Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục ưu tiên, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là đối với các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó, việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được coi là những nội dung trọng tâm, đã được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tham gia hỗ trợ cùng với lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự còn có các lực lượng khác như bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách (gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở). Đây là những lực lượng do Nhà nước thành lập, bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách và hiện nay đang được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về bảo vệ dân phố. Với vị trí, chức năng quan trọng làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự và là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân nên trong suốt quá trình hình thành và phát triển từ những ngày đầu của chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và lực lượng Công an, sự giúp đỡ, cộng tác, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và ngày càng được củng cố, kiện toàn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đóng góp tích cực trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự cũng như việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa bàn cơ sở.
Thời gian gần đây, trước bối cảnh của đại dịch COVID - 19 đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là tác động lớn đến tính mạng, sức khoẻ của Nhân dân, tác động đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trong suốt thời gian qua, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã và đang thực hiện có hiệu quả và là lực lượng tuyến đầu cùng tham gia hỗ trợ với lực lượng nòng cốt Y tế, Quân đội, Công an… trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của Nhân dân trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và dự báo trong những năm tiếp theo còn nhiều phức tạp hơn. Từ những cơ sở trên, có thể thấy, trên tất cả các địa bàn thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn và ở tất cả các địa bàn có dân cư sinh sống, đâu đâu cũng cần và đều thấy rõ vai trò của các tổ, nhóm thuộc lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Tuy vai trò, vị, trí, chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng này rất quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhưng hệ thống pháp luật chưa được quy định đồng bộ, thống nhất, chưa đảm bảo các điều kiện, nguồn lực để huy động tối đa sự tham gia, đóng góp của các lực lượng ở cơ sở. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rất cấp thiết và phù hợp với yêu vầu thực tiễn đặt ra.
Về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Trước năm 2001, các quy định về trật tự, an toàn giao thông, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực khác nhau được điều chỉnh riêng biệt ở các văn bản dưới luật. Năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ và năm 2008 thông qua Luật thay thế, tiếp tục điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực. Sau hơn 20 năm kể từ khi thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, do thực tiễn đã có nhiều vận động, thay đổi, đòi hỏi khách quan phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực về hạ tầng, vận tải và trật tự, an toàn giao thông. An toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung; không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật giao thông đường bộ. Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tuy đã có quy định chính sách về quy hoạch, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng… Như vậy, nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không thể quy định được đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực hoặc nội dung quá lớn. Do đó, phải xây dựng, ban hành các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể, trong đó ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hai dự thảo Luật nêu trên và tổ chức nhiều cuộc Hội thảo về cơ sở khoa học, thực tiễn của việc xây dựng, ban hành hai Luật. Tại phiên họp Chính phủ ngày 04/3/2022 về chuyên đề xây dựng pháp luật trong năm 2022, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến và thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến, biểu quyết thông qua đối với hai dự án Luật nêu trên trong các kỳ họp tới./.