Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm "thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai" là rất xác đáng

Thứ năm - 12/09/2024 03:20 207 0
Sáng 28/8/2024, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận về Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào khoản 1 Điều 2 để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai. Ý kiến khác đề nghị thiết kế một điều luật riêng để điều chỉnh hành vi mua bán bào thai; có ý kiến băn khoăn việc nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai mà không nhằm mục đích mua bán người do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

Qua rà soát quy định của pháp luật liên quan, Thường trực UBTP nhận thấy, trong một số trường hợp, quyền dân sự chỉ có thể được xác lập sau khi một người được sinh ra và còn sống; theo quy định của Bộ luật hình sự thì việc phạm tội đối với phụ nữ mang thai chỉ bị coi là tình tiết tăng nặng mà không bị coi là phạm tội đối với nhiều người. Như vậy, về mặt pháp lý, chỉ được coi là người khi được sinh ra và còn sống. Theo y học thì bào thai cũng chưa được xác định là người. Khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật quy định về khái niệm về mua bán người; trong khi bào thai chưa được xác định là con người như trên đã phân tích, nên Thường trực UBTP cho rằng, việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp.

Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại (nhiều trường hợp phụ nữ mang thai đã thỏa thuận xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó sinh và giao con cho người khác để lấy tiền, vật chất để về nước). Việc thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai), nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh.

Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng, chống mua bán người từ sớm, từ xa; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, Thường trực UBTP cho rằng, ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai là rất xác đáng và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) thảo luận tại Hội nghị.

Đối với ý kiến băn khoăn về việc nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai mà không nhằm mục đích mua bán người, Thường trực UBTP nhận thấy, hành vi mua bán bào thai cho dù nhằm mục đích gì thì đều là việc làm vô nhân đạo, trái với thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự và xã hội, nên cần thiết phải nghiêm cấm. Từ các lý do trên, dự thảo Luật đã được tiếp thu theo hướng: bổ sung 1 khoản (khoản 2) vào Điều 3 hành vi bị nghiêm cấm "mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai".

Thảo luận tại Hội nghị, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh quy định nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai, thoả thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai là điểm mới, tuy nhiên đề nghị cần thực hiện rà soát, tham khảo chi tiết các luật liên quan để có sự thống nhất trong thi hành. Bày tỏ đồng tình cao với việc nghiêm cấm mua bán bào thai, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, trên thực tế diễn ra rất nhiều vấn đề. "Ví dụ, vợ chồng tôi hiếm muộn, rất cần một đứa con để nuôi. Tôi thỏa thuận với anh A, chị B đang mang thai mà hoàn cảnh khó khăn, hứa sẽ đưa tiền bồi dưỡng để nuôi nấng bào thai. Khi chị B sinh con, giao con cho tôi nuôi, là vấn đề tự thỏa thuận, thì có phải là mua bán hay không?" - ông dẫn chứng và đề nghị cân nhắc kỹ, quy định rõ xem đó là hành vi mua bán người hay là hành vi nhân đạo?

Đề cập đến khoản 1 Điều 27 quy định đối tượng trình báo, ĐBQH Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo xem xét, mở rộng phương thức trình báo. "Ngoài trực tiếp đến cơ quan, tổ chức và gọi điện đến tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người, cần quan tâm đến một số cách thức khác như qua tin nhắn, email... sao cho phù hợp với thực tiễn hiện nay", ông góp ý.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) thảo luận tại Hội nghị.

ĐBQH tỉnh Đắk Nông dẫn thực tế, nhiều trường hợp công dân cố tình xuất cảnh trái phép làm việc tại các sòng bài, khu giải trí, khu lao động..., sau đó, bị bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục... thì báo cáo với cơ quan ngoại giao bản thân là nạn nhân mua bán người, từ đó, nhận chính sách hỗ trợ từ Nhà nước không đúng đối tượng, trong khi việc xác minh những người này không phải là nạn nhân rất khó khăn, mất nhiều thời gian.

"Do đó, ngoài việc thu hồi các chính sách hỗ trợ chung, cần có quy định cụ thể, rõ ràng các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận là nạn nhân mua bán người. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ sở pháp lý để cấp lại giấy chứng nhận là nạn nhân mua bán người trong trường hợp nạn nhân làm mất hoặc thất lạc để có cơ sở áp dụng trong thực tiễn", đại biểu kiến nghị.

Về việc thành lập cơ sơ hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội khác (Điều 47), ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị xem xét, luật hoá nội dung này, đặc biệt về điều kiện, quy định thành lập, thay vì giao Chính phủ quy định chi tiết.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, trên thực tế 10 năm qua chưa có cơ sở trợ giúp xã hội nào được thành lập, lý do là phải có cung mới có cầu. Mỗi năm, trung bình chúng ta tiếp nhận khoảng 200-300 nạn nhân bị mua bán, cá biệt có năm cao nhất là 700 nạn nhân, song các cơ sở hỗ trợ nạn nhân đã tiếp nhận, thực hiện các quy định của Luật này. Từ đó, ông đề nghị không nên quy định mô hình cơ sở trợ giúp xã hội, song nên có cơ chế để các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước có thể phối hợp, chung tay góp sức với Nhà nước qua các cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì công tác hỗ trợ nạn nhân sẽ hiệu quả hơn.

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu tại Hội nghị; khẳng định, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBTP, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây theo đúng tiến độ.

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây