Ma Nghĩa ( thứ hai, từ phải sang) cùng già làng Ma Hiền trao đổi công tác với cán bộ An ninh Công an huyện Sơn Hoà Ở huyện Sơn Hoà, khi nhắc đến Ma Nghĩa ở buôn Ma Lưng, xã Cà Lúi, mọi người đều nói về ông với một tình cảm yêu mến, kính trọng. Ma Nghĩa năm nay 62 tuổi. Bước đi khoan thai, giọng nói truyền cảm, nhìn ông thấy toát lên phong cách của một nhà giáo tận tâm với nghề. Trong suốt cuộc đời của mình, Ma Nghĩa đã có trên 15 năm làm nghề dạy học; gần 25 năm công tác ở UBND xã Cà Lúi. Ông là người tiên phong đi đầu tuyên truyền, vận động bà con buôn làng cho con em đến trường để học “cái chữ” cho cái đầu sáng; tuyên truyền vận động bà con làm lúa nước để tăng năng suất; tuyên truyền vận động bà con xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nghi kỵ thuốc độc; đặc biệt, Ma Nghĩa còn là người có uy tín, tham gia hoà giải rất nhiều vụ mâu thuẫn xảy ra trong buôn làng vv…Năm 2017, ông về nghỉ hưu. Mặc dù sức khoẻ không còn như thời trai trẻ nhưng nhiệt huyết vẫn còn cháy bỏng trong ông. Giờ đây, ông vẫn tham gia dạy tiếng Ê Đê cho cán bộ, công chức, viên chức trên toàn tỉnh và cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Sơn Hoà.
Người “gieo chữ”, ươm mầm, hiến 3000 mét vuông đất xây trường Mầm non
Trong cái nắng hanh vàng của những ngày hè tháng 6, chúng tôi có dịp đến xã Cà Lúi, huyện Sơn Hoà. Con đường đất đỏ bụi bay mù mịt vào mùa hè, lầy lội vào mùa mưa giờ đây đã được thay bằng con đường nhựa, đường bê tông phẳng lì về tới tận thôn, buôn. Hai bên đường, những rẫy mía, rẫy mì xanh mướt trải dài ngút tầm mắt. Trung tá Trần Trung Tín- Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Sơn Hoà đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Ma Nghĩa ở buôn Ma Lưng, xã Cà Lúi. Trong không khí ấm áp, chân tình, Ma Nghĩa đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình.
Kpă Vương hay còn gọi là Ma Nghĩa sinh ra và lớn lên trong vùng căn cứ cách mạng ở buôn Ma Lưng, xã Cà Lúi, huyện Sơn Hoà, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và truyền thống hiếu học đã nuôi dưỡng ước mơ và tiếp thêm nghị lực cho chàng thanh niên dân tộc Chăm- Hroi. Ngay từ nhỏ, ông rất ham học và học rất giỏi. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cuộc sống của bà con buôn Ma Lưng và các buôn ở xã Cà Lúi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nơi đây còn được xem là nơi “rừng thiêng, nước độc”, căn bệnh sốt rét rừng hành hạ Ma Nghĩa và bà con buôn làng biết bao lần. Với ý chí quyết tâm và tinh thần hiếu học, lúc đó, ông được Chính quyền địa phương phân công làm giáo viên Tiểu học xã Cà Lúi, dạy học cho các em học sinh tiểu học trên địa bàn xã. Vừa dạy, vừa học thêm bổ túc văn hoá, năm 1980, ông được phân công làm Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Suối Trai. Từ xã Cà Lúi đến xã Suối Trai khoảng hơn 40 cây số. Hồi đó, đường giao thông không thuận tiện như bây giờ, ông phải băng rừng vượt suối hơn 40 cây số đến trường. Phương tiện lúc đó chỉ là đôi chân dẻo dai, bền bỉ và một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, yêu thương đã tiếp thêm sức mạnh cho Ma Nghĩa vượt qua mọi khó khăn, vất vả. Trong suốt 5 năm dạy học ở xã Suối Trai, ông đã mang hết tâm huyết, kiến thức của mình truyền thụ cho thế hệ trẻ. Lớp lớp thế hệ học trò được ông dạy dỗ, dìu dắt nay đã trưởng thành, trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội, đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, buôn làng như Sô Minh Nghĩa – Chủ tịch Hội nông dân huyện Sơn Hòa; Rơ Chăm Vũng – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BCH Quân sự huyện Sơn Hòa vv…Hơn 15 năm công tác trong ngành giáo dục, năm 1992, Ma Nghĩa được Chính quyền địa phương phân công về công tác tại Uỷ ban nhân dân (UBND) xã Cà Lúi, huyện Sơn Hoà. Trên cương vị, lĩnh vực công tác mới, ông cũng hết lòng vì công việc, có nhiều đóng góp cho quê hương nên ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi liên tiếp 3 nhiệm kỳ. Mặc dù công việc hết sức bận rộn nhưng phẩm chất nhà giáo trong ông vẫn luôn cháy bỏng. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc học tập nên bản thân ông không ngừng học tập, trau dồi kiến thức từng ngày. Từ năm 2016 đến nay, Ma Nghĩa về nghỉ hưu. Trong suốt 5 năm qua, được sự tin tưởng của Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên, Ma Nghĩa tiếp tục trở về với nghề giáo, giảng dạy tiếng Ê Đê cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Sơn Hoà. Ông đã phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và huyện mở trên 10 lớp dạy tiếng Ê Đê cho trên 600 học viên là cán bộ trên địa bàn huyện, xã. Thông qua những lớp học này, những học viên được ông giảng dạy đã tiếp thu được những kiến thức cơ bản về tiếng nói và văn hoá dân tộc Ê Đê. Trung tá Trần Trung Tín- Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Sơn Hoà chia sẻ: “Là một cán bộ An ninh ở địa bàn miền núi, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì người cán bộ an ninh phải biết được tiếng đồng bào DTTS và am hiểu sâu sắc phong tục tập quán của bà con. Nhờ có thầy giáo Ma Nghĩa có nhiều kinh nghiệm và dạy hết sức nhiệt tình, chúng tôi đã cơ bản tiếp thu đượctiếng và phong tục tập quán của dân tộc Ê Đê, từ đó giúp chúng tôi thuận lợi hơn rất nhiều trong công tác, nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, dễ dàng hơn trong công tác tuyên truyền mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bà con buôn làng.” Những học viên sau khi được thầy giáo Ma Nghĩa dạy tiếng Ê Đê, họ vừa thuận lợi trong giao tiếp với người Ê Đê vừa sử dụng chữ viết của người Ê Đê để phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, góp phần bảo tồn, phát huy, làm giàu thêm những giá trị văn hoá truyền thống. Đặc biệt những học viên kết thúc khoá học được cấp chứng chỉ thay thế chứng chỉ tiếng Anh cho cán bộ công tác ở vùng đồng bào DTTS.
Ma Nghĩa dạy tiếng Ê Đê cho cán bộ Công an và công chức xã Cà Lúi Không chỉ là một thầy giáo, một cán bộ tận tâm với nghề, Ma Nghĩa còn là người có tấm lòng nhân hậu, bao dung. Trướcđây, tình hình kinh tế địa phương còn gặp nhiều khó khăn, buôn Ma Lưng chưa có trường mầm non, bố mẹ các cháu không yên tâm khi đi làm nương rẫy, năm 2017, gia đình Ma Nghĩa đã quyết định hiến tặng địa phương 3.000 mét vuông đất, sát bên đường để xây dựng trường Mầm non. Có trường, các cháu được chăm lo dạy dỗ chu đáo nên cha mẹ các cháu rất mừng, yên tâm đi làm nương rẫy.
Hết lòng với bà con buôn làng, trong gia đình ông là người cha gương mẫu, hết lòng yêu thương con cái. Mặc dù cuộc sống kinh tế gia đình ông còn gặp nhiều thiếu thốn nhưng ông luôn giúp đỡ, động viên các con và các cháu trong buôn làng phải chăm chỉ học hành để “cái đầu sáng”, “cái tay làm được nhiều lúa, nhiều khoai”. 6 người con của gia đình Ma Nghĩa thì 5 cháu đều có bằng Đại học, 01 cháu tốt nghiệp Trung cấp Y đang học liên thông lên Đại học. Các con ông đều trưởng thành, tiến bộ, đều đang công tác tại xã Cà Lúi, cống hiến sức trẻ, tri thức của mình để xây dựng quê hương.
Ma Nghĩa nghiên cứu tiếng dân tộc Ê Đê Tấm lòng, tình cảm và sự cống hiến của ông Ma Nghĩa trong sự nghiệp giáo dục đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương ghi nhận, bà con buôn làng kính trọng, yêu mến. Ma Nghĩa đã được các cấp tặng thưởng rất nhiều bằng khen, giấy khen vì sự nghiệp giáo dục; năm 2020, ông vinh dự được tỉnh Phú Yên chọn tham dự Hội khuyến học toàn quốc và người tiêu biểu trong công tác giữ gìn ANTT vùng đồng bào DTTS tổ chức tại Hà Nội. Ma Nghĩa thổ lộ : “Hàng ngày, nhìn các con học hành tiến bộ, các cháu trong buôn làng chăm chỉ học hành, đó là nguồn động viên lớn nhất, là phần thưởng quí giá của những người làm nghề giáo. Đó là niềm tự hào, niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình tôi.”
Người “ giữ lửa” cho buôn làng
62 tuổi đời, hơn 40 năm làm nghề giáo và tham gia công tác xã hội ở địa phương, liên tiếp 3 nhiệm kỳ là Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, ông Ma Nghĩa có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển, bình yên của buôn làng. Xã Cà Lúi có khoảng 660 hộ dân, gần 2.900 người, 90% bà con là người DTTS; cây sắn, cây mía và lúa nước là kinh tế chủ lực; trình độ nhận thức của một số bà con có mặt còn hạn chế. Các tập tục lạc hậu như nghi kỵ thuốc độc, bắt vạ đòi đền trâu, đền bò; phân xử thắng thua bằng lặn nước vv…ăn sâu, bén rễ trong nhận thức của bà con. Những tập tục lạc hậu này nếu không được xóa bỏ kịp thời dễ xảy ra hậu quả xấu, gây chia rẽ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Là người có uy tín, có trình độ lại am hiểu phong tục tập quán của bà con, trong những năm qua, ông Ma Nghĩa đã tham gia giải quyết, hoà giải nhiều vụ mâu thuẫn xảy ra ở địa phương, góp phần bảo vệ sự bình yên trên những buôn làng. Một trong những vụ việc mà ông nhớ nhất là hoà giải mâu thuẫn giữa ông Ma Uôn ở buôn Ma Đao và ông Ma Phởi ở buôn Ma Nhe vào năm 2000. Ma Uôn và Ma Phởi là hai anh em họ. Hai người thường xuyên gặp gỡ, uống rượu cùng nhau. Hôm đó, sau khi hai anh em uống rượu về, Ma Uôn tự nhiên bị đau bụng quằn quại, cho rằng Ma Phởi bỏ thuốc độc nên Ma Uôn bắt vạ Ma Phởi, đòi buôn làng phân xử theo tập tục của bà con DTTS . Sau khi nắm được tình hình, chính quyền địa phương, Ma Nghĩa và già làng đã hai lần đến nhà Ma Uôn vận động, giải thích nhưng Ma Uôn vẫn không nghe, cương quyết đòi xử theo tập tục. Mâu thuẫn trở nên hết sức căng thẳng, đến lần thứ ba, với vai trò là Phó Chủ tịch UBND xã, Ma Nghĩa đã cùng với một số cán bộ xã, y tế xã đưa Ma Uôn đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên để khám bệnh. Kết quả xét nghiệm của bệnh viện cho biết Ma Uôn bị sốt siêu vi và sốt rét rừng nên cơ thể đau bệnh, suy nhược. Nhờ được khám bệnh, chữa trị kịp thời, Ma Uôn đã khỏi bệnh. Việc hoà giải giữa Ma Uôn và Ma Phởi thành công, hai gia đình lại hoà thuận như xưa. Trường hợp hoà giải mâu thuẫn giữa thanh niên hai buôn Ma Đĩa và Ma Lúa, xã Cà Lúi năm 2017 cũng có sự tham gia đóng góp rất lớn của Ma Nghĩa. Ngày 25/4/2017, chỉ vì mâu thuẫn, xích mích nhau trong lúc uống rượu giữa hai nhóm thanh niên của hai buôn Ma Đĩa và Ma Lúa mà thanh niên của hai buôn này dùng hung khí kéo đến gây gổ đánh nhau, vụ việc mâu thuẫn hết sức căng thẳng, đòi bắt vạ đền trâu, bò. Trước tình hình đó, Ma Nghĩa cùng chính quyền địa phương, cán bộ Công an huyện Sơn Hoà và các già làng ở 7 buôn đã kiên trì tuyên truyền, vận động giải thích. Bằng những lời nói thấu tình, đạt lý, am hiểu phong tục tập quán của bà con buôn làng, kết quả, Ma Nghĩa đã góp phần hoà giải vụ việc mâu thuẫn trên. Một số thanh niên ở hai buôn vi phạm pháp luật đã bị Công an huyện xử lý vi phạm hành chính. Sau vụ việc đó, mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa bà con hai buôn làng lại tốt đẹp. Có thể nói sự bình yên của các buôn làng ở xã Cà Lúi luôn có sự tham gia, đóng góp tích cực của Ma Nghĩa. Ông thường xuyên tuyên truyền, vận động thanh niên trong thôn không được uống rượu say, gây gổ đánh nhau, gây mất an ninh trật tự thôn buôn; tuyên truyền bà con từ bỏ các tập tục lạc hậu; không tin, không nghe theo lời kẻ xấu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đại úy Sô Minh Dế - Phó Trưởng Công an xã Cà Lúi cho biết: “Ma Nghĩa là người hiểu biết rộng và rất có uy tín, nhờ đó mà ông tham gia hòa giải thành công rất nhiều trường hợp mâu thuẫn xảy ra trong buôn. Sự bình yên của buôn làng có sự đóng góp rất lớn của ông”.
Đặc biệt với vốn kiến thức và am hiểu của mình, ông có công rất lớn trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, khôi phục lại Lễ hội cầu mưa, lễ hội cúng bến nước, lễ hội mừng lúa mới. Ngoài ra, ông còn truyền dạy cho các cháu có năng khiếu về văn hoá dân gian, các điệu hát dân ca; vận động các nghệ nhân duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống và truyền dạy lại các thế hệ con cháu. Già làng Ma Hiền ở xã Cà Lúi cho biết: “Buôn làng hôm nay đã xóa bỏ được các tập tục lạc hậu, phục hồi được các lễ hội truyền thống của dân tộc mình, bà con vui cái bụng lắm, là nhờ Ma Nghĩa đó, cái bụng của Ma Nghĩa tốt lắm”.
Ở Buôn Ma Lưng trước đây, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng sắn, mía và làm lúa rẫy. Một số bà con vẫn còn thiếu ăn, thiếu mặc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao vv… Ma Nghĩa ngày đêm trăn trở. Năm 2016, hệ thống kênh mương thuỷ lợi từ sông Cà Lúi hoàn thành, dòng nước mát đã về tận thôn buôn. Thấy được ưu điểm vượt trội của cây lúa nước, ông đã vận động bà con và xung phong đi đầu trong canh tác lúa nước. Ma Nghĩa cho biết, nhờ làm lúa nước, năng suất lúa thu hoạch tăng cao. Trước kia làm lúa rẫy một năm chỉ một vụ, mỗi sào được 3 tạ thóc; nay làm lúa nước một năm hai vụ, năng suất tăng gấp 4 lần, thu hoạch 12 tạ/ 1 sào. Nhiều gia đình đã sắm được tivi, tủ lạnh, xe máy và các máy móc nông cụ phục vụ cho sản xuất như Ma Lạc, Ma Kiều, một số hộ ở các thôn khác... Trong buôn còn một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Ma Nghĩa đã cùng với các đoàn thể trong xã vận động, giúp đỡ xây nhà, hướng dẫn họ cách làm ăn, giúp họ vươn lên thoát nghèo; vận động bà con tham gia xây dựng Nông thôn mới. Đồng chí Sô Minh Hương - Chủ tịch UBND xã Cà Lúi cho biết: “Ma Nghĩa là tấm gương cho thế hệ trẻ chúng tôi noi theo về đạo đức và năng lực. Cả cuộc đời ông, bất kỳ ở cương vị nào ông cũng luôn cống hiến cho buôn làng”.
Giờ đây, bất kỳ ai đặt chân đến xã Cà Lúi, nơi rừng thiêng nước độc năm xưa sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh bạt ngàn của những rẫy mía, sắn… đang phủ khắp các triền đồi, cùng cánh đồng lúa nước bên dưới đang thì con gái, hứa hẹn cho một mùa bội thu. Đường vào buôn Ma Lưng được bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà mới khang trang được dựng xây… Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã mang lại cho xã Cà Lúi nhiều khởi sắc. Có được sự thay da đổi thịt này, không thể không nhắc đến công lao của Ma Nghĩa, người con ưu tú của buôn làng, người “giữ lửa” cho buôn làng luôn được ấm áp, bình yên.