Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh Anh hùng liệt sĩ Công an nhân dân Nguyễn Kim Vang (26/01/1972-26/01/2022)

Thứ ba - 28/12/2021 20:11 1.458 0
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Công an nhân dân Nguyễn Kim Vang (26/01/1972-26/01/2022), để cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh và cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an Phú Yên hiểu rõ hơn về thân thế, quá trình hoạt động cách mạng, nhân cách cao đẹp và những thành tích, chiến công xuất sắc của đồng chí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Phú Yên xây dựng Đề cương tuyên truyền, học tập gương anh dũng chiến đấu hy sinh của đồng chí Nguyễn Kim Vang, Chính trị viên Đại đội An ninh vũ trang. Đây là tài liệu quan trọng để Đảng uỷ, lãnh đạo Công an tỉnh, Cấp uỷ, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trong toàn lực lượng Công an Phú Yên.
      I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN KIM VANG
Đồng chí Nguyễn Kim Vang, sinh năm 1944, trong một gia đình có Sáu anh chị em và giàu truyền thống cách mạng tại thôn Kỳ Thọ, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Cha là đồng chí Nguyễn Lựu, tham gia cách mạng trước năm 1945, sau công tác trong quân đội. Kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình và quê hương Quảng Ngãi anh hùng, ngay từ nhỏ, đồng chí Nguyễn Kim Vang đã thấm nhuần tư tưởng yêu nước và nuôi dưỡng ý chí trở thành người chiến sĩ cách mạng, người chiến sĩ Giải phóng quân giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, đất nước.
Năm 1954, khi mới 10 tuổi, đồng chí theo gia đình tập kết ra Bắc và được học văn hoá tại Trường 10 tỉnh Nghệ An; tiếp theo đó, đồng chí được chuyển ra học tại Trường học sinh miền Nam, thành phố Hải Phòng. Ngày 22/01/1962, Bác Hồ về thăm Hải Phòng, Bí thư Đoàn thanh niên Nguyễn Kim Vang được Ban Giám hiệu nhà trường phân công đứng đầu Đoàn học sinh để đón Bác và báo cáo thành tích học tập. Bác đã đến ôm hôn và ân cần hỏi anh: “Các cháu ăn có no không? Kết quả học tập của các cháu như thế nào?”. Đồng chí Nguyễn Kim Vang dõng dạc báo cáo với Bác: “Dạ thưa Bác, chúng cháu ăn no ạ! Và tất cả chúng cháu đều quyết tâm học tập thật giỏi, để sau này trở về chiến đấu cùng đồng bào, giải phóng miền Nam!”.
Năm 1963, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn cam go, ác liệt; để tăng cường cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, Bộ Công an triển khai chủ trương tuyển chọn 100 con em học sinh miền Nam để đào tạo, huấn luyện. Đồng chí Nguyễn Kim Vang hăng hái đăng ký và trúng tuyển, được biên chế vào Tiểu đội 9, Đại đội 1, tham gia lớp huấn luyện tại Kiến An, thành phố Hải Phòng. Được học tập, rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, với sự dìu dắt tận tình của các lớp đàn anh đi trước, đồng chí Nguyễn Kim Vang nhanh chóng trở thành cánh chim đầu đàn trong các phong trào thi đua học tập, rèn luyện của Đại đội, được lãnh đạo đơn vị biểu dương và nhiều lần khen thưởng.
Sau thời gian huấn luyện, đồng chí Nguyễn Kim Vang được biên chế về Đồn 149, Tiểu khu 78, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Nghệ An và được chỉ huy đơn vị trìu mến gọi bằng biệt danh "cậu bé thép". Những năm tháng ấy, vùng biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vô cùng hoang vu, hiểm trở và đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây còn chưa được giác ngộ cách mạng. Lợi dụng tình hình đó, phỉ Vàng Pao, do tên Già Xay Xua, kẻ tự xưng là Châu Phà - tức “Vua trời” cầm đầu, hoạt động ráo riết. Chúng ra sức dụ dỗ, lôi kéo và ép buộc đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào tổ chức để chống lại chính quyền cách mạng. Nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Muốn thắng được Châu Phà thì phải cảm hóa được đồng bào, làm cho họ biết cái tốt, cái xấu, nói cho họ thấy sai lầm, rõ được chân tướng của kẻ thù và bè lũ cướp nước”, đồng chí Nguyễn Kim Vang cùng với đồng đội nhiều lần tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động đồng bào tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời đẩy mạnh đấu tranh, chặn đánh phỉ, từng bước chiêu hàng lính Vàng Pao, cô lập, chế ngự thành công “Vua trời” trả lại sự bình yêu cho vùng biên Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Sau khi phỉ Vàng Pao tan rã, bà con các dân tộc miền Tây xứ Nghệ phấn khởi xây dựng đời sống mới, đồng chí Nguyễn Kim Vang tiếp tục quay ra Bắc để theo học hệ sĩ quan chính trị, lớp sĩ quan khoá 2, Trường sĩ quan Công an nhân dân vũ trang. Tháng 7/1966, đồng chí tốt nghiệp ra trường với quân hàm Chuẩn uý và được phân công làm Chính trị viên Đồn Công an vũ trang Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai. Công tác tại địa bàn giáp biên, vô cùng khó khăn, đồng chí Nguyễn Kim Vang đã vận dụng sáng tạo thực tiễn công tác ở Kỳ Sơn và những kiến thức đã học tại trường; chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa đồng bào hai bên biên giới Việt - Trung; đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia giáo dục chính trị các đối tượng có ý đồ chống phá cách mạng, câu móc, làm tay sai cho các đối tượng ở ngoại biên góp phần xây dựng vùng biên cương của Tổ quốc an toàn được lãnh đạo các cấp tin tưởng và đồng bào các dân tộc tin yêu.
Công tác, học tập, rèn luyện trong lòng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, lúc nào đồng chí hướng về miền Nam ruột thịt, khát khao ý chí được trở về Nam chiến đấu; năm 1967, đồng chí Nguyễn Kim Vang viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu, sau 03 tháng vượt Trường Sơn trong mưa bom, bão đạn trở về quê hương, đồng chí được cấp trên phân công về công tác tại Ban An ninh tỉnh Phú Yên; tháng 6/1969, đồng chí được Ban An ninh tỉnh Phú Yên tăng cường về Đại đội An ninh vũ trang, với chức vụ Chính trị viên Đại đội An ninh vũ trang. Cuối năm 1971, đồng chí được điều động đến hoạt động ở vùng địch hậu khu vực núi Chóp Chài, thuộc thôn Liên Trì, xã Bình Kiến, thị xã Tuy Hòa. Ngày 26/01/1972, trong một lần đi xây dựng cơ sở ở thôn Phước Hậu, xã Bình Kiến đồng chí lọt vào ổ phục kích của địch, không để địch bắt sống, đồng chí đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh khi vừa tròn 28 tuổi. Đồng chí hy sinh đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Cấp uỷ, chính quyền, đồng chí, đồng bào trong tỉnh và lực lượng Công an Phú Yên mất đi một người chỉ huy trung kiên, xuất sắc.
          II. ĐỒNG CHÍ NGUYỄN KIM VANG NGƯỜI CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN TRUNG KIÊN
Quá trình công tác, chiến đấu của đồng chí Nguyễn Kim Vang gắn liền với mảnh đất Phú Yên anh hùng (1967-1972). Trong điều kiện chiến trường Phú Yên vô cùng ác liệt và hy sinh, Mỹ - Nguỵ liên tục mở các cuộc hành quân càn quét vào vùng căn cứ, vùng giải phóng nhằm tiêu diệt quân chủ lực và các cơ quan đầu não của ta; đẩy mạnh chiến tranh tâm lý nhằm làm lung lạc tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Đồng chí Nguyễn Kim Vang đã luôn giữ vững phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng với đồng đội dũng cảm, mưu trí, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, anh dũng chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, loại khỏi vùng chiến đấu hàng trăm tên địch góp phần bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng của tỉnh, cán bộ lãnh đạo các cấp và hành lang, cửa khẩu vận chuyển lương thực, vũ khí cho các chiến trường. Tiêu biểu là những chiến công:
Tháng 9/1968, đồng chí Nguyễn Kim Vang phụ trách một Tổ bảo vệ Đoàn cán bộ của Trung ương Cục miền Nam và một Đoàn của địa phương đi công tác từ Vân Hòa đến Hòa Thuận, Suốt Tre. Trong thời gian 05 ngày, các đoàn phải vượt qua nhiều đoạn đường địch thường gài mìn, phục kích, bắt sống cán bộ, đồng chí Nguyễn Kim Vang luôn đi đầu, vừa nắm tình hình địch, vừa cùng đồng đội phá gỡ bom, mìn địch gài và dọn đường để cán bộ đi địa bàn đảm bảo an toàn tuyệt đối, được cấp trên khen ngợi.
Tháng 8/1969, máy bay trinh sát của địch phát hiện khu văn cứ của tỉnh đóng ở thôn Sơn Xuân, xã Sơn Long, huyện Sơn Hoà, với ý đồ bao vay tiêu diệt cơ quan đầu não ta, địch huy động một lực lượng lớn quân của Trung đoàn “Bạch Mã” Nam Triều Tiên có không quân, pháo binh yểm trợ tổ chức bao vây khu căn cứ hòng tiêu diệt các cơ quan đầu não của ta, đánh chiếm Hòn Giang để xây dựng chốt điểm của chúng. Sau khi cho máy bay, pháo binh bắn phá dọn đường, địch dùng trực thăng đổ quân xuống khu vực Hòn Giang mở nhiều đợt tấn công ác liệt vào khu vực. Với tinh thần cảnh giác cao, phán đoán chính xác ý đồ của địch, Đại đội An ninh vũ trang bảo vệ căn cứ đã tổ chức sơ tán các cơ quan ra khỏi khu vực địch càn, đồng thời bố trí một Trung đội do đồng chí Nguyễn Kim Vang, Chính trị viên Đại đội trực tiếp chỉ huy tổ chức đánh địch. Dựa vào địa thế rừng núi, hệ thống bố phòng chặt chẽ bằng chông, mìn tự tạo, hầm trú ẩn và công sự có sẵn, Trung đội An ninh vũ trang đã khôn khéo đánh lừa địch vào trận địa để nổ súng tiêu diệt. Bọn lính Nam Triều Tiên lọt vào trận địa bị sập hầm chông, vướng mìn không tiến quân. Khi phát hiện lực lượng ta ít, địch sử dụng máy bay bắn phá ác liệt, cho bọn tâm lý chiến dùng loa kêu gọi đầu hàng. Các chiến sỹ An ninh vũ trang dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Kim Vang vẫn giữ vững lập trường, kiên cường chiến đấu, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Sau một tuần tổ chức đánh địch quyết liệt, Trung đội An ninh vũ trang vẫn làm chủ được trận địa, địch bị tổn thất nặng, phải rút quân hủy bỏ cuộc càn quét. Trận chống càn Hòn Giang là một trong những trận đánh điển hình của lực lượng An ninh vũ trang. Với tinh thần dũng cảm, mưu trí, một lực lượng nhỏ, tác chiến độc lập đã đánh bại một cuộc càn quét lớn của địch, bảo vệ an toàn khu căn cứ. Thắng lợi này đã tạo khí thế mới trong toàn quân, toàn dân về phong trào chống càn bảo vệ khu căn cứ cách mạng và vùng giải phóng. Với thành tích to lớn đó Đại đội an ninh vũ trang do đồng chí Nguyễn Kim Vang làm Chính trị viên được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 06/6/1976).
Tháng 6/1971, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc giải phóng thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa để mở rộng vùng ven, tranh thủ giành dân với địch. Ban An ninh tỉnh phân công đồng chí Nguyễn Kim Vang phụ trách một phân đội cùng với các lực lượng khác tổ chức tiêu diệt những tên ác ôn, gián điệp, xây dựng cơ sở phục vụ công tác nắm tình hình, vận động quần chúng ủng hộ cách mạng. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, đơn vị do đồng chí phụ trách bị lọt vào vòng vây của địch, địch dùng pháo binh bắn ồ ạt vào phân đội của ta và dùng loa kê hàng. Trong tình thế khó khăn, nguy hiểm, đồng chí Nguyễn Kim Vang đã thể hiện phẩm chất của người chỉ huy kiên trung, bình tĩnh động viên đồng chí, đồng đội giữ vững khí tiết cách mạng, tận dụng mọi vũ khí chống trả quyết liệt làm bị thương nhiều tên địch, đến 23 giờ đồng chí Nguyễn Kim Vang quyết định mở đường máu, đưa phân đội cùng nhiều cán bộ trở về căn cứ an toàn.
Không chỉ mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu chống địch càn quét bảo vệ căn cứ, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Kim Vang còn có nhiều sáng kiến trong phong trào thi đua tự chế tạo vũ khí đánh địch. Trong điều kiện phương tiện vũ khí phục vụ chiến trường thiếu thốn, đồng chí đã tự nghiên cứu, chế tạo ra nhiều vũ khí đánh địch hiệu quả được cấp trên đánh giá cao, đồng đội nể phục; dưới sự chỉ huy của đồng chí, đơn vị đã sử dụng các loại bom mìn bị lép của địch để sản xuất hàng nghìn quả mìn, lựu đạn tổ chức đánh địch. Ngoài ra đồng chí còn tổ chức cho đơn vị tự sản xuất lương thực để nuôi quân đánh giặc. Nhiều lúc đơn vị thiếu lương thực, đồng chí vào rừng kiếm rau, quả hoặc xuống cơ sở gùi gạo vượt đèo, lội suối hàng mấy ngày đường về cho đơn vị được các cấp lãnh đạo biểu dương.
Ghi nhận những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc của đồng chí Nguyễn Kim Vang trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Ngày 06/6/1976, đồng chí Nguyễn Kim Vang vinh dự được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đặc biệt, để tri ân với những đóng góp to lớn của Anh hùng liệt sĩ Công an nhân dân Nguyễn Kim Vang cũng như góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; ngày 08/3/2004, Trường Tiểu học Bình Kiến 2 được đổi tên thành Trường Tiểu học Nguyễn Kim Vang; ngoài ra tại quê hương Quảng Ngãi, nơi đồng chí sinh ra, ngày 18/03/2011, Trường Trung học cơ sở Hành Đức đổi tên thành Trường Trung học cơ sở Nguyễn Kim Vang và gần đây, tháng 01/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa đã tổ chức lễ gắn tên anh hùng cho một tuyến đường nội thị thành phố.
          III. ĐỒNG CHÍ NGUYỄN KIM VANG TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG YÊU NƯỚC, SẴN SÀNG HY SINH VÌ ĐỘC LẬP DÂN TỘC, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC, VÌ AN NINH TỔ QUỐC ĐỂ CÁC THẾ HỆ CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CÔNG AN PHÚ YÊN NOI THEO
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Kim Vang đã nêu một tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tận tụy trong công tác, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, cương quyết đấu tranh với kẻ thù, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong cuộc sống, cũng như công tác đồng chí Nguyễn Kim Vang luôn là người đảng viên, người chính trị viên mẫu mực, người đồng chí, đồng đội nhân hậu, giản dị, người chỉ huy xuất sắc, gần gũi hòa đồng, luôn đi đầu nhận mọi nhiệm vụ khó khăn về mình. Cùng với công tác đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ, chiến đấu cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, đồng chí luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Kim Vang còn đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng thanh niên trở thành đoàn viên, đoàn viên trở thành đảng viên. Chi bộ do đồng chí phụ trách thường xuyên được quan tâm xây dựng trong sạch, vững mạnh với ban đầu chỉ có 03 đảng viên, đến năm 1971 với hàng chục đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đánh địch khi cuộc khánh chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt.
Công lao và đóng góp của đồng chí Nguyễn Kim Vang đối với phong trào cách mạng của tỉnh Phú Yên và lực lượng Công an Phú Yên là vô cùng to lớn. Kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của đồng chí (26/01/1972-26/01/2022) là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Phú Yên nói chung và lực lượng Công an Phú Yên nói riêng tưởng nhớ, biết ơn, học tập và nêu gương anh hùng của đồng chí. Đây cũng là dịp để toàn lực lượng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng; xây dựng ý chí, niềm tin và lý tưởng sống cho mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an Phú Yên vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Cán bộ, chiến sĩ Công an Phú Yên hôm nay nguyện tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, của lực lượng Công an nhân dân và những thành tích, chiến công mà đồng chí Nguyễn Kim Vang và các thế hệ tiền bối đi trước đã dày công tạo dựng; ra sức thi đua, học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng lực lượng Công an Phú Yên cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự phục vụ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh góp phần xây dựng quê hương Phú Yên anh hùng ngày càng giàu đẹp./
1 1
    Anh hùng liệt sỹ CAND Nguyễn Kim Vang (1944 - 1972)

Tác giả: Công an tỉnh Phú Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây