Cống hiến và đóng góp của lực lượng tham mưu Công an Phú Yên trong 73 năm qua (1946 - 2019)

Thứ hai - 02/09/2019 03:34 137.961 0
Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL về việc thành lập “Việt Nam Công an vụ”; ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị định số 121/NĐ quy định về tổ chức Việt Nam Công an vụ từ Trung ương đến địa phương gồm có 3 cấp, theo đó, ở mỗi cấp Công an đều có tổ chức Văn phòng để làm nhiệm vụ tham mưu, phục vụ trực tiếp cho các cấp lãnh đạo, chỉ huy. Từ đó, ngày 18/4/1946 được xác định là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự ra đời của lực lượng Tham mưu CAND Việt Nam.

Thi hành Sắc lệnh số 23/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị định số 121/NĐ của Bộ Nội vụ, tháng 6/1946, Ủy ban hành chính tỉnh Phú Yên quyết định thành lập Ty Công an Phú Yên gồm có 09 đơn vị, địa phương; trong đó, có Ban Văn phòng Ty để làm nhiệm vụ tham mưu, phục vụ lãnh đạo chỉ đạo, điều hành các hoạt động công tác công an. Từ đó đến nay (1946 - 2019), trải qua những chặng đường lịch sử khó khăn, nhưng lực lượng tham mưu Công an Phú Yên từ tỉnh đến huyện luôn giữ vững lập trường tư tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, mưu trí, dũng cảm trong công tác, chiến đấu; không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật; chủ động đổi mới phương pháp công tác đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi thời kỳ; tập trung nghiên cứu nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Bộ Công an vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào nhiệm vụ công tác tham mưu, phục vụ lãnh đạo, chỉ huy, qua đó, góp phần làm nên những chiến công, thành tích xuất sắc của lực lượng Công an Phú Yên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có thể khái quát những cống hiến, đóng góp của lực lượng Tham mưu Công an Phú Yên trong từng giai đoạn cách mạng như sau:

1. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954): Cán bộ làm công tác văn phòng của Ty và Công an huyện (Ban Công an huyện, Công an quận, Công an huyện) bên cạnh việc thực hiện tốt công tác giao liên, hậu cần và phục vụ lãnh đạo mở các lớp huấn luyện, chỉnh huấn, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác, bình công chấm điểm, rút kinh nghiệm, khen thưởng... Đã kịp thời tham mưu, phục vụ lãnh đạo triển khai các chủ trương của cấp ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, huyện về củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng phát triển lực lượng Công an các cấp và bố trí lực lượng bám địa bàn, phối hợp với các ngành, các cấp phát động toàn dân nâng cao cảnh giác, thực hiện phòng gian bảo mật, trấn áp phản cách mạng, tham gia kháng chiến, phục vụ kháng chiến. Phối hợp với các bộ phận, lực lượng chức năng tổ chức nắm chắc diễn biến cuộc kháng chiến, nghiên cứu đánh giá tình hình, đề xuất lãnh đạo Công an các cấp: triển khai nhiều phương án, kế hoạch công tác tổ chức thanh khiết địa bàn, bảo vệ trật tự trị an vùng tự do, khu căn cứ, bảo vệ cơ quan lãnh đạo kháng chiến, các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh; bố trí lực lượng luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành các hoạt động điệp báo, phá tề, trừ gian, diệt ác, trấn áp phản cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Phú Yên đánh địch, giành những thắng quan trọng, tiêu biểu như: trận đánh địch từ Đèo Cả tràn ra các xã Hòa Xuân, Hòa Bình, Hòa Thành (1947), trận chống càn tại Sông Ba - Trường Lạc (1950), tham gia đánh bại chiến dịch Át Lăng của thực dân Pháp, góp phần cùng với cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

S

Cán bộ, chiến sỹ Ty Công an Phú Yên dự Hội nghị tổng kết thi đua (1949)

2. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975): Nắm vững đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng và nhiệm vụ công tác của Ngành, lực lượng Tham mưu đã tập trung thu thập thông tin, theo dõi sát tình hình cuộc chiến và phương thức, thủ đoạn hoạt động của địch, từ đó tham mưu, đề xuất lãnh đạo đề ra nhiều giải pháp công tác chỉ đạo lực lượng An ninh các cấp: kiên trì bám dân xây dựng cơ sở, phát động nhân dân thực hiện “phòng gian bảo mật”, chống chiêu hồi, chiêu hàng; đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, binh vận; luồn sâu vào ấp chiến lược diệt ác, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược; tổ chức đấu tranh chống lại các kế hoạch tình báo, gián điệp, bình định… của địch, tham gia chống địch càn quét, bảo vệ vùng giải phóng, khu căn cứ và cơ quan đầu não của tỉnh. Bên cạnh đó, còn phục vụ kịp thời các nhiệm vụ công tác văn thư, liên lạc, hậu cần, bảo đảm nơi ăn, ở, làm việc cho lãnh đạo trong điều kiện thường xuyên di chuyển địa điểm để tránh những đợt càn quét của địch… Với sự tham mưu, phục vụ kịp thời của lực lượng tham mưu đã giúp cho lãnh đạo chỉ đạo lực lượng An ninh Phú Yên làm nên những chiến công xuất sắc, tiêu biểu như: tham gia giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1961); phá tổ chức gián điệp do tên Mười Lía cầm đầu (1964), khám phá vụ nội gián ở Huyện ủy Tuy Hòa II (1966), chống địch càn quét bảo vệ an toàn khu căn cứ của tỉnh đóng ở xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa (1969); bảo vệ việc mở bến Vũng Rô tiếp nhận, vận chuyển trên 200 tấn vũ khí, đạn dược của Trung ương chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ, bảo vệ công tác huy động nhân công, vật lực xây dựng địa đạo Gò Thì Thùng ở xã An Xuân - huyện Tuy An, bảo vệ an toàn 05 kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh; tham gia chặn đánh địch rút chạy từ Tây Nguyên về đồng bằng trên đường 5... góp phần cùng quân và dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Lực lượng vũ trang tham gia giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1961)

3. Giai đoạn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới đất nước (1976 - 1989): Năm 1976, Ty An ninh tỉnh Phú Yên hợp nhất với Ty An ninh tỉnh Khánh Hòa thành Ty Công an tỉnh Phú Khánh. Từ năm 1976 đến tháng 6/1989, trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, lực lượng Tham mưu Công an Phú Khánh đã chủ động tham mưu, phục vụ lãnh đạo tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, như: Chỉ thị 18/CT-BNV ngày 17/6/1977 của Bộ Nội vụ về công tác phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 02/12/1980 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 25/10/1982 của Bộ Chính trị về chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 26/5/1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đấu tranh ngăn chặn bọn vượt biển trốn ra nước ngoài… Tham mưu, đề xuất lãnh đạo Công an các cấp đề ra nhiều kế hoạch, phương án chỉ đạo truy quét bọn tàn quân ngụy lẩn trốn, phá nhiều tổ chức phản động, điển hình, như: “Phi long quyết chiến”, “Đệ tam cộng hòa”, “Mặt trận tam quốc phục quốc liên minh Đông Á”....; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn ổn định tình hình trốn ra nước ngoài trái phép bằng đường biển; giải quyết cơ bản vấn đề FULRO ở các huyện miền núi; mở hàng chục đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công an Phú Khánh tổ chức truy quét nhen nhóm tổ chức phản động ở huyện Đồng Xuân

4. Thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế (7/1989 - 2019): Lực lượng Tham mưu Công an Phú Yên đã tổ chức tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu tổng hợp, nghiên cứu chuyên đề, nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận, đánh giá thực tiễn, dự báo tình hình, tham mưu, đề xuất các chủ trương, biện pháp phục vụ lãnh đạo chỉ đạo: giải quyết ổn định những vấn đề mới, phức tạp về an ninh trật tự nảy sinh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng nông thôn; triển khai có hiệu quả các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Chương trình hành động phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm buôn bán người của Chính phủ, ngăn chặn và kiềm chế tai nạn giao thông, phòng, chống cháy nổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của địa phương. Tiêu biểu: tham mưu phục vụ lãnh đạo chỉ đạo giải quyết ổn định nhiều vụ việc phức tạp nảy sinh về an ninh trật tự, như: vụ Ngô Cài vi phạm các quy định về quản lý đất đai, chống người thi hành công vụ tại xã Xuân Thọ I - Sông Cầu (năm 1990), vụ gây rối trật tự công cộng tại cầu Bàn Thạch - xã Hòa Xuân Tây - huyện Tuy Hòa (năm 2003), vụ gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản tại xã EaLâm - huyện Sông Hinh (năm 2006) và vụ gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, cản trở giao thông đường bộ tại huyện Tuy An (năm 2006); triển khai đồng bộ các biện pháp, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, như: phá vụ án “Mặt trận dân tộc nhân bản” (năm 1990), triệt xóa tổ chức phản động “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” (năm 2012), đấu tranh, giải quyết có hiệu quả vấn đề FULRO, “Tin lành Đêga” trên địa bàn các huyện miền núi...; điều tra khám phá nhiều chuyên án, vụ án lớn về hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy, như: vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế tại Công ty dịch vụ vật tư nông nghiệp (năm 2002); vụ tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, đưa, nhận hối lộ xảy ra tại dự án hệ thống chống ngập lụt Tp. Tuy Hòa (từ năm 2005); vụ cố ý làm trái, đưa nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại dự án chỉnh trị cửa sông Đà Nông (từ năm 2006); Chuyên án 021T đấu tranh triệt xóa nhóm tội phạm dùng thủ đoạn gây mê cướp tài sản hành khách trên phương tiện giao thông tuyến Tp. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên; Chuyên án VT11-PY, bắt, xử lý nhóm đối tượng người nước ngoài đến Phú Yên sử dụng công nghệ cao để lừa đảo quốc tế (năm 2011); triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền 200 tỷ đồng; vụ cướp tài sản hơn 03 tỷ đồng tại thị trấn Hòa Vinh - huyện Đông Hòa...

Phục vụ Giám đốc Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện

Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng

Chặng đường lịch sử 73 năm (1946 - 2019) xây dựng, phát triển và những cống hiến, đóng góp của lực lượng Tham mưu Công an Phú Yên là những trang sử vẻ vang, niềm tự hào để mọi cán bộ chiến sỹ làm công tác tham mưu hôm nay ra sức học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, năng lực công tác đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

              

Tác giả: PHAN DUY

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 7 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây