Anh hùng liệt sỹ Đỗ Như Dạy - người chiến sỹ Công an Phú Yên dũng cảm, mưu trí trong thời kỳ kháng chiến chống pháp

Thứ ba - 01/01/2019 04:23 2.296 0
Đồng chí Đỗ Như Dạy, hay còn gọi là Đỗ Dạy, sinh năm 1917, tại xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên (trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa 1, tỉnh Phú Yên); hy sinh tháng 10/1954.
d

Từ một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, năm 1946 đồng chí Đỗ Như Dạy được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Thạch Bình (nay là xã Hòa Xuân Tây). Năm 1947, theo tiếng gọi của Đảng, để có nhiều điều kiện tham gia cống hiến cho cách mạng, đồng chí tham gia vào Đội Công an biệt động (sau đổi thành Đội Công an Xung phong) thuộc Ty Công an Phú Yên; năm 1948 đồng chí được phân công làm Đội trưởng Đội Công an xung phong; năm 1951 giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Đồng Xuân; năm 1952 giữ chức vụ Trưởng Tiểu Ban phản gián (hay còn gọi là Tiểu Ban Điệp báo) thuộc Ban bảo vệ chính trị Ty Công an Phú Yên có nhiệm vụ chống gián điệp và phản động; năm 1954 đến khi hy sinh (tháng 10/1954) giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Tuy Hòa 1, tỉnh Phú Yên.

Ngay từ khi về nhận nhiệm vụ, đồng chí Đỗ Như Dạy đã cùng với cán bộ đội xây dựng Đội Công an xung phong ngày càng lớn mạnh cả về tổ chức và lực lượng. Lực lượng tuy ít, sống và chiến đấu ngay sát nách quân thù, đi lại hoạt động khó khăn nguy hiểm nhưng với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, biết dựa vào nhân dân, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ huy Đội Công an xung phong lập được nhiều chiến công oanh liệt, tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt nhiều tên tề ngụy, đấu tranh đánh phá thành công nhiều tổ chức phản động, gián điệp ở địa phương hoạt động cho địch, chống phá cách mạng, gây nhiều nợ máu với nhân dân. Những chiến công đó, đã tác động uy hiếp tinh thần của bọn Pháp và bọn tay sai, làm cho địch hoang mang, lo sợ, hạn chế các hoạt động manh động, nguy hiểm của Pháp và bọn tay sai, đồng thời tạo được khí thế phong trào cách mạng lúc bấy giờ ở cơ sở, đóng góp một phần quan trọng vào thành tích chung của lực lượng Công an Phú Yên trong thời kỳ kháng chiến chống pháp.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí Dạy được phân công về phụ trách huyện Tuy Hòa 1, đồng chí đã móc nối với cơ sở, tổ chức các đường dây liên lạc với cơ sở ở các thôn trong xã. Ngày 20/9/1954, trong một lần đi công tác, đồng chí bị địch phát hiện và bắt sống, chúng giao cho Tiểu đoàn 506 quân ngụy giam giữ, khai thác, tra tấn rất da man.

Suốt những năm chiến đấu trường kỳ gian khổ, từ một chiến sỹ cho đến khi giữ những vị trí trọng trách lãnh đạo quan trọng trong lực lượng Công an Phú Yên, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào đồng chí cũng dũng cảm, mưu trí, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, không ngại hy sinh, đồng cam cộng khổ cùng với đồng chí đồng đội để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt cho đến khi bị sa vào tay giặc, trước những trận đòn trả thù tra tấn man rợ của địch, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng, không khai báo mà còn dùng những lý lẽ của cách mạng thuyết phục quân thù và hát các bài ca cách mạng trước mặt quân thù. Sau một thời gian dùng mọi cực hình tra tấn, chúng không khuất phục được đồng chí, ngày 20/10/1954 bọn địch đã chôn sống, thủ tiêu đồng chí tại Soi Bợm thuộc thôn Nam Bình, xã Hòa Xuân.

Với những thành tích và những công lao đóng góp to lớn của đồng chí trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất; Huân chương độc lập hạng Ba; đặc biệt ngày 02/02/2015, Chủ tịch nước ra Quyết định số 225/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí. Đồng chí xứng đáng là một anh hùng trong thời kỳ kháng chiến và là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ mai sau học tập, noi theo. 

 

Tác giả: Trung tá, ThS. Nguyễn Thái Bình - Công an tỉnh Phú Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây