Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là danh hiệu vinh dự cao nhất của Nhà nước Việt Nam phong tặng hoặc truy tặng cho các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có đạo đức, phẩm chất cách mạng và những tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nội bộ đoàn kết tốt; tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Hiện nay, tỉnh Phú Yên vinh dự có 03 đồng chí nữ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý trên.
ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN,
LIỆT SỸ TRẦN THỊ CÓ
(1927 - 1961)
Đồng chí Trần Thị Có, sinh năm 1927; quê ở thôn Mỹ Trung, xã Hòa Thịnh, Tây Hòa, Phú Yên. Từ năm 1955-1957 là cơ sở cách mạng; từ 1957-1960 là cán bộ phụ nữ thôn Mỹ Trung, xã Hòa Thịnh; từ 1960 đến tháng 3/1961 là cán bộ phụ nữ xã Hòa Thịnh.
Là cơ sở cách mạng, đồng chí trực tiếp nuôi giấu cán bộ, tham gia cùng Đội công tác xã tuyên truyền và vận động quần chúng, xây dựng phong trào cách mạng, phá ấp chiến lược, vận động thanh niên thoát ly, móc nối cơ sở liên lạc cho cách mạng; tích cực vận động kết nạp hội viên, vận động gia đình có chồng, con đi lính cho địch trở về với cách mạng. Trong quá trình hoạt động, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Tháng 10/1954, chồng đồng chí Có bị địch bắt và thủ tiêu, lúc đó đồng chí mới sinh đứa con thứ 3 được hai tháng tuổi. Căm phẫn trước sự tàn sát của kẻ thù và để trả thù cho chồng, cuối năm 1954 đồng chí xin tham gia cách mạng, được sự phân công làm cơ sở, nuôi giấu cán bộ ở xã Hòa Thịnh. Trong thời gian này, địch tàn sát nhân dân rất khốc liệt, nhiều cơ sở của ta bị lung lay, dao động, mất phương hướng, có trường hợp còn hợp tác, làm việc cho địch, nhưng Trần Thị Có vẫn kiên trung, giữ vững lòng tin với cách mạng, cơ sở của đồng chí luôn vững chắc, bảo đảm bí mật, an toàn cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt hoạt động, như đồng chí: Phạm Văn Giáo (Năm Thanh), Bùi Tân (Bảy Thanh), Nguyễn Duy Luân (Chín Cao)…
Tháng 7 năm 1957, trong lúc đồng chí Có cùng với Tạ Thị Triêm (cán bộ phụ nữ xã) đang làm nhiệm vụ, chuyển thư liên lạc cho cách mạng thì bị địch nghi vấn và bắt. Địch tra tấn đồng chí vô cùng tàn bạo, dã man như: cạy miệng đổ nước muối, nước xà phòng rồi đứng hai chân lên bụng giẫm đạp, dùng dùi cui 3 cạnh đánh vào các khớp xương, tra điện vào ngực; hoặc treo ngược lên xà nhà dùng dùi cui, roi mây đánh vào người, làm cho đồng chí nhiều lần chết đi, sống lại. Nhưng qua 3 tháng, địch không khuất phục được chị và không có cơ sở buộc tội, địch phải trả tự do cho đồng chí. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục làm cơ sở cách mạng tại thôn Mỹ Trung.
Tháng 12/1960, đồng chí được cách mạng tin tưởng giao nhiệm vụ nuôi giấu đồng chí Nguyễn Duy Luân (ủy viên thường vụ Huyện ủy lúc bấy giờ, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên) và một số đồng chí lãnh đạo khác về chỉ đạo phong trào đồng khởi Hòa Thịnh. Đồng chí Có đã kịp thời nắm và cung cấp tình hình, móc nối liên lạc với các tổ chức cách mạng, góp phần cho cuộc đồng khởi Hòa Thịnh giành thắng lợi.
Ngày 16/3/1961, trong chuyến đi công tác từ căn cứ về làng mua vải đỏ may cờ Mặt trận và thuốc men đưa về vùng căn cứ, đồng chí bị đại đội bảo an địch phục kích và bắt. Địch dùng mọi thủ đoạn, mọi đòn tra tấn, hèn hạ thay nhau hãm hiếp chị nhưng chúng không tìm ra manh mối nhỏ nào. Chúng đào hố, dọa đồng chí không khai sẽ chôn sống. Đồng chí nhìn thẳng quân thù và nói: “…tôi đi theo Mặt trận, đi làm cách mạng đó. Tôi làm cho nước, cho dân, cho những người nghèo khổ. Đúng ra trai tráng các anh phải làm, đằng này không làm mà còn cản trở”.
Biết không thể khuất phục được, địch hèn hạ giết đồng chí. Run sợ trước tinh thần thép của người phụ nữ Trần Thị Có, không tên lính nào dám bắn trúng bà. Tên chỉ huy điên cuồng, tự tay xả xúng vào đồng chí, cắt tai, lưỡi chị xỏ xâu đưa về chợ Mỹ Xuân (xã Hòa Thịnh) uy hiếp tinh thần nhân dân.
Tấm lòng kiên trung, bất khuất của nữ chiến sỹ cách mạng Trần Thị Có đã tô thắm thêm trang sử, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân xã Hòa Thịnh. Xúc động trước tấm gương lẫm liệt của đồng chí, đồng chí Trần Suyền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã trực tiếp biên soạn vở tuồng “Chị Trần Thị Có” và giao đoàn văn công tỉnh trình diễn. Khán giả xem vở tuồng đều bật khóc và đứng phắt dậy hô vang: “Đả đảo Mỹ Diệm, đả đảo Mỹ Diệm”.
Với những hàng động dũng cảm, kiên cường và công lao đóng góp to lớn, ngày 24/6/2005, đồng chí Trần Thị Có được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN,
LIỆT SỸ NGUYỄN THỊ LOAN
(1949 - 1972)
Đồng chí Nguyễn Thị Loan (Bí danh: Hiền), sinh ngày 19/3/1949; quê quán: thôn Phú Hòa, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tham gia cách mạng từ tháng 01/1965, hy sinh ngày 29/10/1972. Chức vụ trước lúc hy sinh: Bí thư Chi bộ xã An Mỹ, kiêm Chính trị viên xã đội An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sỹ Nguyễn Thị Loan
Đồng chí Trần Thị Loan, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1965 (16 tuổi) được cấp trên đưa lên vùng căn cứ theo học lớp y tá cứu thương ngắn hạn. Sau đó đồng chí được tổ chức giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, vận động và trực tiếp tổ chức quần chúng đấu tranh chính trị chống địch càn quét, chống dồn dân lập ấp gây cho địch nhiều khó khăn trong kế hoạch “Bình định nông thôn”. Cùng với công tác đấu tranh chính trị, đồng chí còn trực tiếp làm công tác binh vận, vận động được 07 lính ngụy rời bỏ hàng ngũ địch quay về với cách mạng, xây dựng được 03 cơ sở đặc tình trong hàng ngũ địch cung cấp cho ta nhiều nguồn tin quan trọng. Trong hai năm 1968 – 1969, đồng chí Loan đã xây dựng 04 đội du kích B ở 4 thôn, mỗi đội từ 3-5 đội viên; trực tiếp chỉ huy lực lượng du kích B của xã đánh 09 trận lớn, nhỏ tiêu diệt 15 tên, làm bị thương 09 tên, gây cho địch nhiều hoang mang lo sợ. Năm 1969, đồng chí được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, được chi bộ phân công tiếp tục hoạt động hợp pháp trong vùng địch.
Tháng 01/1970, cơ sở bị lộ, đồng chí bị địch bắt và giam tại trung tâm cải huấn Tuy Hòa, Phú Yên. Mặc dù bị tra tấn rất dã man với nhiều cực hình, song đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, quyết không khai báo, địch không khai thác được gì, nên đến tháng 01/1971 đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng.
Đến tháng 02/1971, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai. Tháng 3/1971, đồng chí vượt ngục trở về chiến khu và được phân công giữ chức Xã đội phó, phụ trách mũi công tác xã An Mỹ, tích cực tham gia đánh địch diệt ác, phá kèm lập nhiều thành tích xuất sắc, từ tháng 3/1971 đến tháng 3/1972, đồng chí tiêu diệt được 05 tên địch.
Tháng 3/1972, đồng chí được phân công giữ chức vụ Bí thư Chi bộ xã An Mỹ. Là một Bí thư chi bộ trẻ, nhiệt huyết và hết sức xông xáo, đồng chí đã ngày đêm sát cánh cùng nhân dân, chăm lo xây dựng thực lực chính trị ở từng cơ sở thôn, xóm và phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân. Đồng chí thường xuyên bí mật về làng (vùng địch chiếm giữ), theo dõi các hoạt động của địch để có kế hoạch kịp thời chỉ đạo anh, em du kích đánh địch.
Đêm 27/10/1972, đồng chí về làng Phú Long, xã An Mỹ (nơi địch dồn dân tạm chiếm) để trực tiếp chỉ đạo nhân dân đấu tranh chính trị đòi Mỹ ký kết Hiệp định Pari. Sau một ngày ở lại vùng địch, cơ sở bị lộ. Địch dẫn một trung đội dân vệ, một trung đội cảnh sát tới bao vây khu vực đồng chí trú ẩn. Với 02 quả lựu đạn, trong tư thế bị bao vây, đồng chí đã bình tĩnh ném quả lựu đạn thứ nhất làm bị thương một tên địch. Biết chị là Bí thư Chi bộ xã đã từng xây dựng nhiều cơ sở cách mạng, địch tập trung lực lượng bao vây và dùng loa kêu gọi chị đầu hàng, quyết bắt sống chị để khai thác. Bị bao vây, chị biết rằng: không thể thoát khỏi mạng lưới cảnh sát, dân vệ đang xiết chặt. Hiểu rõ ý định bắt sống mình để khai thác của kẻ thù, quyết không để sa vào tay giặc, đồng chí Loan chờ bọn địch xông vào, rút chốt quả lựu đạn cuối cùng, giết chết 01 tên địch và anh dũng hy sinh ở tuổi 23.
Quá trình hoạt động và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Thị Loan là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng về tinh thần yêu nước trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dám xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, được nhân dân địa phương cảm phục, ngợi ca. Sau khi hy sinh, nhiều bài thơ, bài hát dân ca, bài chòi, các đề tài lịch sử địa phương ca ngợi chị, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh cách mạng của cán bộ, nhân dân địa phương.
Thể theo nguyện vọng nhân dân địa phương, vào tháng 7/2003 tên chị Nguyễn Thị Loan được đặt cho một con đường ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Thị Loan được Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương kháng chiến hạng 3; 02 Bằng khen của Khu 5; 05 Bằng khen của tỉnh Phú Yên.
Ngày 09/10/2014, đồng chí Nguyễn Thị Loan được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN,
LÊ THỊ MINH HÃNH
Đồng chí Lê Thị Minh Hãnh sinh ngày 19/12/1949, quê quán: Hòa Trị, Tuy Hòa, Phú Yên. Tham gia cách mạng: 01/1/1964; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam 3/1966.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Hãnh đã chỉ huy lực lượng du kích xã Hòa Quang phối hợp với bộ đội chủ lực thực hiện hơn 50 trận đánh, diệt 254 tên địch, làm bị thương 135 tên; thu nhiều vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng…Riêng đồng chí trực tiếp chiến đấu 36 trận, tiêu diệt 44 tên ác ôn.
Từ tháng 3/1965 đến tháng 1/1968 với cương vị là tiểu đội trưởng du kích, xã đội phó, đồng chí Hãnh luôn năng nổ nhiệt tình bám sát địa bàn, xây dựng và phát triển lực lượng du kích, mạng lưới cơ sở, đồng thời phối hợp với bộ đội địa phương tổ chức hàng chục trận diệt ác phá kèm. Trong một trận đánh, mặc dù bị thương ở ngực, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục bám trụ chiến đấu đến cùng, sau trận đánh, đồng chí (17 tuổi) được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 3/1967 Tổ du kích của đồng chí Hãnh phối hợp với một tiểu đội bộ đội địa phương tổ chức phục kích một đại đội biệt kích Mỹ đổ quân xuống. Mặc dù bị thương ở đầu, đồng chí vẫn bám trận địa tiêu diệt 05 tên Mỹ. Sau trận này, đồng chí Hãnh được chọn đi dự Đại hội chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, được công nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Cuối năm 1967, du kích xã được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc mít tinh lớn ở thôn Phú Thạnh, xã Hòa Quang bị địch phát hiện, điều quân đến bao vây, đồng chí Hãnh bị thương (lần 3) ở vai, đứt động mạch chủ, máu ra nhiều nhưng vẫn kịp thời đưa túi tài liệu cho đồng đội, một mình ở lại bám trận địa, thu hút hỏa lực địch tạo điều kiện cho đồng đội rút lui an toàn.
Tháng 2/1968, đồng chí Hãnh về Ban An ninh tỉnh Phú Yên, làm Chính trị viên, Bí thư chi bộ Đội biệt động. Đồng chí đã phối hợp cùng với đồng chí đội trưởng chỉ huy cán bộ, chiến sỹ của đội tiến hành cải trang “Xuất quỷ, nhập thần”, liên tục tổ chức hàng chục trận diệt ác ôn giữa ban ngày tại hang ổ của địch, gây nhiều chấn động, hoang mang trong hàng ngũ địch, làm cho bọn tề ngụy, ác ôn khiếp sợ, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Minh Hãnh
Cuối năm 1968 và đầu năm 1969, bọn gián điệp, tình báo, ác ôn, ngụy quân, ngụy quyền hoạt động mạnh, nhiều cơ sở và một số cán bộ của ta bị địch phát hiện, gây tổn thất lớn cho cách mạng. Đồng chí Hãnh đã phát hiện tên Hạnh là một tình báo viên, mang mật danh “Thiên nga” được CIA đào tạo và trực tiếp chỉ đạo các hoạt động phá hoại cách mạng. Tháng 3/1969, đồng chí được giao nhiệm vụ bằng bất cứ giá nào cũng phải diệt cho được tên Hạnh, đồng chí đã cải trang thành một cô gái thành phố, sang trọng, khôn khéo vượt qua các chốt gác của địch tiếp cận, tiêu diệt tên Hạnh tại nơi làm việc giữa ban ngày và rút về căn cứ. Tháng 10/1969, đồng chí Hãnh cùng 2 đồng chí an ninh vũ trang bí mật đột nhập vào trụ sở bọn mật báo viên CIA và tiêu diệt 2 tên mật báo viên nằm vùng.
Tháng 8/1970, trên đường đi từ căn cứ về thị xã, tổ công tác của chị lọt vào ổ phục kích của lính Nam Triều Tiên, 2 đồng đội của chị hy sinh tại chỗ, riêng chị bị thương nặng (lần 4), cổ chân bị gãy, bàn chân phải dập nát, chân trái bị trúng 2 mảnh đạn, nhưng chị tiếp tục chiến đấu chống trả quyết liệt, tiêu diệt được 8 tên lính biệt kích Nam Triều Tiên, tạo điều kiện tổ công tác rút lui an toàn.
Ngoài nhiệm vụ diệt ác, đồng chí đã trực tiếp viết hàng trăm thư răn đe, cảnh cáo bọn ác ôn, tề ngụy và cảm hóa vận động gần 20 binh lính ngụy bỏ ngũ về với cách mạng.
Với những thành tích đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Hãnh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 01 Huân chương chiến công hạng Nhất, 01 Huân chương quyết thắng hạnh Nhất, 01 Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, 02 Huân chương giải phóng hạng Hai, 03 Huân chương giải phóng hạng Ba, 02 Huân chương giải phóng hạng Nhất, hạng Nhì, 01 Huy chương vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ngày 06/10/2009, đồng chí Lê Thị Minh Hãnh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.