Góp phần quan trọng vào thắng lợi của Kế hoạch CM-12 không thể không nói đến công tác kỹ thuật nghiệp vụ (KTNV) của lực lượng CAND. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ là một trong hai đơn vị tham gia trực tiếp “Kế hoạch CM-12” được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1985.
Kế hoạch CM-12 là một chiến dịch phản gián của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam, được triển khai từ năm 1981 đến năm 1988, đấu tranh với tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Đây là một tổ chức phản cách mạng hoạt động dưới sự hậu thuẫn của cơ quan tình báo một số nước thù địch.
Tổ nghiên cứu xử lý tin Phòng 5 trong đấu tranh chuyên án. Ảnh tư liệu. |
Tháng 7/1975, Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh xuất cảnh sang Pháp, mang theo sự “cam kết” ban đầu của số phản cách mạng trong nước làm “vốn chính trị”. Tháng 2/1976, Lê Quốc Tuý - Mai Văn Hạnh tổ chức họp báo công bố thành lập “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam” ở Paris (Pháp). Sau đó, toàn bộ hoạt động của Lê Quốc Tuý - Mai Văn Hạnh và đồng bọn đi vào bí mật. Chúng móc nối được với các cơ quan tình báo trong khu vực… và được sự ủng hộ từ các nước này.
Tại Thái Lan, “Mặt trận” này đã tổ chức được 14 “khoá huấn luyện”, 4 khoá truyền tin, 1 khoá tiếng Khmer, 2 khoá sử dụng chất nổ với tổng số hàng trăm tên. Tuý - Hạnh đã tổ chức móc nối, liên lạc với 10 tổ chức phản động hoạt động ngầm và các đầu mối gián điệp của cơ quan tình báo Mỹ và tình báo ngụy quyền Sài Gòn được cài cắm lại.
Đến tháng 9/1984, sau ba năm đấu tranh quyết liệt, hút được gần hết lực lượng và phương tiện của địch ở nước ngoài về, bóc gỡ hầu hết các tổ chức mạng lưới phản động trong nội địa của chúng, lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã quyết định kết thúc Kế hoạch CM-12. Thời điểm đó, ta đã bắt giữ và tiêu diệt 146 tên gián điệp biệt kích, trong đó có Mai Văn Hạnh; thu giữ 143 tấn vũ khí trong đó có 3.579 khẩu súng các loại, 1.200kg thuốc nổ, 38.400 lựu đạn, hơn 2 triệu viên đạn, 18 bộ điện đài, 2 tàu vận tải, 300 triệu tiền Ngân hàng Việt Nam giả…
Tuy nhiên, do Lê Quốc Tuý bệnh nặng không về nước với Mai Văn Hạnh trong chuyến xâm nhập ngày 9/9/1981, nên ta quyết định rất táo bạo, sáng tạo là vẫn kết thúc giai đoạn 1 của Kế hoạch CM-12, nhưng chủ động cho tách một cách khéo léo Kế hoạch ĐN-10 vốn được lập trong Kế hoạch CM-12 để tiếp tục đấu tranh làm thất bại hoàn toàn âm mưu và hoạt động của địch.
Tháng 12/1984, tại TP Hồ Chí Minh, Toà án nhân dân tối cao đã đưa ra xét xử công khai sơ thẩm đồng thời chung thẩm vụ án “Gián điệp…” (vụ CM-12). Dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao chiến công xuất sắc của lực lượng an ninh Việt Nam trong Kế hoạch CM-12. Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Huỳnh Vĩnh Sanh, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch bị kết án tử hình. Nhiều tên gián điệp biệt kích và phản cách mạng khác bị kết án tù. Riêng Mai Văn Hạnh sau đó được Nhà nước Việt Nam ân xá cho trở lại Pháp, nhưng sau đó, Hạnh đã bị đồng bọn sát hại tại Mỹ.
Kế hoạch ĐN-10 được tiếp nối và thực hiện đến đầu năm 1988. Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Tổng cục An ninh tiếp tục huy động một số lực lượng các đơn vị nghiệp vụ, trinh sát kỹ thuật và Công an các tỉnh Nam Bộ; hợp đồng tác chiến với quân đội nhân dân mà trực tiếp với lực lượng quân báo Quân khu 7; hợp tác với nước bạn Campuchia… câu nhử hầu hết số quân còn lại của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” về và bắt giữ.
Ngày 25/1/1988, Lê Quốc Tuý chết vì trọng bệnh ở Paris, Pháp. Vài tháng sau đó, ngày 4/3/1988, kẻ chỉ huy sau Lê Quốc Tuý còn lại tại Thái Lan đã tuyên bố chấm dứt hoạt động của tổ chức phản cách mạng này. Kế hoạch CM-12 đã thực sự kết thúc hoàn toàn với thắng lợi rất to lớn của lực lượng an ninh Việt Nam.
Điều đáng nói là toàn bộ âm mưu, ý đồ và kế hoạch hành động của bọn Tuý - Hạnh và các quan thầy của chúng là các cơ quan tình báo nước ngoài đã bị CAND Việt Nam đập tan hoàn toàn với chủ trương “tương kế tựu kế, dùng địch đánh địch” một cách tài trí, mưu lược, bản lĩnh trong một chiến dịch phản gián lẫy lừng mang tên “Kế hoạch CM-12”. Lực lượng KTNV tự hào đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của Kế hoạch CM-12.
Từ ngày đầu tháng 1/1981, sau khi lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thông báo có một toán gián điệp biệt kích người Việt lưu vong xâm nhập An Giang mang theo điện đài, lãnh đạo Cục KTNV đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh. Từ kết quả xác minh cho thấy, các phòng nghiệp vụ của Cụcđã phát hiện những thông tin ban đầu về hoạt động điện đài của bọn gián điệp biệt kích mới này trong giai đoạn thử nghiệmliên lạc.
Đáng chú ý, ngày 4/11/1980, lực lượng KTNV đã phát hiện một cặp điện đài liên lạc với nhau, phát đi các bức điện mật và xác định được các điện đài này ở Bangkok và Trạt, Thái Lan… Khi có thông tin về toán gián điệp xâm nhập, Cục KTNV đã phân tích và kết luận các điện đài này chính là của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” và đặt bí số là GB-80. Kết luận này đã được báo cáo với Bộ trưởng Phạm Hùng và Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm.
Sau khi lực lượng an ninh và Công an các tỉnh Kiên Giang, An Giang bắt giữ một số tên gián điệp biệt kích xâm nhập, ngày 27/1/1981, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã tổ chức một cuộc họp quan trọng với lãnh đạo một số Công an các tỉnh Nam Bộ có liên quan, đánh giá âm mưu, hoạt động của bọn phản cách mạng mới xâm nhập, đề ra chủ trương truy bắt số xâm nhập còn lẩn trốn, khai thác số tên đã bị bắt, “tương kế tựu kế, dùng địch đánh lại địch”.
Chuyên án AB-27 được xác lập để đấu tranh với bọn gián điệp biệt kích “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam” và các cơ quan tình báo nước ngoài hậu thuẫn chúng. Lực lượng KTNV được lãnh đạo Bộ Nội vụ chỉ đạo và huy động tham gia đấu tranh với “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng miền Nam Việt Nam” do Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh cầm đầu ngay từ khi bắt đầu chuyên án AB-27.
Cục KTNV cử một tổ công tác trực tiếp đi Kiên Giang khai thác số gián điệp bị bắt, kiểm tra điện đài, tài liệu quy ước liên lạc, mật mã đã được ta thu giữ; đồng thời, đã cử một cán bộ trinh sát cùng tham gia “Tổ công tác đặc biệt” để giám sát và tổ chức thực hiện chủ trương “tương kế tựu kế” đánh lại địch.
Qua đấu tranh chuyên án AB-27, ta đã phán đoán địch có thể chuyển hướng xâm nhập bằng đường biển vào Việt Nam. Ngày 12/5/1981, đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng đã triệu tập lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh và các tỉnh duyên hải từ Khánh Hoà đến Kiên Giang và chủ trì một hội nghị quan trọng để chỉ đạo tổ chức thực hiện các phương án đón bắt bọn gián điệp biệt kích xâm nhập. Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã chỉ đạo rất cụ thể là phải chú ý cảnh giác, phát hiện, bắt sống gián điệp biệt kích, thu giữ điện đài, tài liệu của chúng để phục vụ công tác đấu tranh sau này một cách táo bạo, bản lĩnh.
Đúng ngày 12/5/1981, Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh đã tổ chức tung một toán gián điệp biệt kích từ Thái Lan xâm nhập bằng đường biển từ cảng Rayon qua vịnh Thái Lan vào Việt Nam. Trong khi đó, lực lượng KTNV vẫn tổ chức theo dõi chặt chẽ hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc của địch và đã nhạy bén phát hiện một đài tàu biển của tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam” xuất hiện ở vùng đảo Thổ Chu, Kiên Giang vào ngày 14/5/1981. Tin này được báo cáo ngay và được lãnh đạo Bộ Nội vụ chỉ đạo Công an Kiên Giang và Minh Hải tập trung cảnh giác, phát hiện và bắt giữ bọn gián điệp biệt kích xâm nhập.
Tiếp đó, ngày 15/5/1981, Công an huyện Trần Văn Thời (tỉnh Minh Hải) đã phát hiện, truy bắt kịp thời, thu giữ điện đài, tài liệu và bắt sống hầu hết toán gián điệp biệt kích của Tuý - Hạnh xâm nhập bằng đường biển sau khi vài đối tượng ra đầu thú với chính quyền địa phương. Chỉ một tên toán trưởng chống cự bị dân quân địa phương bắn chết.
Nhận được báo cáo của Công an tỉnh Minh Hải, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã cử đồng chí Nguyễn Phước Tân, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị 4 và chỉ đạo Cục KTNV cử một tổ công tác đi ngay Minh Hải để cấp tốc khai thác số gián điệp biệt kích bị bắt giữ, kiểm tra điện đài, tài liệu để “tương kế tựu kế, dùng địch đánh địch”.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và khôn khéo, bằng chủ trương giáo dục, thuyết phục chính nghĩa, đối xử nhân đạo các cán bộ ta đã làm cho số gián điệp biệt kích khai báo toàn bộ âm mưu, nhiệm vụ của toán khi xâm nhập về Việt Nam mà Lê Quốc Tuý đã giao.
Từ thành công bước đầu, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xây dựng một kế hoạch táo bạo thực hiện “trò chơi nghiệp vụ”, tương kế tựu kế, tổ chức thiết lập một “đầu cầu” tại trại cải tạo Rạch Ruộng (Cà Mau) vừa đảm bảo bí mật vừa hợp lý khi địa điểm này cách nơi xâm nhập không xa để liên lạc với trung tâm địch ở Bangkok.
Cục KTNV tiếp tục cử một cán bộ trinh sát tham gia “Tổ đặc biệt” thực hiện nhiệm vụ giám sát thông tin và các công tác khác được lãnh đạo Bộ giao ngay tại địa bàn Cà Mau, Bạc Liêu (Minh Hải). Sau khi kiểm tra điều kiện cần thiết, lãnh đạo Bộ quyết định cho điện đài của “Tổ đặc biệt” lên tiếng liên lạc với “Tổng hành dinh” của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam” tại Bangkok (Thái Lan) vào tối 22/5/1981. Trung tâm địch đã kết nối với “Tổ đặc biệt”. Đây là thành công có ý nghĩa mở đầu cho một kế hoạch phản gián mới. Lãnh đạo Bộ quyết định xác lập chuyên án CM-12 để đấu tranh với địch.
Bộ Nội vụ đã quyết định thành lập một tổ chức chiến đấu tinh gọn, hiệu quả gồm: Ban chỉ đạo và bộ phận chỉ huy trực tiếp, bộ phận tham mưu, lực lượng chiến đấu (trinh sát và kỹ thuật nghiệp vụ) ở các địa bàn trọng điểm, biên giới, bờ biển, hải đảo những nơi đón bắt bọn xâm nhập; lực lượng trinh sát chuyên án đấu tranh với các tổ chức trong nội địa; thông tin liên lạc, cơ yếu chuyên trách cho Kế hoạch CM-12; và lực lượng hậu cần, phục vụ chiến đấu. Trong đó, công tác KTNV được sử dụng, vận dụng và phối hợp với công tác nghiệp vụ một cách nhuần nhuyễn, chặt chẽ và có hiệu quả cao trong đánh địch.
Trong suốt quá trình đấu tranh với địch trong Kế hoạch CM-12 và sau này là Kế hoạch ĐN-10 kéo dài từ cuối năm 1980 đến đầu năm 1988, lực lượng KTNV đã tổ chức triển khai các phương án chiến đấu liên tục ngày và đêm 24/24, giám sát chặt chẽ và hiệu quả toàn bộ các hoạt động thông tin liên lạc của tổ chức phản cách mạng “Mặt trận thống nhất các lực lượng giải phóng Việt Nam” của Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh.
Công tác KTNV đã kịp thời phát hiện các thay đổi về quy ước liên lạc, thay đổi mật mã và đã thám mở được toàn bộ các mật mã của bọn gián điệp biệt kích này, thu toàn bộ nội dung chỉ đạo, thông tin về hoạt động của bọn gián điệp biệt kích ở nước ngoài, không kể các đường dây thông tin do ta khống chế, giám sát của CM-12 và ĐN-10. Tất cả hành trình các chuyến xâm nhập vào Việt Nam đều bị lực lượng KTNV phát hiện, định vị một cách chính xác, mặc dù chúng tìm mọi cách ngụy trang tinh vi, xảo quyệt.
Cục KTNV cũng được lãnh đạo Bộ tin tưởng giao trách nhiệm tổ chức các tuyến thông tin liên lạc của Ban chỉ đạo Kế hoạch CM-12 phục vụ đấu tranh kịp thời, nhanh chóng, chính xác, đảm bảo tuyệt đối bí mật; được Ban chỉ đạo huy động thực hiện các biện pháp thu thập thông tin, hình ảnh một cách bí mật trong Kế hoạch CM-12, nhất là trong các chuyến Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh xâm nhập vào Việt Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Kế hoạch CM-12.
Thắng lợi của Kế hoạch CM-12 thể hiện bản lĩnh chính trị kiên cường, nghiệp vụ sắc bén, tinh thần hiệp đồng chiến đấu mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của lực lượng An ninh nhân dân, trong đó có sự đóng góp thầm lặng, đắc lực của lực lượng KTNV; góp phần đập tan âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động hòng gây bạo loạn, lật đổ chế độ ta; là dấu son chói lọi trong trang vàng lịch sử đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân của lực lượng CAND Việt Nam. |
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân
Ý kiến bạn đọc