Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CSHS (18/4/1946 – 18/4/2021), mỗi cán bộ, chiến sỹ CSHS luôn vinh dự, tự hào viết tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ lực lượng CSHS đi trước.
Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 121/NgĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ, có ghi nhiệm vụ là: “Giữ gìn trật tự trong địa hạt, đề phòng những hành động trái phép, điều tra truy tìm thủ phạm những hành vi trái phép giao Toà án trừng trị”.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu. |
Đây là mốc rất quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm về trật tự xã hội thuộc lực lượng CAND. Vì vậy, ngày 8/12/2008, Bộ Công an đã ký Quyết định số 2148/QĐ-BCA (C11) lấy ngày 18/4/1946 là Ngày Truyền thống của lực lượng CSHS.
Những ngày đầu Cách mạng tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các tổ chức tiền thân của lực lượng CSHS ở các địa phương như: “Đội trinh sát địa bàn”, sau đó là các Đội Hình cảnh trong các ban gọi là “Ban Trị an hành chính”, “Ban Trị an dân cảnh”... làm nhiệm vụ điều tra, xử lý, trấn áp bọn trộm, cướp, lừa đảo, giết người và bọn lưu manh chuyên nghiệp để bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn trật tự trị an. Sau chiến dịch Thu Đông 1950, ngày 1/12/1950, Đảng và Chính phủ tiến hành việc đổi tiền thống nhất trong vùng giải phóng. Lực lượng Công an, đặc biệt các tổ chức tiền thân của lực lượng CSHS đã tham gia tích cực trong việc giữ gìn trật tự nơi đổi tiền, bảo vệ kho bạc, chống lưu manh trộm cắp, chống bọn phản động phao tin đồn nhảm và hoạt động phá hoại, góp phần ổn định đời sống và tình hình an ninh, trật tự vùng mới giải phóng ở biên giới phía Bắc. Một số vụ điển hình: Ngày 6/5/1946, được sự giúp đỡ của quần chúng, Công an trật tự thị xã Vinh (Nghệ An) đã khám phá vụ giết bà Nguyễn Thị Chúc, cướp tài sản; Tại Hải Phòng, ngày 3/8/1946, đã điều tra vụ thảm sát man rợ (thủ phạm đã dùng dao giết chết 10 người, trong đó có 4 phụ nữ và 1 trẻ em 9 tháng tuổi, cướp đi toàn bộ vàng bạc, tài sản) tại nhà ông Nguyễn Thế Toàn, chủ tiệm vàng Vĩnh Tường (số 33 phố La Côm, nay là phố Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng)…
Từ sau Hội nghị Công an toàn quốc Lần thứ 6 (tháng 8/1951), hệ thống tổ chức Công an được xây dựng theo mô hình thống nhất từ Trung ương đến tỉnh, huyện từ Nam Trung Bộ trở ra. Tại Nam Bộ, do điều kiện chiến tranh, chiến trường bị chia cắt, việc liên lạc gặp nhiều khó khăn trở ngại, chỉ thị của Trung ương đến chậm, nên lúc này chưa thực hiện được hệ thống tổ chức thống nhất của Trung ương. Thời kỳ này, ở một số vùng hậu phương căn cứ của ta, máy bay địch thường xuyên oanh tạc các trục đường giao thông, một số hoạt động của Nhân dân phải chuyển về đêm. Lợi dụng tình hình đó, bọn tội phạm hình sự hoạt động gia tăng. Ngày 16 tháng 2 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL đổi Nha Công an Việt Nam thành Thứ Bộ Công an. Về tổ chức bộ máy của Thứ Bộ Công an có: Văn phòng Thứ bộ, Vụ Bảo vệ Chính trị, Vụ Trị an hành chính, Vụ Chấp pháp, Cục Cảnh vệ, Phòng Nhân sự, Trường Công an. Trong đó Vụ Trị an hành chính có nhiệm vụ đấu tranh chống bọn lưu manh, cướp của giết người, trộm cắp, tệ nạn xã hội... để giữ gìn trật tự xã hội. Trong thời gian này, lực lượng CSHS đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự vùng tự do, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mở ra một giai đoạn mới của cách mạng nước ta, giai đoạn xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một số vụ điển hình: Công an tỉnh Lạng Sơn đã khám phá một băng cướp, bắt 2 tên cầm đầu là: Dương Công The và Đàm Văn Huệ; Công an Hà Giang khám phá vụ trọng án giết 3 mẹ con cướp 1 lạng thuốc phiện và 3 đồng bạc trắng, bắt Giàng Mý Páo là đối tượng gây án và y đã bị Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử với mức án tử hình...
Trong giai đoạn cách mạng mới, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, ở miền Bắc lực lượng CAND bước vào thời kỳ mới trong điều kiện có hòa bình, song cũng phải đối mặt với những khó khăn thử thách do chế độ phong kiến lâu đời và chiến tranh để lại, đó là nền kinh tế què quặt, nghèo nàn lạc hậu… Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, Sở Công an Hà Nội thành lập các tổ chức mới của Công an, trong đó có Phòng Trị an dân cảnh (nay là Cảnh sát nhân dân). Tổ chức của Phòng Trị an dân cảnh, gồm: Ban Cảnh vệ, Đội Trật tự, Đội Giao cảnh, Đội Cứu hỏa và Đội Hình cảnh (nay là CSHS) là các tổ chức tiền thân của lực lượng CSHS. Lực lượng Hình cảnh ra đời lúc đầu có 40 cán bộ, chiến sỹ, Đội đã nhanh chóng xây dựng được mạng lưới quản lý, giám sát các đối tượng hình sự và các địa bàn phức tạp, đồng thời ngăn chặn và trấn áp có hiệu quả tội phạm hình sự, khám phá và xử lý nhanh các vụ án hình sự xảy ra, góp phần tích cực ổn định an ninh, trật tự ở Thủ đô mới giải phóng. Đội Hình cảnh của Công an Hà Nội là tổ chức CSHS đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự ra đời của Đội Hình cảnh đánh dấu điểm khởi đầu về tổ chức bộ máy của lực lượng CSHS Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ở miền Bắc, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc đã tham gia chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đã góp phần bảo vệ các nhà ga, bến bãi, kho tàng, cất giữ và vận chuyển cho chiến trường miền Nam. Hàng trăm đối tượng trộm cắp hàng hóa ở các kho bãi, nhà ga đã bị bắt xử lý. Lực lượng C CSHS cũng đã lập hồ sơ, đề nghị duyệt đưa hàng vạn đối tượng là lưu manh chuyên nghiệp đi tập trung giáo dục cải tạo theo Nghị quyết số 49 của Quốc hội, góp phần giữ ổn định trật tự an toàn ở miền Bắc. Thực hiện chủ trương của Bộ, đã có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng C CSHS được điều động tăng cường cho chiến trường miền Nam. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí lập công xuất sắc. Ngày 22/2/1973, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 32/CP về sửa đổi tổ chức bộ máy Công an, Cục Cảnh sát hình sự được thành lập. Đây là mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh về tổ chức của lực lượng C CSHS. Theo đó, lực lượng C CSHS được hình thành đầy đủ, chính quy ở tất cả Công an các tỉnh, thành phố miền Bắc. Sau ngày 30/4/1975, cùng với các lực lượng khác, lực lượng C CSHS tham gia tiếp quản ở các tỉnh, thành phố phía Nam, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Sau giải phóng miền Nam tại các tỉnh, thành phố ở phía Nam, các phòng C CSHS lần lượt được thành lập. Từ đây, lực lượng C CSHS trở thành lực lượng chủ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự xã hội và tệ nạn xã hội trong cả nước. Một số vụ điển hình: Điều tra khám phá vụ cướp của, giết người tại cửa hàng Hợp tác xã mua bán Mạo Điền (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) xảy ra tối ngày 27/9/1957. Qua đấu tranh xét hỏi và những chứng cứ xác thực, 6 tên tội phạm đã phải nhận tội; vụ Đoàn Văn Tăng (quê Thanh Hóa) là bộ đội loại ngũ, từ tháng 4 đến tháng 7/1973 đã dùng thuốc mê gây ra 9 vụ đầu độc để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân…
Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước ta được hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là phải nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Lực lượng CSHS đã triệt phá hàng nghìn băng nhóm tội phạm, bắt giữ xử lý hàng chục nghìn tên tội phạm các loại, khám phá hàng trăm vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là tội phạm giết người cướp của, triệt phá hàng chục băng cướp có vũ khí; điều tra bắt lại trên hai nghìn tên tội phạm hình sự nguy hiểm giam tại Côn Đảo trốn trại sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975). Trong thời gian này, lực lượng CSHS ở miền Nam triệt phá hàng loạt băng tội phạm đặc biệt nguy hiểm, như: băng tội phạm Nguyễn Văn Tân bắt cóc con, giết vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga; bắt cóc con nghệ sỹ Kim Cương; bắt cóc con bác sỹ Lã Hỷ; băng cướp do tên Phước Thanh (Phước Tám ngón) gây 4 vụ giết người (ở TP Hồ Chí Minh),... Lực lượng CSHS đã tham mưu cho Bộ mở hàng chục đợt tập trung truy quét tội phạm và tệ nạn xã hội. Kết quả đã bắt, xử lý hàng vạn tên tội phạm. Tổng kết các đợt tập trung truy quét tội phạm, lực lượng CSHS đã tham mưu Bộ báo cáo Chính phủ ra Chỉ thị số 135/1992/CT-CP phát động toàn dân đấu tranh phòng, chống tội phạm các loại. Kết quả của phong trào thực hiện Chỉ thị 135/CP đã góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội của đất nước trong những năm đầu đổi mới. Năm 1997, tổng kết Chỉ thị 135/CP, lực lượng CSHS đã đề xuất Bộ xây dựng và triển khai Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, mở ra cơ chế, đường lối huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong công cuộc phòng, chống tội phạm… Một số vụ điển hình như: vụ Phạm Đăng Hùng giết người tại số 7 Phạm Đình Hổ, Hà Nội xảy ra ngày 18-12-1977, nạn nhân bị hiếp và bị giết chết do 49 vết dao găm đâm vào người; vụ đối tượng Nguyễn Văn Khánh (Khánh Trắng) cầm đầu băng nhóm xã hội đen và đồng bọn ở Hà Nội năm 1996; vụ đối tượng Trương Văn Cam (Năm Cam) và đồng bọn hoạt động phạm tội có tổ chức theo kiểu xã hội đen, liên tục gây ra nhiều tội ác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong nước…
Lực lượng Cảnh sát hình sự tiến hành kiểm tra, bắt giữ một đối tượng phạm pháp. |
Ngày 15/9/2009, Chính phủ ra Nghị định số 77/NĐ-CP, quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Từ đây, bộ máy của Bộ Công an được kiện toàn với tổng quân số hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sỹ Công an chính quy, được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại và hàng chục vạn cán bộ Công an xã, phường, thị trấn, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp.
Bước sang giai đoạn mới của đất nước, công cuộc đổi mới và mở cửa hội nhập đang diễn ra nhanh chóng và sâu rộng, lực lượng CSHS thực thi nhiệm vụ trong những điều kiện thuận lợi mới. Đó là những thành tựu do kết quả của công cuộc đổi mới đất nước đem lại; sự giao lưu học hỏi kinh nghiệm của Cảnh sát các nước, sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật nước ta; các thiết bị, phương tiện hỗ trợ cho công tác phòng, chống tội phạm được tăng cường và đặc biệt là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Công an và sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhân dân, lực lượng CSHS đã đạt được nhiều thành tích trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ vững trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước. Tiếp nối truyền thống, lực lượng CSHS tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Công văn số 1676/Ttg-NC ngày 30/11/2020 về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người... Trong những năm gần đây, tội phạm về trật tự xã hội và tệ nạn xã hội được kéo giảm và kiềm chế. Bình quân mỗi năm, lực lượng CSHS điều tra xác minh gần 50.000 vụ phạm pháp hình sự các loại, triệt phá hàng nghìn băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm bắt giữ xử lý hàng chục nghìn tên tội phạm các loại, hàng trăm vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, các băng nhóm tội phạm có tổ chức lớn hoạt động theo kiểu “xã hội đen” đã lần lượt bị lực lượng CSHS phát hiện, triệt phá, làm tan rã. Tuy vậy, lực lượng CSHS đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đó là sự gia tăng hoạt động của nhiều loại tội phạm, tính chất, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày một tinh vi và nguy hiểm hơn, xuất hiện các loại tội phạm mới, tội phạm có yếu tố nước ngoài, hoạt động có tổ chức có vỏ bọc tinh vi, hoạt động lưu động, tội phạm sử dụng công nghệ cao... mặc dù lực lượng CSHS đã được tăng cường cả về quân số và trang bị phương tiện, song thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Trong thời gian 5 năm qua (2015 - 2020), công tác phòng, ngừa đấu tranh tội phạm hình sự đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tội phạm hình sự liên tục giảm, tỷ lệ điều tra khám phá tăng. Riêng trong năm 2020, trong điều kiện lực lượng CSHS vừa triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa chủ động, tích cực tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội; lực lượng CSHS đã triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, phạm pháp hình sự giảm 5,43% so với cùng kỳ năm 2019. Hầu hết các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm đều giảm. Có thể nói, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Chính phủ và Nhân dân, lực lượng CSHS đã trấn áp, điều tra khám phá nhanh hàng loạt những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trả lại sự bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân. Băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen” đã lần lượt bị lực lượng CSHS bắt giữ, không còn tội phạm công khai, ngang nhiên hoạt động; Đã bắt xử lý 81.525 đối tượng, đạt tỷ lệ 83,5%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,13%, triệt phá 1.946 băng nhóm tội phạm... Điều này cho thấy, lực lượng CSHS đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Một số vụ điển hình: Triệt phá băng nhóm tội phạm do Lê Văn Thọ (Thọ sứt, là phạm nhân chấp hành án phạt tù tại Trại giam Nam Hà) cầm đầu chỉ đạo đàn em ngoài xã hội giết người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ; điều tra, khám phá vụ giết 6 người trong một gia đình, cướp tài sản xảy ra ngày 7-7-2015 tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; triệt phá đường dây chuyên tổ chức mua bán bộ phận cơ thể người (thận) từ Việt Nam sang Campuchia; vụ giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, bắt giữ người trái pháp luật, tàng trữ trái phép chất ma túy xảy ra vào ngày 4/2/2019 tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; bắt đối tượng Nguyễn Hoàng Tâm dùng súng cướp Ngân hàng BIDV tại Thừa Thiên - Huế; đấu tranh triệt phá đường dây tội phạm tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại và mua bán người trước 16 tuổi xảy ra tại Hà Nội và các địa phương,… Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong ổn định tình hình trật tự xã hội, tạo lòng tin trong Nhân dân tham gia tích cực phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Với những chiến công và hy sinh thầm lặng của lực lượng CSHS đạt được trong 75 năm, Đảng, Nhà nước, ngành Công an và các Bộ, ban, ngành đã ghi nhận, đánh giá cao và tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương các hạng, đã có 32 đơn vị Phòng CSHS được phong tặng danh hiệu đơn vị "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; một số đơn vị được tuyên dương “Đơn vị anh hùng" lần thứ hai; có 18 đồng chí của lực lượng CSHS được phong danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” (trong đó có 10 Liệt sỹ); hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ CSHS được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Bằng khen và các danh hiệu cao quý khác; hàng trăm cán bộ CSHS đã trưởng thành và được bố trí giữ cương vị lãnh đạo quan trọng trong và ngoài ngành Công an.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh hết sức nặng nề. Để tiếp tục phát huy có hiệu quả các kết quả đạt được và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đề nghị lực lượng CSHS nghiêm túc thực hiện tốt một số nội dung chính sau đây:
1. Kịp thời tham mưu Bộ Công an để tham mưu Đảng, Nhà nước chỉ đạo công tác đấu tranh PCTP và chủ động xây dựng các giải pháp, kế hoạch, phương án phòng ngừa, đấu tranh PCTP hình sự có hiệu quả.
2. Tập trung lực lượng, phát huy mọi khả năng, áp dụng tổng hợp các biện pháp tổ chức điều tra khám phá, xử lý kịp thời các vụ án hình sự, tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn. Điều tra khám phá nhanh các vụ án lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm (phấn đấu đạt tỷ lệ điều tra khám phá chung từ 85% trở lên; đối với án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, đạt trên 90% đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao). Những vụ án đã khám phá nếu còn mở rộng được, cần phải tập trung điều tra khai thác, không để sót lọt tội phạm.
Tập trung tấn công, triệt xóa các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, họat động theo kiểu “bảo kê”, “tín dụng đen”, núp bóng doanh nghiệp, chống người thi hành công vụ. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm hình sự; thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa; góp phần thực hiện thắng lợi công tác bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
3. Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các ngành và nhân dân, nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm đấu tranh chống tội phạm hình sự của các nước bạn, đặc biệt các nước có điều kiện gần giống Việt Nam, như Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan…
4. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy; coi trọng công tác bồi dưỡng và rèn luyện phẩm chất, đạo đức, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, quy trình, quy chế làm việc cho cán bộ, đảng viên, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, hiệu quả công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phấn đấu xây dựng lực lượng CSHS chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030.
Có thể khẳng định, cùng với mỗi giai đoạn lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và của Bộ Công an, lực lượng CSHS đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của mình, thực sự là một trong những lực lượng chủ công bảo vệ và giữ vững nền an ninh trật tự của Tổ quốc. Những thành công và thắng lợi trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát hình sự nói riêng, lực lượng CAND nói chung đã góp phần tạo môi trường ổn định, thuận lợi để đất nước ta thực hiện thành công công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, tiếp tục phát triển không ngừng và ngày càng nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Phát huy truyền thống vẻ vang trong 75 năm qua, lực lượng CSHS quyết tâm chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là niềm tự hào, niềm tin yêu của nhân dân, của CAND Việt Nam.
Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công anNguồn tin: Báo Công an nhân dân
Ý kiến bạn đọc