTC được tổ chức luân phiên hàng năm giữa các nước thành viên ASEAN hoặc có thể tổ chức bất thường trên cơ sở nhất trí để giải quyết các vấn đề khẩn cấp về tội phạm xuyên quốc gia đòi hỏi ASEAN phải hành động một cách kịp thời.

Mỗi cuộc họp sẽ được báo cáo kết quả lên Hội nghị cấp cao ASEAN thông qua Cộng đồng chính trị - an ninh. Trong khi đó, SOMTC có trách nhiệm thực hiện các chính sách và kế hoạch thông qua tại AMMTC, xây dựng chương trình làm việc 5 năm nhằm thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về chống tội phạm xuyên quốc gia.

Hiện nay, ASEAN tập trung ưu tiên nguồn lực đấu tranh, phòng chống 10 loại tội phạm xuyên quốc gia điển hình trong khu vực, bao gồm: tội phạm khủng bố, mua bán người, đưa người di cư trái phép, tội phạm ma túy, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế, cướp biển, buôn lậu gỗ và động vật hoang dã. Trong đó, một số loại tội phạm của khu vực được cảnh báo đang ở mức độ rất nghiêm trọng.

Việt Nam thể hiện chủ động, tích cực, trách nhiệm trong cơ chế SOMTC và AMMTC

Bắt đầu từ năm 2003, Bộ Công an Việt Nam chính thức tham gia vào cơ chế SOMTC và AMMTC. Lãnh đạo AMMTC (AMMTC-Leader) các nước thành viên ASEAN là người đứng đầu các cơ quan an ninh, cảnh sát và nội vụ. Sau khi Bộ Công an chính thức triển khai mô hình, tổ chức mới theo Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018, Bộ Công an đã phân công đồng chí Cục trưởng Cục Đối ngoại đảm nhiệm vai trò Lãnh đạo SOMTC (SOMTC-Leader).

Việt Nam và các nước thành viên ASEAN là thành viên của nhiều Công ước, Thỏa thuận quốc tế về Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) năm 2003.

Ngoài ra, các nước ASEAN đã có Hiệp định khung về tương trợ tư pháp về hình sự và đang trong quá trình đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định dẫn độ tội phạm, Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù. ASEAN cũng đạt được những thành tựu to lớn thông qua việc xây dựng Công ước ASEAN về phòng, chống khủng bố (2011) và Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (2015).

Thông qua việc tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ SOMTC và AMMTC, Bộ Công an Việt Nam đã thúc đẩy các khuôn khổ, cơ chế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong ASEAN như: (i) hoàn thiện các văn bản pháp lý tạo khuôn khổ cho hợp tác phòng, chống tội phạm của ASEAN và giữa ASEAN với các nước Đối tác, Đối thoại; (ii) trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác bảo đảm an ninh trật tự và các lĩnh vực khác cùng quan tâm; (iii) thiết lập cơ chế hợp tác về đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật; (iv) tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phát triển công nghiệp an ninh, trọng tâm là giới thiệu, chuyển giao công nghệ hiện đại, liên kết sản xuất; (v) phối hợp thực hiện và tài trợ cho các dự án trọng điểm, chiến dịch chống tội phạm xuyên quốc gia trong quan hệ song phương và khuôn khổ ASEAN với các đối tác.

Tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ SOMTC và AMMTC cũng là điều kiện thuận lợi để các đơn vị liên quan trong lực lượng Công an nhân dân xác định rõ được nhu cầu hợp tác để ứng phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia một cách hiệu quả và kịp thời. Theo đó, hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an trở nên thiết thực hơn. 

Cụ thể, các cơ quan chức năng của Việt Nam duy trì việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực Đông Nam Á tiến hành xác minh, điều tra và truy bắt các băng nhóm và đối tượng tội phạm xuyên quốc gia. Theo đó, hàng năm các đơn vị của Bộ Công an Việt Nam duy trì phối hợp cùng cơ quan chức năng của các nước giáp biên mở chiến dịch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, mua bán người tại các địa bàn trọng điểm ở khu vực biên giới, đất liền và cảng biển.

Trong những năm gần đây, Việt Nam ghi dấu ấn sâu đậm với bạn bè quốc tế và khu vực về một môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, trong đó có sự đóng góp to lớn của lực lượng Công an Việt Nam với những thành tích ấn tượng trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Việt Nam đã chủ động đề xuất các sáng kiến và ý tưởng mới, có tính khả thi nhằm thúc đẩy hợp tác liên kết nội khối ASEAN cũng như mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Trong đó có nhiều sáng kiến, ý tưởng của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, góp phần giải quyết các vấn đề nóng liên quan đến bảo đảm an ninh khu vực như: sáng kiến tổ chức Hội nghị ASEAN-Trung Quốc về tăng cường hợp tác truy bắt tội phạm truy nã quốc tế; đề xuất đưa tội phạm buôn lậu cổ vật thành lĩnh vực ưu tiên trong cơ chế SOMTC và AMMTC.

Dự kiến trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đề xuất các nước ASEAN nghiên cứu, thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp cấp Bộ trưởng trong cơ chế AMMTC để kịp thời trao đổi thông tin, xử lý các vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự của mỗi nước và khu vực.

Năm 2020, Việt Nam là nước chủ nhà của Hội nghị AMMTC lần thứ 14 (AMMTC 14). Đây là cơ hội để Bộ Công an Việt Nam thể hiện vai trò tích cực cùng cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp cũng như các thách thức khu vực và toàn cầu, đe doạ đến hoà bình, an ninh, ổn định của khu vực cũng như duy trì sự gắn kết Cộng đồng ASEAN, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hoàn cảnh mới.

Trên cơ sở chỉ đạo tập trung, thống nhất của Chính phủ, trong thời gian tới, Bộ Công an Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật các nước, cùng hướng tới một Cộng đồng ASEAN liên kết chặt chẽ, tự cường, giàu bản sắc, hướng tới nhân dân vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở mỗi quốc gia và khu vực.

------------------

(1) Đánh giá của đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây