Thời gian qua, đại đa số ý kiến của người dân trong cả nước đồng tình cao với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với việc nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thì vẫn còn một số ý kiến cho rằng việc nghiêm cấm hành vi này là chưa phù hợp với thực tế và văn hóa Việt Nam; chỉ nên quy định nồng độ cồn ở mức độ hoặc giới hạn nhất định vì nhiều người có “tửu lượng cao” dù uống rượu, bia nhưng vẫn tỉnh táo để điều khiển phương tiện tham gia giao thông hoặc có trường hợp ăn, uống một số loại hoa quả lên men thì trong hơi thở cũng có nồng độ cồn. Tuy nhiên, để có cơ sở xây dựng và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các chuyên gia, nhà khoa học đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức nhiều cuộc điều tra xã hội học, hội thảo khoa học để lấy ý kiến của các chuyên gia y tế tại các Bệnh viện lớn của Việt Nam về vấn đề tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ, kết quả cho thấy:
Thứ nhất, rượu, bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người, đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thực tế chứng minh trên địa bàn tỉnh Phú Yên, ngay từ đầu năm 2024, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, được các đơn vị thành viên, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là giải pháp về tuần tra, lập chốt kiểm tra, xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; nhờ đó, tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 đã giảm trên cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với 6 tháng đầu năm 2023: Giảm 01 vụ, giảm 05 người chết và 10 người bị thương. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý nghiêm đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn để phát huy hiệu quả đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ hai, sử dụng rượu, bia khi lái xe là vấn đề xã hội trên toàn thế giới. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn. Trong điều kiện văn hóa và giao thông Việt Nam hiện nay, việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông với “nồng độ cồn bằng không” là thực sự cần thiết. Bởi vì: điều kiện giao thông ở Việt Nam có nhiều đặc thù như: cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, ý thức chấp hành quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người dân chưa cao, còn có trường hợp xem thường pháp luật, thậm chí có trường hợp còn thách thức lại lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý…, đòi hỏi người điều kiển phương tiện tham gia giao thông phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu có tình huống bất ngờ xảy ra. Theo khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào xếp hạng cao trên thế giới. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn mang lại giá trị nhân văn sâu sắc; trong trường hợp một người có ý thức kém, vi phạm quy định về nồng độ cồn nghiêm trọng tiềm tàng gây ra nhiều nguy cơ, thiệt hại lớn về con người và tài sản.
Lực lượng CSGT-TT Công an thành phố Tuy Hòa kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn Phường 8, thành phố Tuy Hòa.
Thứ ba, Luật không cấm sử dụng rượu, bia mà chỉ cấm những người sử dụng rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, khi ăn hoặc uống một số loại hoa quả lên men thì cũng dễ để lại nồng độ cồn trong máu và hơi thở nhưng ở mức độ rất thấp, không đáng kể và sẽ được cơ thể chuyển hóa hết rất nhanh.
Với các lí do nêu trên, mọi người dân khi tham gia giao thông cần hiểu đúng quy định của pháp luật về nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trong quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông; bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật./.